Vậy là tôi lên đường...

07:29, 12/11/2015

BHG- Vài tháng trở lại đây, cái tên Cao nguyên đá và loài hoa đẹp mong manh, dịu dàng có tên Tam giác mạch bỗng trở thành tâm điểm chú ý của cư dân mạng cả nước. Trên khắp các website, diễn đàn, facebook, blog... đâu đâu cũng bắt gặp bài viết, hình ảnh, chia sẻ, bình luận về Hà Giang, về Cao nguyên đá và hoa Tam giác mạch.

Vậy là tôi khoác balô và đi...

Du khách dừng chân tại cánh đồng hoa Tam giác mạch xã Phố Cáo (Đồng Văn). Ảnh: KHÁNH AN
Du khách dừng chân tại cánh đồng hoa Tam giác mạch xã Phố Cáo (Đồng Văn). Ảnh: KHÁNH AN

Ấn tượng đầu tiên hóa ra lại đến từ hình ảnh các chiến sỹ Cảnh sát giao thông (CSGT). Đoàn xe vừa qua TP Hà Giang để ngược lên Cao nguyên đá thì bỗng gặp 1 chốt với khá đông anh em CSGT, dù đã chuẩn bị đầy đủ tất cả giấy tờ liên quan xong vẫn không khỏi cảm giác... lo sợ, ai biết được, giao thông Việt Nam thì kiểm tra đâu chẳng có sai phạm! Xe dừng lại mới biết mình nhầm, hóa ra không phải chốt kiểm tra gì cả, cô CSGT dáng người nho nhỏ, xinh xắn tới làm động tác chào rồi phát cho mỗi xe một tờ rơi về du lịch Cao nguyên đá cùng lời chúc thượng lộ bình an và chuyến đi vui vẻ. Mới hay, không riêng CSGT Đà Nẵng mới thân thiện và “biết làm du lịch”!

Ấn tượng thứ hai về mảnh đất này đó chính là phong cảnh sơn, lâm, thủy hữu tình. Con đường Hạnh phúc từ thành phố Hà Giang chạy dọc theo một nhánh của dòng sông Miện giữa những dãy núi đá điệp trùng xanh mát mắt kéo dài mãi đến chân dốc Pắc Sum. Dọc hai bên đường, những ngôi nhà sàn ngói xám và từng thửa ruộng vàng rực nặng trĩu bông của đồng bào người Tày, Mông, Dao đem lại cảm giác thanh bình và no ấm trong lòng mỗi khách bộ hành, để rồi khi đứng trên đỉnh dốc Pắc Sum, thu gọn vào trong tầm mắt bao la đất trời, hít căng lồng ngực bầu khí mát lạnh trong lành, ngắm nhìn con đường Hạnh phúc chạy ngoằn ngoèo dưới chân xa, chợt thấy yêu quê hương nước Việt ta quá và tự trách mình sao mãi giờ mới tới Hà Giang!

Nhưng ấn tượng hơn cả là... đá, có lẽ đây là ngọn nguồn của cái tên Cao nguyên đá chăng? Đá, đá và đá; đá trước, đá sau; đá trên, đá dưới; núi đá, rừng đá; muôn vạn hình dạng kỳ vĩ trong một màu xam xám của đá; đá ở khắp nơi, đá lẫn vào trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây, nhà họ cất trên đá, tường rào quanh nhà được xếp lên từ đá, ngô trồng trên đá, văn hóa của họ có âm hưởng của đá... và cuối cùng, đá được đúc kết lại trong câu nói kinh điển của người Hà Giang “sống trên đá, chết nằm trong đá”!

Hoa Tam giác mạch quả thực đẹp nao lòng, đẹp và hấp dẫn vô cùng, chẳng phải đang có một trào lưu du khách đến với Cao nguyên đá để ngắm Tam giác mạch đó sao? Và cả Lễ hội hoa Tam giác mạch diễn ra vào trung tuần tháng 11 này nữa! Tuy nhiên, tôi lại đồng quan điểm với chia sẻ của anh Trần Lập, rocker nổi tiếng của Ban nhạc Bức tường, rằng Cao nguyên đá đẹp bất tận và hoa Tam giác mạch chỉ là một phần của vẻ đẹp đó mà thôi.

Bạn có thấy vẻ đẹp của Cao nguyên đá trong từng cung đường, vạt nương; từng bụi cây cỏ dại ven đường; vẻ đẹp trong những ánh mắt tròn xoe, ngơ ngác của đám trẻ thơ cao nguyên, áo quần lấm bẩn, sờn rách, mong manh trong gió lạnh mùa Đông; vẻ đẹp trong nụ cười thân thiện trên những khuôn mặt khắc khổ của bà con dân tộc nơi đây!

Cao nguyên đá đẹp trong vẻ hoang sơ, thiên nhiên, con người hòa quyện, không gian thoáng đãng, trong lành. Khói bếp tỏa lên từ những ngôi nhà trình tường mái ngói dưới thung xa, nghe tiếng chim kêu, gà gáy chợt thấy cay nơi khóe mắt, giật mình nhớ về một thời tuổi thơ...

Đồng Văn, cái thị tứ vùng biên viễn cực Bắc này, giờ đã có hơi hướng, dáng dấp của thị trấn du lịch, những ngôi nhà trên Phố cổ vốn đã trải qua hàng trăm năm thăng trầm của lịch sử, giờ trở thành những quán café, quầy lưu niệm; những con đường dọc Phố cổ giờ trở nên tấp nập, nhộn nhịp mỗi dịp cuối tuần. Anh bạn người Đồng Văn, công tác dưới Hà Giang bảo với tôi, từ khi sinh ra đến nay, chưa bao giờ thấy Đồng Văn có nhiều người đến thế! Chẳng vậy sao, đoạn đường từ Dinh dòng họ Vương vào Cột cờ Quốc gia Lũng Cú, đoàn chúng tôi đi mất hơn 2 giờ, tắc năm ba đoạn, xe nối xe, người tiếp người, cứ nườm nượp vào ra, kéo dài hàng cây số, chỉ thương mấy anh chị CSGT hít bụi đường, khói xe vất vả phân luồng, mà cũng chẳng ăn thua vì đường quá nhỏ, còn dân xuôi thì lái xe đâu dạn bằng người vùng cao nên bên vách, bên vực nhìn đã... “rét”, chẳng dám đánh lái tránh nhau!

Gần 8h tối mới về đến phố huyện, anh chủ quán cơm vẻ mệt mỏi chạy ra đón khách và phân trần, anh chị ngồi uống nước cho đỡ mệt, chưa có bàn trống nên phải đợi chút khách ăn xong mới sắp xếp chỗ được, mà nhìn vào trong, hình như chưa có dấu hiệu bàn nào tàn cả! Cũng hay, tranh thủ bách bộ ngắm phố thị, hóa ra chẳng riêng mình, mấy quán ăn trong vùng nhà nào cũng đông nghịt khách, hết ra lại vào, mà dòng người thì vẫn tiếp tục đổ về mỗi lúc một đông...

Hôm rồi lướt facebook, đọc mấy status chia sẻ cảm nhận về Cao nguyên đá, có anh bảo, đại ý rằng du khách đến đông thì “béo” mấy ông người Kinh nhạy bén và có vốn thôi chứ mấy bác dân bản địa thì nghèo vẫn hoàn nghèo, đâu có thấy ông Mông, Dao nào làm chủ gì đâu, chỉ thấy làm thuê không hà! Tôi thì lại cho rằng, nhận xét như vậy e chưa khách quan lắm, dĩ nhiên mấy ông người Kinh vốn nhạy bén kinh doanh thì đã nhanh tay nắm lấy cơ hội đầu tư lớn rồi nhưng du lịch phát triển, người dân bản địa cũng được thụ hưởng nhiều lợi ích. Chẳng nói đâu xa, khu di tích Dinh thự dòng họ Vương từ người bán vé tham quan, cô hướng dẫn viên du lịch đến mấy em gái bán đồ lưu niệm và đặc sản địa phương đều là người Mông, Lô Lô nhé; rồi các anh chàng xe ôm đưa trả khách lên xuống Cột cờ Quốc gia Lũng Cú, hầu hết là người bản địa, cái anh người Mông đưa tôi lên thăm cột cờ tâm sự trung bình mỗi ngày cuối tuần kiếm được khoảng 400 - 500 nghìn đồng giúp vợ con mua gạo; còn nữa, lượng du khách đông kéo theo nhu cầu tiêu thụ sản vật địa phương rất lớn... dù mới manh nha phát triển du lịch nhưng lợi ích mà ngành này đem đến cho Cao nguyên đá và đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây là rất sáng sủa.

Hà Giang và Cao nguyên đá thực sự đẹp vô cùng trong lòng du khách, tuy nhiên, qua trải nghiệm chuyến đi, tôi thấy rằng:

Hoa Tam giác mạch rất đẹp nhưng vẻ đẹp đó chỉ hoàn hảo khi được trồng thành cánh đồng, thành nương hoa, do vậy, cơ quan chức năng cần có quy hoạch cụ thể tránh việc gieo trồng tự do, nhỏ lẻ, manh mún.

Cũng vì vẻ đẹp của hoa nên một bộ phận không nhỏ du khách khi tìm góc quay cho khung hình của mình đã giẫm, nằm, ngắt hoa... với mong muốn có được những tấm ảnh đẹp làm kỷ niệm chuyến đi, đã gây phản cảm trong bà con và cộng đồng. Bên cạnh sự vô ý thức của du khách, thực tế đặt ra với chủ nương và chính quyền địa phương khi lên ý tưởng trồng hoa cần chủ động tạo lối vào, ra, đồng thời dành khoảng trống giữa nương hoa để du khách thoải mãi lựa chọn góc chụp, tránh tình trạng giẫm, đạp lên hoa như vừa qua.

Một điểm nữa là... rác. Dọc đường đi cũng như tại các điểm dừng chân như cổng trời Quản Bạ, rừng thông Yên Minh, Dinh dòng họ Vương, Cột cờ Quốc gia Lũng Cú, Mã Pí Lèng... sự thiếu ý thức của một bộ phận du khách đã khiến những nơi này ngập tràn trong rác. Nên chăng thành lập các tổ xung kích (mà lực lượng chính là Đoàn thanh niên) thu dọn rác tại những địa điểm này vì chỉ riêng anh chị nhân công e rằng không kham nổi!

Chào tạm biệt Cao nguyên đá, ấn tượng nữa để lại trong tôi đó là sự trẻ khỏe, năng động, gần gũi, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước nhân dân của đội ngũ lãnh đạo tỉnh (tôi cảm nhận qua bài viết trên báo Hà Giang về đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang đi vi hành bằng xe máy cùng du khách).

 Ly Thế Đồng (Công an tỉnh)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Chuông Chùa Bình Lâm Bảo vật Quốc gia

BHG- Chuông chùa Bình Lâm hiện lưu giữ tại Chùa Bình Lâm, xã Phú Linh, huyện Vị Xuyên; được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia tại Quyết định số 2599/QĐ-TTg ngày 30.12.2013. 

12/11/2015
Tam giác mạch vẻ đẹp nơi cơ quan, đơn vị, trường học

BHG- Trong mấy năm gần đây, việc triển khai trồng hoa Tam giác mạch là một chủ trương đúng đắn nhằm thu hút du khách đến với các địa phương trên vùng Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn ngày càng nhiều, góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân.

11/11/2015
Vai trò của Nghệ nhân dân gian trong giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc ở Bắc Mê

BHG- Nghệ nhân dân gian (NNDG) là những người nắm giữ những vốn tri thức dân gian, có năng khiếu, hiểu biết; có năng lực sáng tạo và truyền dạy về một hay nhiều lĩnh vực thuộc văn hóa dân gian (VHDG). Đối với công tác giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc có thể khẳng định vai trò của các NNDG hết sức quan trọng. 

11/11/2015
Mèo Vạc, điểm đến lý tưởng

BHG- Mặc dù không phải địa bàn chính diễn ra Lễ hội hoa Tam giác mạch tỉnh Hà Giang lần thứ nhất năm 2015, nhưng chắc chắn du khách sẽ tiếc nuối nếu không ghé thăm Mèo Vạc. Bởi nằm giữa vùng lõi Công viên ĐCTC-CNĐ Đồng Văn, Mèo Vạc không chỉ thừa hưởng nhiều di sản địa chất, văn hóa độc đáo mà từ sự kết hợp hài hòa giữa núi rừng trùng điệp với loài hoa Tam giác mạch kiêu sa, cùng với nghệ thuật tạo hình của những người nông dân đã tạo nên "bức tranh" thiên nhiên tuyệt mỹ.

11/11/2015