Vai trò của Nghệ nhân dân gian trong giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc ở Bắc Mê
BHG- Nghệ nhân dân gian (NNDG) là những người nắm giữ những vốn tri thức dân gian, có năng khiếu, hiểu biết; có năng lực sáng tạo và truyền dạy về một hay nhiều lĩnh vực thuộc văn hóa dân gian (VHDG). Đối với công tác giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc có thể khẳng định vai trò của các NNDG hết sức quan trọng.
Các học viên “nhí” của lớp dạy đàn tính và hát then tại thôn Bó Củng, thị trấn Yên Phú. |
Bắc Mê là một huyện vùng sâu, cách trung tâm tỉnh lỵ 54 km về phía Đông; là nơi có đông các dân tộc anh em cùng sinh sống. Dân tộc Dao (chiếm 36,5%), dân tộc Tày (32%), dân tộc Mông (23,8%) và các dân tộc khác chiếm 7,7%. Đa dân tộc, đã làm giàu cho bản sắc VHDG trên địa bàn huyện với nhiều lễ hội truyền thống như: Lễ Cấp sắc, Lễ Cầu mùa của dân tộc Dao; Lễ hội Lồng tồng của dân tộc Tày; Lễ Cúng rừng của dân tộc Nùng; Lễ hội Gầu tào của dân tộc Mông... Bản sắc văn hóa còn được thể hiện thông qua những bộ trang phục truyền thống, các trò chơi dân gian như: Đẩy gậy, kéo co, đi cà kheo, đánh yến, đánh sảng, bắn nỏ, tung còn và các làn điệu dân ca như: Hát giao duyên, hát páo dung, hát sli, hát lượn, hát then, múa khèn, múa trống. và các ngành nghề thủ công, các làng nghề: đúc, rèn, chạm bạc, đan lát, thêu... Trong xu thế phát triển, bên cạnh những tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường, các vốn di sản văn hóa, ngành nghề truyền thống đã phải đối mặt với nhiều thách thức; việc duy trì, phát triển các nét văn hóa gặp nhiều khó khăn, thậm chí có nguy cơ mai một. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Đảng bộ, chính quyền và các ngành chức năng của huyện đã thực hiện nhiều kế hoạch nhằm giữ gìn, khôi phục và phát huy những nét văn hóa truyền thống của các dân tộc thông qua những ngày hội văn hóa, những lễ hội, hội diễn và các trò chơi dân gian, những môn thể thao truyền thống cũng được thường xuyên được tổ chức tạo điều kiện cho các NNDG có điều kiện tiếp xúc, giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm từ đó nâng cao chất lượng hoạt động.
Hiện, trên địa bàn huyện đã có 13/13 xã, thị trấn có Hội NNDG với tổng số 234 nghệ nhân. Trong đó có 48 Nghệ nhân múa; 79 Nghệ nhân hát; 12 Nghệ nhân rèn, đúc, chạm khắc; 21 Nghệ nhân nghề thêu, dệt, 8 Nghệ nhân võ cổ truyền, 13 Nghệ nhân Đông y; 53 Nghệ nhân lĩnh vực tâm linh. Các NNDG đã nhiệt tình tham gia công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực xây dựng đời sống văn hóa; góp phần giúp chính quyền cơ sở trong các hoạt động bài trừ, đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, ma to, cưới lớn. Một số hội viên đã có những hoạt động sáng tác và truyền dạy các làn điệu, bài hát, điệu múa, điệu khèn truyền thống cho thế hệ trẻ; có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa, tiếng nói, chữ viết, phong tục truyền thống của dân tộc. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, Hội NNDG cũng đã bộc lộ những điểm như việc chưa chú ý đến chất lượng và độ tuổi của hội viên; một số hội viên đã tham gia tổ chức Hội nhưng chưa nhiệt tình hoạt động; việc duy trì sinh hoạt, chế độ hội họp của các chi hội chưa thực sự thường xuyên, chưa có phương pháp, chương trình, kế hoạch hành động nên chất lượng và hiệu quả các hoạt động còn thấp chưa thu hút được sự chú ý của giới trẻ.
Để nâng cao hơn nữa vai trò của NNDG đối với việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn huyện, thiết nghĩ cần có vào cuộc quyết liệt hơn của các cấp, các ngành của địa phương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của Hội NNDG. Bên cạnh đó, cần sự quan tâm, ủng hộ của nhân dân hơn nữa đối với các hoạt động văn hóa truyền thống của các dân tộc tại địa phương.
Đại Tâm
Ý kiến bạn đọc