Thực hiện mô hình trường học mới (VNEN) ở Quản Bạ

09:44, 21/11/2015

BHG- Mô hình trường học mới (VNEN) đang được thực hiện tại các trường học ở huyện Quản Bạ sau một thời gian đã mang lại hiệu quả như giáo viên chủ động trong việc truyền tải kiến thức cho học sinh. Còn học sinh dần mạnh dạn, tự tin hơn khi tham gia các hoạt động học tập và vui chơi ở trường. Tuy nhiên, cũng tồn tại những khó khăn đặc trưng của vùng cao như: thiếu đồ dùng dạy học, học sinh chưa thông thạo Tiếng Việt...

Học sinh mạnh dạn hơn:

Khắc phục những khó khăn ban đầu, giờ đây chương trình VNEN đã không còn xa lạ với các phụ huynh và học sinh ở các trường vùng cao như Quản Bạ. Đến thăm một lớp học theo mô hình VNEN ở điểm trường Nậm Lương, thuộc trường Tiểu học xã Quyết Tiến, bước vào lớp học khiến chúng tôi không khỏi bất ngờ khi một học sinh trong lớp mạnh dạn đứng lên giới thiệu trôi chảy về lớp học của mình. Điều này có lẽ không hề xa lạ đối với các trường ở vùng thấp nhưng đối với những đứa trẻ vùng cao trước đây còn rất rụt rè khi đi học thì đó là một chuyển biến tích cực. Đánh giá về hiệu quả của chương trình, cô giáo Vương Thị Tuyên, dạy lớp 3, cho biết: “Sau một thời gian giảng dạy theo chương trình VNEN, các em được học chương trình mới từ lớp 2 nên đã quen với cách học mới, học sinh nắm bắt được cách học theo nhóm, chủ động thảo luận và làm bài tập, tự khám phá kiến thức. So với trước đây thì học sinh mạnh dạn, tự tin hơn.”

Một lớp học theo mô hình VNEN ở Trường PTDTBTTH Quản Bạ (Quản Bạ).
Một lớp học theo mô hình VNEN ở Trường PTDTBTTH Quản Bạ (Quản Bạ).

Phó trưởng Phòng Giáo dục huyện, Ma Quang Thắng, cho biết: “Chương trình giáo dục mới VNEN đã được thực hiện ở 9 trường trên địa bàn huyện, trong đó có 5 trường trong dự án và 4 trường mới được nhân rộng ở năm học 2015 – 2016. Quy trình triển khai đến các trường cơ bản thuận lợi do các cán bộ, giáo viên được tập huấn, thảo luận, dự giờ thường xuyên. Đa số giáo viên giảng dạy nắm chắc tài liệu, phương pháp dạy học theo mô hình VNEN, áp dụng linh hoạt 5 bước giảng dạy của giáo viên. Hướng dẫn học sinh học tập theo quy trình 10 bước, tích cực làm đồ dùng phục vụ dạy và học tập, trang trí lớp học nhằm thu hút học sinh đến lớp. Việc nhân rộng mô hình cũng không có vướng mắc nhờ giáo viên đã có kinh nghiệm. Ngoài ra, huyện đã thực hiện dạy lớp 1 Tiếng Việt – công nghệ giáo dục, đại trà từ năm học 2014 – 2015 để nâng cao khả năng đọc viết của học sinh.”

Để thực hiện tốt chương trình VNEN, cô giáo Hoàng Thị Bình, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học (PTDTBTTH) Quản Bạ, chia sẻ: “Ở trường PTDTBTTH Quản Bạ có 5 lớp học ở trường chính và 3 điểm trường ở thôn Lùng Khúy, Khung Nhùng, Chúc Sơn giảng dạy theo chương trình VNEN. Nhờ được chọn làm trường điểm nên nhà trường có nhiều thuận lợi như: có kinh phí tổ chức hoạt động chuyên môn, trang trí lớp học, hỗ trợ sách... Sau 4 năm, học sinh đã quen với cách học mới, biết tự hoạt động nhóm, trở nên tự tin, chủ động hơn trong việc học. Tuy nhiên, theo tôi yếu tố để chương trình mới có hiệu quả là chất lượng giáo viên phải tốt và có đầy đủ cơ sở vật chất cho việc dạy và học”.

Còn nhiều khó khăn:

Dù đã đem lại một số hiệu quả, song việc áp dụng chương trình học mới ở vùng cao vẫn còn nhiều vướng mắc. Khó khăn đầu tiên là đa số học sinh là người dân tộc thiểu số, chưa thông thạo tiếng Việt, đọc hiểu còn chậm. Theo cô giáo Hoàng Thị Bình “để rèn cho học sinh hoạt động nhóm tốt thì trước tiên các em cần phải nói tiếng Việt tốt. Thế nhưng ở các điểm trường còn tồn tại tình trạng học sinh đi học chưa chuyên cần, chưa thông thạo tiếng Việt nên chất lượng dạy và học chưa được tốt”. Một vấn đề nữa là đối với huyện nghèo như Quản Bạ thì việc mua sách giáo khoa theo chương trình mới cũng là gánh nặng cho phụ huynh. Cô giáo Vương Thị Tuyên tâm sự: “nếu chương trình học mới được áp dụng đại trà và không còn hỗ trợ thì sẽ khó về sách giáo khoa, do sách theo chương trình mới đắt hơn bộ sách cũ, một quyển sách đã có giá hơn 20 nghìn đồng, ở đây nhiều gia đình sẽ không có đủ khả năng mua sách cho con”. Ngoài ra, nhiều giáo viên cho rằng nếu dạy học theo chương trình mới thì giáo viên phải làm rất nhiều việc như chuẩn bị đồ dùng dạy học phối hợp với bài tập, trong khi cơ sở vật chất của trường còn thiếu thốn. Hơn nữa, thực hiện Thông tư 30 của Bộ GD&ĐT, các giáo viên không chấm điểm mà nhận xét từng học sinh, mỗi giáo viên sẽ phải mất nhiều thời gian suy nghĩ để viết lời nhận xét sao cho biểu đạt được hết ưu, nhược điểm của học sinh.

Một khó khăn khác với vùng thấp nữa là trình độ dân trí ở vùng cao còn thấp, phần ứng dụng giáo viên không nhận được sự ủng hộ từ phía phụ huynh, cộng đồng vì nhiều người chưa quan tâm đến việc học tập của con em mình, còn phó mặc cho giáo viên và nhà trường. Đặc biệt, có trường hợp giáo viên nhận xét nhưng về nhà phụ huynh không xem được phần nhận xét này để biết con em mình học có tốt hay không.

Việc đổi mới cách dạy và học theo hướng “lấy học sinh làm trung tâm” là những chuyển biến tích cực nên làm. Tuy nhiên, để thực hiện được việc này, các trường vùng cao vẫn cần sự vào cuộc của cộng đồng, xã hội để khắc phục những khó khăn kể trên.

Bài, ảnh: Lê Hải


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Quang Bình, đưa giáo dục văn hóa truyền thống vào trường học

BHG- Trong những năm qua, nhất là từ khi có Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; BCH Đảng bộ huyện Quang Bình đã quan tâm lãnh, chỉ đạo và có những chủ trương trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của các dân tộc và đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi.

21/11/2015
Trường THPT Lê Hồng Phong kỷ niệm 70 năm nền Giáo dục Việt Nam và 33 năm ngày Nhà giáo Việt Nam

BHG- Sáng ngày 20.11, Trường THPT Lê Hồng Phong long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm nền Giáo dục Việt Nam và 33 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11.1982 – 2015). Đến dự có các đồng chí đại diện các sở, ngành của tỉnh, thành phố; đại diện hội phụ huynh; cùng đông đảo các cựu nhà giáo, giáo viên và học sinh trong trường. 

20/11/2015
Trường Chính trị tỉnh tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam

BHG- Ngày 20.11, Trường Chính trị tỉnh tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11. Dự buổi lễ có đồng chí Triệu Tài Vinh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cùng lãnh đạo các Ban xây dựng Đảng, sở, ngành, đoàn thể; nguyên cán bộ lãnh đạo nhà trường qua các thời kỳ và toàn thể cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh.

20/11/2015
Tổng kết công tác thi đua khen thưởng Cụm thi đua 7 tỉnh miền núi biên giới phía Bắc

BHG- Sáng 20.11, Cụm thi đua 7 tỉnh miền núi biên giới phía Bắc gồm Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH - TT&DL) các tỉnh: Lạng Sơn, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Cao Bằng và Hà Giang tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thi đua khen thưởng năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016 do Sở VH - TT&DL tỉnh Hà Giang đăng cai.

20/11/2015