Quang Bình, đưa giáo dục văn hóa truyền thống vào trường học
BHG- Trong những năm qua, nhất là từ khi có Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; BCH Đảng bộ huyện Quang Bình đã quan tâm lãnh, chỉ đạo và có những chủ trương trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của các dân tộc và đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi.
Đẩy gậy - một trong những nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Pà Thẻn được đưa vào giờ học ngoại khóa của các trường học trong toàn huyện Quang Bình. |
Đặc biệt, huyện đã phối hợp với Sở Văn hóa, TT&DL, Bảo tàng tỉnh tiến hành khảo sát, lập hồ sơ khoa học đề nghị công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia Lễ hội Nhảy lửa dân tộc Pà Thẻn, thôn My Bắc, xã Tân Bắc. Đến nay, Lễ hội Nhảy lửa đã được ghi vào danh mục văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Cùng đó, huyện đã chỉ đạo xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Pà Thẻn trên địa bàn huyện; trong đó, lựa chọn thôn My Bắc, xã Tân Bắc làm điểm chỉ đạo trong việc bảo tồn văn hóa vật thể và phi vật thể, như Lễ hội Nhảy lửa, Lễ Kéo chày, kiến trúc nhà ở truyền thống, trang phục truyền thống; các nét đẹp trong giao tiếp, ứng xử, nghề dệt thủ công truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc, các phong tục tập quán tốt đẹp trong đời sống hàng ngày. Xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy giá trị nét văn hóa truyền thống đặc trưng của dân tộc Dao, thôn Nặm Qua, xã Tân Nam. Xúc tiến khởi công xây dựng Nhà truyền thống dân tộc Pà Thẻn tại thôn My Bắc, xã Tân Bắc làm nơi trưng bày các sản phẩm, đồ dùng, vật dụng truyền thống dân tộc Pà Thẻn. Tổ chức và khôi phục các lễ hội dân gian truyền thống. Đến nay, Lễ hội Lồng tồng của dân tộc Tày, Lễ hội Nhảy lửa, Lễ Kéo chày dân tộc Pà Thẻn đều được duy trì tổ chức hàng năm; Lễ Cấp sắc của dân tộc Dao cũng được duy trì và tổ chức đảm bảo yếu tố văn hóa truyền thống; duy trì tổ chức Hội Chọi trâu vào ngày mùng 6, 7 tháng Giêng (Âm lịch) hằng năm; Lễ hội Đua thuyền trên hồ Thủy điện Sông Chừng tổ chức vào ngày 19.8 hằng năm. Cùng đó, tổ chức xây dựng, tôn tạo Đình Bản Chún, thôn Nà Mèo, xã Tân Nam, đồng thời lập hồ sơ khoa học đề nghị công nhận danh lam thắng cảnh hồ Thủy điện Sông Chừng và Đình Bản Chún là Di tích Lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Huyện cũng tập trung chỉ đạo thành lập Hội Nghệ nhân dân gian các xã, thị trấn, đến nay đã có 14/15 xã, thị trấn đi vào hoạt động đạt hiệu quả tốt. Công tác truyền dạy văn hóa truyền thống của dân tộc trong các trường học đã được quan tâm, chỉ đạo đưa vào các giờ học ngoại khóa như: Các trò chơi dân gian tuyền thống (kéo co, đẩy gậy); Phòng GD&ĐT thường xuyên tổ chức liên hoan hát dân ca các dân tộc trong các đơn vị trường học...
Hiện nay, do nhiều yếu tố tác động tiêu cực của đời sống xã hội, đã làm cho lớp trẻ lãng quên. Văn hóa truyền thống đang có nguy cơ mai một, đòi hỏi cần có biện pháp bảo tồn kịp thời, nhằm xây dựng và phát triển văn hóa các dân tộc huyện Quang Bình giàu bản sắc, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9.6.2014 Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc trên điạ bàn huyện, tại Hội nghị BCH Đảng bộ huyện lần thứ III (nhiệm kỳ 2015 – 2020) vừa qua, BCH Đảng bộ huyện đã có Nghị quyết chuyên đề “Về bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống thông qua giờ học ngoại khóa trong nhà trường”, giai đoạn 2015 – 2020, nhằm bảo tồn và khơi dậy những giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc trong nhà trường, giúp các em học sinh cảm nhận được cái hay, cái đẹp và tinh túy của nền văn hóa các dân tộc mà ông cha ta đã dầy công gìn giữ và phát triển qua nhiều thế hệ; thông qua các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc, điệu múa, các trò chơi dân gian được đưa vào truyền dạy trong nhà trường, giúp các em hiểu về giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, góp phần giáo dục thế hệ trẻ phát huy tinh thần yêu nước và truyền thống đại đoàn kết dân tộc, ý thức độc lập tự chủ, tự cường xây dựng và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng con người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng, từng địa bàn dân cư, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người, tạo ra trên đất nước ta đời sống tinh thần cao đẹp, trình độ dân trí cao, khoa học phát triển, phục vụ đắc lực công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh, tiến bước vững chắc lên chủ nghĩa xã hội.
Bài, ảnh: Hiến Chương
Ý kiến bạn đọc