Pù Đồn cần lắm một điểm trường kiên cố
BHG- Vượt lên con dốc đỏ trơn trượt toàn đá, chúng tôi đến với điểm trường thôn Pù Đồn, xã Đồng Tiến - xã vùng III khó khăn nhất của huyện Bắc Quang. Từ xa, chúng tôi nghe rõ tiếng trẻ mầm non bi bô tập đọc. Điểm trường Pù Đồn vắng vẻ, không có nền bê-tông, thiết bị học tập còn thiếu nhiều; hiện ra trước mắt chúng tôi dưới cái nắng vàng ruộm của tiết trời giữa Thu. Nhìn ánh mắt trong veo, nụ cười thơ ngây của các em nhỏ khi có người lạ vào lớp mà lòng chúng tôi như thắt lại. Tôi biết các em đang háo hức với niềm vui được đi học khi bước vào năm học mới chưa lâu, nhưng khi mùa Đông đang đến gần, liệu các em sẽ đi học ra sao với cơ sở vật chất như hiện tại?
Điểm trường Mầm non thôn Pù Đồn. |
Nằm trọn giữa bốn bề núi rừng heo hút, những nếp nhà người Mông lác đác, với con đường lên thôn khúc khuỷu, gập ghềnh và nguy hiểm; điểm trường thôn Pù Đồn có gần 20 em học sinh từ 3 – 5 tuổi và là điểm trường khó khăn nhất không chỉ riêng của xã Đồng Tiến mà của cả huyện Bắc Quang. Thôn Pù Đồn cũng là thôn khó khăn nhất của xã Đồng Tiến gồm 58 hộ, với 327 khẩu; số hộ nghèo chiếm gần 50% tổng số hộ. Điểm trường nằm cách trường chính 7 km, đường đi toàn là đất, đá lởm chởm. Nhiều năm nay, các em học sinh phải học dưới lớp học tạm bợ bằng tre, nứa. Mặc dù chính quyền xã cũng đã rất cố gắng huy động các nguồn đầu tư xã hội hóa, nhưng không thể xây dựng được hết các điểm trường trên địa bàn xã.
Anh Chương Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Đồng Tiến cho biết: Xã Đồng Tiến là xã vùng III khó khăn nhất của huyện Bắc Quang, hiện nay, xã có 4 điểm trường Mầm non, thì có 2 điểm trường được xây dựng kiên cố, còn lại các em vẫn phải học ở lớp học cũ hay học nhờ. Người dân còn nghèo, đời sống nhiều hộ còn chưa đủ ăn, việc huy động đóng góp các khoản còn khó khăn, chứ chưa nói đến chuyện huy động xã hội hóa để xây điểm trường; mỗi thôn phấn đấu xây dựng được một nhà văn hóa thôn là tốt lắm rồi. Cô giáo, phụ huynh học sinh và chính quyền địa phương đều biết rất rõ thực trạng nhưng do điều kiện hoàn cảnh, kinh phí xây dựng thì chưa có nên “lực bất tòng tâm”, chưa có giải pháp khắc phục”.
Các cháu mầm non học nhờ tại Nhà Văn hóa thôn Pù Đồn. |
Chị Hoàng Thị Thật, giáo viên mầm non điểm trường thôn Pù Đồn cho biết: Trước đây thì khó vận động bố mẹ cho các em đi học, vì gia đình không có điều kiện, các em còn nhỏ, khá nhút khát. Gần đây, vận động được bố, mẹ; các em nhỏ chịu khó đi học hơn, háo hức được tập hát, tập thể dục và học chữ. Mỗi em được hỗ trợ 120 nghìn đồng/tháng tiền ăn; nên bố mẹ thường lấy luôn số tiền ấy đóng học cho các em. Các em thường về nhà ăn, không ăn ở lớp bao giờ. Song lớp học còn khó khăn, bị xuống cấp nhiều, điều kiện không đảm bảo, điện chưa có, nhà vệ sinh cũng chưa; tường vách bị hư hỏng, ngày nắng hay mưa bão là hoạt động học bị trì hoãn. Vài tháng gần đây, gần 20 em học sinh mầm non vẫn đang học tạm nhờ nhà văn hóa thôn mới được xây dựng chưa lâu”.
Điểm trường Pù Đồn hiện chưa được đầu tư xây dựng, nhiều năm nay, các em vẫn phải học ở học làm bằng tre, nứa, cột gỗ, mái lợp phi prô xi-măng thủng lỗ chỗ; bàn ghế trong lớp thì bị hư hỏng. Bên trong phòng học, với diện tích hơn 20m2 kê 4 chiếc bàn cũ kỹ, không đáp ứng được nhu cầu học tập của các
Để cho gần 20 em học sinh mầm non của điểm trường Pù Đồn và nhiều điểm trường khác của xã Đồng Tiến yên tâm học tập, rất cần hơn nữa sự quan tâm từ cấp ủy, chính quyền địa phương và sự chung tay giúp đỡ của các đơn vị, tổ chức, cá nhân và các nhà hảo tâm.
MỸ HẰNG
Ý kiến bạn đọc