Ngành Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh việc học tập và làm theo lời Bác
BHG - Sinh thời, Bác Hồ của chúng ta đã khẳng định: Đạo đức là gốc của cách mạng. Bác coi đạo đức của con người như gốc của cây, như nguồn của sông. Người luôn nhấn mạnh, vai trò quan trọng và tích cực của đạo đức trong đời sống xã hội. Bởi vậy, học tập và rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay là thiết thực và quan trọng.
Quán triệt tư tưởng về đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh quy định đạo đức nhà giáo của Bộ Giáo dục. Trong những năm qua, việc triển khai thực hiện việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” luôn được Công đoàn ngành Giáo dục xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, là trách nhiệm của mỗi chi bộ, mỗi đơn vị trường học, mỗi cán bộ, đảng viên, giáo viên, gắn với các phong trào thi đua và nhiệm vụ chuyên môn của toàn ngành.
Cô giáo Nguyễn Thị Đẹp, Chủ nhiệm lớp 3 D Trường Tiểu học Lê Lợi (TP HG) hướng dẫn học sinh trong giờ thảo luận nhóm học theo chương trình VNEN. |
Hiện nay, có trên 20.500 cán bộ, giáo viên, công nhân, viên chức làm việc và thực hiện công tác giảng dạy trong 854 trường và cơ sở giáo dục cho 219.670 học sinh, học viên phổ thông và 1.855 học sinh, sinh viên các trường chuyên nghiệp. Đội ngũ nhà giáo ngày càng được bổ sung, hoàn thiện về cơ cấu; 100% giáo viên đạt chuẩn về trình độ đào tạo. Cụ thể như: Tổng số giảng viên, giáo viên có trình độ đào tạo sau đại học là 335 đồng chí, 4 đồng chí là Tiến sỹ. Trong đó giáo viên có trình độ trên chuẩn như cấp Mầm non 46%; Tiểu học 59,9%; Trung học cơ sở 58,3%; Trung học phổ thông 11,65%. Đội ngũ giáo viên từng bước được bồi dưỡng nâng cao về chất lượng, đáp ứng với yêu cầu đổi mới GD-ĐT trong tình hình mới.
“Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong ngành Giáo dục được cấp ủy Đảng, chính quyền cùng cấp đặc biệt quan tâm, chỉ đạo sát sao trong việc thực hiện nội dung, Chương trình năm học, đặc biệt là chương trình số 104-C.Tr/TU ngày 23/4/2014 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đối với các trường học; thực hiện tốt phong trào thi đua dạy tốt, học tốt; thực hiện các quy định đạo đức nhà giáo gắn với Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương về đạo đức, tự học, tự sáng tạo”; phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; Cuộc vận động “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”... Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, bất cập, song đội ngũ cán bộ, giáo viên hiện nay cơ bản nhận thức rõ trách nhiệm nặng nề và vinh dự to lớn của mình đối với sự nghiệp dạy “Chữ”, dạy “Người”; luôn tâm huyết, say mê với nghề, giữ vững chữ “Đạo”, coi trọng chữ “Tâm”; không ngừng học tập, trau dồi kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, luôn là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, ý chí nỗ lực vươn lên. Đồng thời truyền cảm hứng, thắp lên ngọn lửa đam mê nghề nghiệp, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, cống hiến cho lý tưởng cách mạng và sự nghiệp để học sinh noi theo.
Kết quả năm học 2014 -2015, ngành giáo dục tỉnh thu được những thành tích đáng kể, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên. Hoạt động giáo dục đã đi vào chiều sâu, tỷ lệ học sinh khá, giỏi ngày càng tăng. Học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 12 năm học 2014 – 2015 là 280 học sinh trong các môn học; đạt học sinh giỏi cấp Quốc gia 5 em; học sinh giỏi đạt giải cấp tỉnh lớp 9 là 340 em; thi tốt nghiệp THPT năm 2015 đạt 82,25%; tốt nghiệp THCS đạt tỷ lệ 99,15%. Thực hiện kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2013 -2015. Đến nay, toàn tỉnh có 126/142 trường đạt chuẩn Quốc gia, đạt 88,7%. Bên cạnh đó, đội ngũ nhà giáo luôn chú trọng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên. Đặc biệt là đội ngũ giáo viên chủ nhiệm nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực phối hợp với giáo viên bộ môn, các đoàn thể trong nhà trường tăng cường mối liên hệ giữa gia đình - nhà trường - xã hội trong công tác giáo dục, lối sống văn hóa cho học sinh, sinh viên để kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, hành vi vi phạm đạo đức của học sinh, sinh viên. Nhìn chung, đội ngũ nhà giáo luôn phát huy tốt vai trò nêu gương trong thực hiện chuẩn mực đạo đức, nội quy, quy định của nhà trường.
Đạt được kết quả trên, ngành Giáo dục luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Công đoàn cấp trên, cấp ủy Đảng cùng cấp. Bên cạnh đó, sự đóng góp tích cực của đội ngũ nhà giáo trong tỉnh luôn nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi theo lời Bác Hồ dạy: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt” để tạo những thế hệ học sinh có tri thức cao, phẩm chất đạo đức tốt, có kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng sống phục vụ cho sự nghiệp phát triển của tỉnh và công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đoàn kết, sáng tạo trong công tác giảng dạy, tích cực học tập, rèn luyện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, kiên định trước mọi khó khăn thách thức, giữ gìn nhân cách và hình mẫu mô phạm của người thầy, có tinh thần trách nhiệm, tận tụy với công việc, sáng tạo trong công tác quản lý, trong giảng dạy và có nhiều đóng góp trong sự nghiệp GD-ĐT của tỉnh.
Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Công đoàn ngành chủ động phối hợp chặt chẽ với chuyên môn ngành Giáo dục, tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy từ tỉnh đến các trường học, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, tiếp tục triển khai việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tới toàn thể đội ngũ cán bộ, giáo viên; luôn nâng cao phẩm chất đạo đức nhà giáo, phẩm chất, chính trị, lối sống, ý thức, trách nhiệm, năng lực trong sự nghiệp “Trồng người” của người “Thầy” và tinh thần “Tôn sư trọng đạo” của người “Trò”; tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho học sinh. Cùng với đó, cần phải tôn vinh rộng rãi trong xã hội, trong các nhà trường đối với sự nghiệp giáo dục và đạo đức nhà giáo; tích cực đấu tranh ngăn chặn những nhận thức, hành vi không đúng về nghề dạy học, cùng những biểu hiện tiêu cực làm ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường cũng như phẩm giá, tư cách của nhà giáo.
Với tinh thần “Tất cả vì học sinh thân yêu”, tích cực học tập, thường xuyên tự bồi dưỡng, học hỏi đồng nghiệp để nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực sư phạm, khám phá cái mới, vận dụng sáng tạo các nguyên tắc, phương pháp dạy học vào quá trình giảng dạy, góp phần đưa sự nghiệp GD-ĐT trong tỉnh ngày càng phát triển.
Thành Đồng
Ý kiến bạn đọc