Mèo Vạc, điểm đến lý tưởng
BHG- Mặc dù không phải địa bàn chính diễn ra Lễ hội hoa Tam giác mạch tỉnh Hà Giang lần thứ nhất năm 2015, nhưng chắc chắn du khách sẽ tiếc nuối nếu không ghé thăm Mèo Vạc. Bởi nằm giữa vùng lõi Công viên ĐCTC-CNĐ Đồng Văn, Mèo Vạc không chỉ thừa hưởng nhiều di sản địa chất, văn hóa độc đáo mà từ sự kết hợp hài hòa giữa núi rừng trùng điệp với loài hoa Tam giác mạch kiêu sa, cùng với nghệ thuật tạo hình của những người nông dân đã tạo nên “bức tranh” thiên nhiên tuyệt mỹ.
Đông đảo du khách thuê trang phục chụp ảnh với hoa Tam giác mạch tại xã Pả Vi. Ảnh: QUỲNH LƯU |
Đến với Mèo Vạc, du khách không chỉ được hòa mình vào những cánh đồng hoa Tam giác mạch đang thời kỳ nở rộ mà còn có thể thưởng ngoạn “đệ nhất hùng quan” Mã Pì Lèng, “rừng hoa đá” Lũng Pù, khám phá Hang Rồng... Với mục đích tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch, huyện Mèo Vạc đã phân công nhiệm vụ cho các ngành chức năng, các xã, thị trấn chuẩn bị tốt các nội dung, điều kiện tham gia Lễ hội hoa Tam giác mạch. Đồng thời, khuyến khích các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện, các xã, thị trấn và các đơn vị trường học tận dụng các diện tích đất trống, bồn hoa, chậu hoa trong khuôn viên cơ quan, đơn vị để huy động cán bộ, giáo viên, học sinh tích cực tham gia trồng Tam giác mạch, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp; thường xuyên chỉ đạo phân công lãnh đạo, cán bộ của các ngành chức năng xuống cơ sở kiểm tra, hướng dẫn nhân dân từ khâu chuẩn bị đất, giống, gieo trồng, thiết kế tạo hình, chăm sóc và bảo vệ theo đúng các quy trình kỹ thuật.
Đồng chí Nguyễn Cao Cường, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: “Nhằm tạo ấn tượng đối với du khách ngay khi đặt chân tới Mèo Vạc, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng của huyện phối hợp với các xã làm việc cụ thể với các hộ dân nằm trong vùng quy hoạch gieo trồng chuẩn bị đất, phân bón, giống, thời gian gieo trồng, cơ chế hỗ trợ. Qua đó, nhận được sự ủng hộ và tham gia nhiệt tình của nhân dân”. Đến nay, toàn huyện đã gieo trồng trên 30 ha, trong đó tập trung vào cụm điểm nhấn: Cánh đồng xã Pả Vi, điểm dừng chân Mã Pì Lèng, sân vận động trung tâm huyện và các xã dọc theo Tỉnh lộ 176, gồm: Tả Lủng, Sủng Máng, Sủng Trà. Để tạo sự khác biệt, huyện đã chỉ đạo các ngành hướng dẫn nhân dân chủ động thiết kế tạo hình như hình trái tim, ngôi sao... Bên cạnh đó, phối hợp với Công ty lữ hành Cao nguyên đá tập trung chuẩn bị các điều kiện trưng bày gian hàng giới thiệu sản phẩm địa phương tại điểm dừng chân Mã Pì Lèng và lập gian hàng tại ngã 3 Hạt 7 xã Pả Vi, bán một số sản vật đặc trưng như: Mật ong Bạc hà, rượu ngô, rượu Tam giác mạch, bánh Tam giác mạch, hạt giống Tam giác mạch; dụng cụ lao động sản xuất, đồ dùng sinh hoạt, ẩm thực, nhạc cụ, trang phục các dân tộc, sản phẩm thổ cẩm dân tộc Lô Lô... Ngoài ra, huyện đã lựa chọn 23 Nghệ nhân tham gia các hoạt động văn nghệ dân gian, giới thiệu nghề, sản phẩm tại điểm dừng chân Mã Pì Lèng, xã Pả Vi (đan quẩy tấu, múa khèn). Xây dựng gian nhà vệ sinh di động phục vụ du khách; bố trí các biển chỉ dẫn, khu vực đỗ xe, đường vào tham quan chụp ảnh. Để tránh tình trạng “chặt chém” du khách có thể diễn ra, UBND huyện Mèo Vạc đã tổ chức gặp mặt các chủ cơ sở kinh doanh, dịch vụ, nhà hàng, nhà nghỉ, nhà nghỉ trọ, khách sạn, tiến hành ký cam kết không tăng giá và lôi kéo du khách trong thời gian diễn ra Lễ hội hoa Tam giác mạch; đồng thời chỉ đạo Đội kiểm tra liên ngành 814 tổ chức niêm yết, công khai số thoại các đồng chí lãnh đạo huyện, UBND thị trấn Mèo Vạc. Chỉ đạo Công an huyện xây dựng kế hoạch đảm bảo tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn huyện trong thời gian diễn ra Lễ hội...
Sự hòa quyện của đất trời, của loài hoa Tam giác mạch kiêu sa chắc chắn sẽ làm hài lòng du khách. Với sự chuẩn bị chu đáo, Mèo Vạc đang gọi mời và chắc chắn để lại nhiều ấn tượng đối với du khách khi đến với mảnh đất biên cương.
KIM TIẾN
Ý kiến bạn đọc