Lễ hội Nhảy lửa nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Pà Thẻn xã Tân Bắc
BHG- Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 16.10 (Âm lịch) đồng bào dân tộc Pà Thẻn, thôn My Bắc, xã Tân Bắc, huyện Quang Bình lại tổ chức Lễ hội Nhảy lửa, đây là lễ hội truyền thống khi mà lúc đó mọi công việc đồng áng đã xong xuôi. Đối với người Pà Thẻn, vị thần tối cao nhất là thần lửa và ngọn lửa mang lại sự may mắn cho họ. Đây không chỉ là ngày vui của người Pà Thẻn, mà còn có ý nghĩa gắn kết cộng đồng và bảo lưu được rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống từ đời này qua đời khác.
Các chàng trai Pà Thẻn với sức mạnh thần kỳ nhảy trên đống lửa đang cháy to. |
Được chứng kiến và tận mắt thấy được những hoạt động của đồng bào dân tộc Pà Thẻn, đặc biệt là Lễ hội Nhảy lửa, để hiểu rõ hơn những giá trị văn hóa này, chúng tôi được các cụ già làng, trưởng bản cho biết: Thôn My Bắc, xã Tân Bắc (Quang Bình) là thôn thuần nhất dân tộc Pà Thẻn sinh sống. Người Pà Thẻn ở nơi đây có 8 họ chính gồm các họ: Sìn, Làn, Ván, Hủng, Tẩn, Lừu, Phù và cuối cùng là họ Tải. Mỗi họ có hai tên gọi, một là theo âm Hán, và một được dùng để giao tiếp xưng hô giữa những người cùng đồng tộc. Người Pà Thẻn nơi đây sống chân thật, mộc mạc, với những nét văn hóa, phong tục, tập quán mang đậm đà bản sắc dân tộc mình. Trang phục truyền thống người Pà Thẻn có những nét rất riêng, xuất phát từ quan niệm màu đỏ là màu lửa, màu của ánh sáng, thần lửa là vị thần thiêng liêng nhất của dân tộc, người phụ nữ Pà Thẻn lấy màu đỏ là màu chủ đạo của người Pà Thẻn được may kiểu không cổ, khi mặc hai thân vắt chéo với nhau, thân sau dài hơn thân trước với màu chủ đạo là màu đỏ nhưng có phối màu trắng bằng cách ghép vải hoặc dệt thành các đường kẻ sọc, hình thức trang trí của áo kết hợp với thêu và ghép vải để phối mầu đã tạo nên một phong cách độc đáo cho trang phục người Pà Thẻn. Việc cưới hỏi của người Pà Thẻn cũng hết sức đặc sắc, đám cưới của dân tộc Pà Thẻn vẫn tổ chức đầy đủ theo nghi lễ truyền thống. Tuy nhiên, hiện nay không còn tục thách cưới bằng bạc trắng. Đặc biệt, mọi người dự đám cưới đều mặc trang phục của dân tộc Pà Thẻn. Người Pà Thẻn có phong tục lạ, thờ bát nước lã quanh năm trên bàn thờ tổ tiên của gia đình. Bát nước này được đậy kín không được để cạn khô. Trong năm chỉ vào cuối tháng 6 tức là giữa năm, gia chủ mới được phép mở ra xem và tiếp thêm nước lã cho đầy bát để đợi đến Tết.
Đời sống tinh thần của người Pà Thẻn là một kho tàng văn hóa phong phú, đa dạng thể hiện qua các làn điệu giao duyên của thanh niên nam, nữ trong giai đoạn tìm hiểu, những điệu múa bát, múa mừng, những bản tình ca đôi lứa sẽ xoa dịu đi nỗi nhọc nhằn sau những ngày làm việc vất vả qua bài hát bất hủ nổi tiếng của người Pà Thẻn.
Thầy cúng làm nghi lễ cho các chàng trai Pà Thẻn nhảy lửa. |
Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn thôn My Bắc, xã Tân Bắc thường diễn ra vào những lúc nông nhàn, khi lúc đó mọi công việc đồng áng đã xong, bắt đầu vào khoảng 16.10 Âm lịch năm trước đến 15.1 Âm lịch năm sau. Trong đời sống tinh thần của người Pà Thẻn luôn có quan niệm xung quanh họ luôn có các vị thần che chở, đùm bọc, giúp đỡ họ vượt qua nguy hiểm, hoạn nạn để tồn tại và mưu sinh. Đối với người Pà Thẻn, vị thần tối cao nhất là thần lửa và ngọn lửa mang lại sự may mắn cho họ, vì vậy khi Lễ hội Nhảy lửa diễn ra thì tất cả mọi người trong làng đều có mặt để hò reo cổ vũ. Lúc này, thầy cúng chuẩn bị đồ lễ và bắt đầu nghi lễ cúng, xin phép Tổ tiên, xin phép thần linh cho dân làng được tổ chức nhảy lửa. Thầy cúng thần Lửa ngồi trên một chiếc ghế dài, cầm que gõ liên tục lên chiếc đàn, một nhạc cụ cúng tế phổ biến của người Pà Thẻn. Tiếng gõ đều đều của thanh tre trong tay thầy cúng mỗi lúc một thôi thúc, các động tác lắc lư của các chàng trai mạnh dần. Một nguồn năng lượng nào đó đưa bước chân của chàng trai lao vào giữa đám than đang cháy rừng rực. Những bóng người nhảy cùng với ánh than hồng bùng lên trong đêm tối mang lại bức tranh lạ lùng và tuyệt đẹp. Những chàng trai người Pà Thẻn như đang trong cơn mê, họ nhảy múa với đôi chân trần của mình trong đống lửa mà không hề có cảm giác bỏng rát hay sợ hãi. Không có bất cứ một vật dụng nào để lót cho đôi chân của những chàng trai ấy. Lễ hội Nhảy lửa không chỉ là dịp để các chàng trai thể hiện sức mạnh và lòng dũng cảm mà còn là một hoạt động văn hóa độc đáo mang bản sắc rất hoang sơ, huyền bí của dân tộc Pà Thẻn. Khi lửa đã tàn, than đã nguội, thầy cúng làm Lễ thu quân về và tiễn thần linh và các hồn ma về chốn cũ. Cả thầy cúng và những người tham gia nhảy lửa lại trở về trạng thái bình thường. Lễ hội kết thúc trong niềm vui hân hoan, mang lại tiếng cười vui hạnh phúc. Đời này qua đời khác, Lễ hội Nhảy lửa đã trở thành tục lệ không thể thiếu trong đời sống tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Pà Thẻn. Có thể nói, tuy còn mang màu sắc tâm linh và huyền bí, nhưng Lễ hội Nhảy lửa truyền thống của dân tộc Pà Thẻn là minh chứng cho sức mạnh, cho quá trình lao động, chế ngự thiên nhiên để sinh tồn và phát triển của con người. Đây không chỉ là ngày vui của người Pà Thẻn, không chỉ có ý nghĩa gắn kết cộng đồng mà còn bảo lưu được rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống từ đời này qua đời khác.
Đến với làng du lịch Cộng đồng người Pà Thẻn, nơi lưu giữ những nét tinh hoa, những giá trị văn hóa phi vật thể mang đậm bản sắc của người Pà Thẻn chịu thương, chịu khó bên công việc đồng áng, bên những khung cửi dệt nên những bộ trang phục lung linh, rực rỡ. Chắc hẳn, du khách gần xa sẽ cảm nhận được những nét văn hóa phong tục, tập quán rất riêng của người dân Pà Thẻn nơi đây. Hy vọng rằng đồng bào dân tộc Pà Thẻn luôn bảo tồn và giữ gìn nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình, góp phần đóng góp chung vào kho tàng truyền thống các dân tộc trong cả nước ngày một phong phú hơn.
HIẾN CHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc