Gian nan "trồng người" nơi vùng khó
BHG - Hàng ngày chăm lo cho các con từ sáng sớm mới thức dậy, giảng dạy những kiến thức mới, điều hay, lẽ phải, rồi lo lắng, thức đêm khi các con đau ốm... là những việc làm của các thầy, cô giáo ở các trường học vùng cao, vùng sâu, vùng xa.
Một giờ học của học sinh lớp 3,Trường Tiểu học Thanh Đức (Vị Xuyên). |
Ngược lại với những giáo viên có hành vi bạo lực mà ở đâu đó xã hội còn đang lên án. Những giáo viên ở vùng cao trên địa bàn tỉnh mặc dù phải công tác trong điều kiện khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần như: Đường sá đi lại khó khăn, thiếu điện, nước, cơ sở vật chất, sống xa gia đình... nhưng với tấm lòng của những người thầy, người mẹ, họ vẫn vượt qua tất cả; dìu dắt từng lớp học sinh nên người. Chúng tôi đến thăm Trường Tiểu học Thanh Đức, xã Thanh Đức (Vị Xuyên), là một trong những ngôi trường đã xóa hết các điểm trường, làm tốt công tác bán trú dân nuôi theo lời giới thiệu của Trưởng phòng Giáo dục huyện. Cô giáo Bùi Thị Hiền, Hiệu trưởng nhà trường vui mừng cho biết: “Trường có gần 100% học sinh ở bán trú, đến đầu năm học 2015 – 2016 này thì nhà trường đã không còn lớp ghép nữa. Nhờ đó, chất lượng dạy và học được nâng lên, việc duy trì sỹ số học sinh đảm bảo, các em nói tiếng phổ thông tốt, hầu hết học sinh từ lớp 2 trở lên đều đọc thông, viết thạo”. Để có được thành quả như hôm nay, phải kể đến sự vất vả của những ngày đầu thực hiện việc dồn học sinh ở điểm trường về trường chính. Từ năm học 2012 – 2013, học sinh ở 4 điểm trường thôn Nậm Lịch, Nậm Tài, Nậm Tẳm, Nậm Lạn, là nơi có địa hình đồi núi phức tạp, cheo leo, số học sinh không đủ nên phải học lớp ghép 2 trình độ dẫn đến tình trạng chất lượng dạy - học chưa tốt. Thương các học trò nhỏ hàng ngày phải đi bộ nhiều cây số đường rừng đến lớp, khi có chủ trương của Phòng Giáo dục, nhà trường làm ngay việc dồn học sinh về trường chính học, kèm theo đó là chăm lo cho học sinh ở bán trú từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.
Để có thể chăm sóc tốt cho 92 học sinh có độ tuổi từ 6 – 10 tuổi trong suốt một thời gian dài là điều vô cùng vất vả với các cô giáo. Cô Nguyễn Hoàng Lan, tâm sự: “Có lẽ khó nhất là chăm sóc và rèn luyện cho các con học lớp 1 ở bán trú làm quen với nếp sống trong trường. Một giáo viên dành thời gian ở trường còn nhiều hơn thời gian các cô dùng để chăm sóc cho con của mình ở nhà. Do trình độ dân trí ở đây còn thấp, phụ huynh chưa quan tâm đến việc học tập của con em mình nên phần lớn trách nhiệm đều thuộc về giáo viên”. Trong câu chuyện với các cô giáo, có những mẩu chuyện vui như việc tè dầm của học sinh bé, các cô giáo phải xin quần áo cũ về để phòng sẵn trong các trường hợp “sự cố” do các cháu đi học mà không có quần áo mang theo. Rồi mùa Đông thiếu chăn chiếu, đồ dùng, các cô lại đi tìm kiếm sự giúp đỡ từ các nhà hảo tâm, các tổ chức, đoàn thể để xin đồ dùng về cho học sinh của mình. Các cô giáo cũng kiêm luôn việc sửa chữa, từ dựng hàng rào để học sinh không chạy xuống suối đùa nghịch, đến huy động láng sân, cải tạo nhà ăn... Cô giáo Bùi Thị Hiền, Hiệu trưởng nhà trường còn khoe với chúng tôi những hình ảnh học sinh tham gia các buổi giao lưu văn nghệ với các trường học, các sự kiện ở xã. Đó là những thành công trong công tác giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Đặc biệt, gần đây nhà trường còn thực hiện việc đưa văn hóa vào trường học, dạy hát Then, hát Cọi...
Nhà ăn do trường Tiểu học Thanh Đức vận động xã hội hóa xây dựng. |
Bí thư Đảng ủy xã Thanh Đức, Nguyễn Văn Lý cho biết: “Thanh Đức là xã biên giới vùng 3 còn nhiều khó khăn, đa số là đồng bào dân tộc Dao, phụ huynh chưa quan tâm đến việc học của con em mình. Trước đây, xã khá vất vả trong việc vận động học sinh đến trường, chất lượng giáo dục chưa cao. Nhưng từ khi dồn học sinh về trường chính thì chất lượng giáo dục được nâng lên nhiều”.
Nhờ sự quan tâm chăm sóc của các cô giáo mà các em biết đọc, viết, biết cách vệ sinh cá nhân, được chăm lo từ bữa ăn đến giấc ngủ. Bằng sự bao dung, lòng tận tâm với nghề đã giúp các thầy, cô giáo vượt qua tất cả khó khăn để kiên trì với nghề. Nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, xin chúc tất cả các thầy cô thành công trong sự nghiệp trồng người ở vùng khó.
Bài, ảnh: Lê Hải
Ý kiến bạn đọc