Khó khăn về cơ sở vật chất ở Trường THPT Việt Lâm

07:06, 27/10/2015

BHG- Cùng với học sinh cả nước, các em học sinh trường THPT Việt Lâm (Vị Xuyên) đang đến trường với niềm tin vào một năm học mới thắng lợi. Điều lo lắng là nhiều em học sinh của trường phải ngồi học trong phòng học đã xuống cấp, trang thiết bị phục vụ dạy và học còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu...

Nằm ngay giữa trung tâm thị trấn Việt Lâm (Vị Xuyên), nhưng ít ai ngờ, Trường THPT Việt Lâm lại còn nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất, chưa đáp ứng được yêu cầu dạy và học của giáo viên và học sinh đến thế. Trường THPT Việt Lâm được đầu tư xây dựng năm 2000, đưa vào sử dụng từ năm 2003, phục vụ nhu cầu học tập của hơn 600 em học sinh trên địa bàn thị trấn Việt Lâm và các xã lân cận như: Việt Lâm, Trung Thành, Quảng Ngần, Thượng Sơn. Hiện nay, nhà trường có 16 phòng học kiên cố, 2 phòng học tạm, tuy nhiên các phòng học đều đã xuống cấp; sân chơi, bãi tập hẹp và chưa đạt yêu cầu. Hệ thống cửa sổ bị hư hỏng khá nhiều, hiện vẫn chưa được khắc phục, nhiều cánh cửa sổ bị bung bản lề và chuẩn bị “rơi rụng”; bàn ghế thì cũ nát. Những mảng tường bị bong tróc và rêu mốc khá nhiều, cửa kính vỡ đặt ngay phía cuối lớp học rất nguy hiểm đối với học sinh. 2 phòng học tạm với bàn ghế sơ sài; những tấm cót trần bị mục nát và thủng lỗ chỗ. Các phòng học chức năng cũng còn nhiều thiếu thốn, từ khi được thành lập, trường được đầu tư 3 phòng tin học với tổng cộng hơn 70 bộ máy vi tính nhưng hiện nay, chỉ còn khoảng 20 bộ dùng được; 7 máy chiếu được đầu tư thì 5 máy đã hư hỏng...

Thầy Trần Quốc Khánh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Lâm cho biết: “Nhà trường đã nhiều lần xin kinh phí cấp trên để tu sửa cơ sở vật chất nhưng vẫn chưa được phê duyệt, chúng tôi đã cố gắng khắc phục bằng nguồn kinh phí từ nguồn xã hội hóa. Năm học 2015 – 2016, nhà trường huy động được hơn 100 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa, đã tiến hành làm mới mái nhà hiệu bộ và nhà lớp học 2 tầng đằng sau  với tổng cộng hơn 500 m2 mái tôn vì trước đây lợp Fibro xi – măng nên thường bị dột vào mùa mưa; tiến hành quét ve mặt tiền nhà lớp học 3 tầng; sửa chữa hơn 30 bộ bàn ghế cho học sinh. Còn những hạng mục lớn thì chưa được sửa chữa do nguồn kinh phí hạn hẹp. Nhiều năm nay, nhà trường chủ yếu dựa vào nguồn xã hội hóa để tu sửa cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị dạy và học”. Trước những khó khăn về cơ sở vật chất, thầy và trò nhà trường vẫn chủ động khắc phục để không ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Năm học vừa qua, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT của nhà trường đạt trên 97%, có 31/47 học sinh đỗ đại học theo nguyện vọng 1; 22 em đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, 1 học sinh đoạt giải cấp Quốc gia...

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hồ, Chủ tịch UBND thị trấn Việt Lâm cho biết: “Đầu năm học mới này, thị trấn được cấp kinh phí 62 triệu đồng cho sự nghiệp giáo dục. Thị trấn đã tiến hành phân bổ cho các trường Mầm non, Tiểu học và THCS. Còn với Trường THPT Việt Lâm hiện nay vẫn chưa có kinh phí. Từ đầu năm học, thị trấn đã tổ chức Hội nghị giáo dục bàn về công tác xã hội hóa để khắc phục những yếu kém về cơ sở vật chất trong các trường học trên địa bàn, nhưng cũng chỉ đáp ứng được phần nào...”. Nhiều năm trở lại đây, cơ sở vật chất trường học luôn được ngành Giáo dục tỉnh ta quan tâm, đầu tư nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đổi mới về công tác giáo dục. Tuy nhiên, do hạn chế về kinh phí nên nhiều trường học đã xuống cấp chưa được sửa chữa kịp thời, thiếu thốn về trang thiết bị dạy và học... Đây sẽ là một trở ngại rất lớn trong việc thực hiện đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện của tỉnh nhà.

NGUYỄN PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Khuyến học, khuyến tài vì tương lai quê hương

BHG- Sinh thời Bác Hồ đã dạy "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu".Thấm nhuần điều đó, những năm qua, thực hiện chính sách ưu tiên đặc biệt của Đảng và Nhà nước với sự nghiệp giáo dục - đào tạo (GD - ĐT) vùng dân tộc thiểu số, miền núi; chính quyền, đoàn thể và nhân dân các dân tộc TRONG tỉnh LUÔN tích cực thi đua làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài (KH - KT), góp phần TO LỚN VÀO sự nghiệp "trồng người" nơi cực Bắc Tổ quốc.

24/10/2015
Khai mạc Trại sáng tác Mỹ thuật và Nhiếp ảnh năm 2015

BHG- Sáng 21.10, Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) các dân tộc thiểu số Việt Nam phối hợp với UBND huyện Mèo Vạc tổ chức khai mạc Trại sáng tác mỹ thuật và nhiếp ảnh năm 2015. Dự buổi khai mạc có Nhà văn Tùng Điển, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam; Nhạc sĩ Nông Quốc Bình, Chủ tịch VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam; lãnh đạo Hội VHNT tỉnh; lãnh đạo huyện Mèo Vạc…

23/10/2015
Nhiều hoạt động sẽ diễn ra trong Lễ hội hoa Tam giác mạch năm 2015

BHG- Nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch cho du khách, trong thời gian diễn ra Lễ hội hoa Tam giác mạch (dự kiến diễn ra từ ngày 12 – 15.11) sẽ có nhiều hoạt động được tổ chức tại các địa điểm trên Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. 

23/10/2015
Lễ hội đua cá xã Mậu Duệ năm 2015

BHG- Ngày 21.10, UBND xã Mậu Duệ, huyện Yên Minh tổ chức Lễ hội đua cá năm 2015. Tới dự có các đồng chí: Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nông Quốc Thành, Cục phó Cục Di sản - Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Hoàng Văn Kiên, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch.

22/10/2015