Hành trình lên Cao nguyên đá ngày càng dễ dàng
BHG - Công viên địa chất Toàn cầu- Cao nguyên đá Đồng Văn (CVĐCTC – CNĐĐV) là điểm đến du lịch hấp dẫn ở miền Bắc bởi sức cuốn hút rất riêng, lạ và độc đáo. Đáp ứng nhu cầu của du khách, những năm qua với sự quan tâm của tỉnh, các cấp, ngành và các huyện vùng CNĐĐV, cơ sở vật chất phục vụ du lịch ngày càng phát triển. Tuy nhiên, để có thể có một hành trình du lịch thuận lợi, khám phá được nhiều vẻ đẹp ở nơi đây, du khách cũng cần trang bị cho mình những thông tin nhất định trước khi đến với vùng đất này.
Nghe nói đến Hà Giang, nhiều du khách ở trong và ngoài nước sẽ liên tưởng đến một vùng đất đầy xa xôi, khó khăn nhưng cũng đầy hấp dẫn. Càng xa xôi hơn khi điểm đến là CNĐĐV, nơi địa đầu Tổ quốc. Tính sơ qua nếu đi từ Thủ đô Hà Nội đến thị trấn Đồng Văn, du khách phải trải qua 450 km đường ô-tô. Đáp ứng nhu cầu phát triển, những năm qua, các đơn vị vận tải đã đầu tư khá mạnh cho dịch vụ vận tải hành khách khi mua sắm các xe khách giường nằm khá sang trọng. Một ngày từ Hà Nội – Hà Giang và ngược lại có đến vài chuyến xe khách giường nằm chạy cả ngày và đêm. Chỉ cần lên một chuyến xe giường nằm từ Hà Nội, ngủ một giấc, sáng ra là đã đến Hà Giang và ngược lại. Chi phí cho một lượt đi khoảng 200.000đ/người. Sau khi đến thành phố Hà Giang, du khách có thể dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ đi lại như taxi hoặc motor for rent (xe máy cho thuê) để di chuyển lên Cao nguyên đá.
Những cung đường trên CNĐĐV cũng là một “đặc sản” trong hành trình du lịch ở vùng đất này. (Trong ảnh, đường đi 3 xã biên giới của huyện Mèo Vạc). |
Vào mùa du lịch, thường vào mùa xuân hoặc mùa thu, là thời điểm đẹp nhất của CNĐĐV nên thu hút nhiều du khách nhất. Đây cũng là thời điểm mà nhiều lúc hệ thống nhà nghỉ, khách sạn nơi đây “cháy phòng”, đặc biệt là vào mùa hoa Tam giác mạch như những năm qua. Chính vì thế, để tránh việc không có chỗ nghỉ, ngoài việc liên hệ, đặt phòng trước, du khách cần tính đến các phương án mà vẫn chưa nhiều người nghĩ đến, đó là việc nghỉ chân tại các cơ sở lưu trú như: Home stay ở Nậm Đăm (Quản Bạ), Làng văn hóa du lịch cộng đồng ở Sủng Là (Đồng Văn); nhà nghỉ ở khu vực Cột cờ Lũng Cú hay tại khu vực Dinh thự Sà Phìn (Đồng Văn)... Việc nghỉ chân tại các điểm du lịch cộng đồng theo kinh nghiệm của những người chuyên đi “phượt” sẽ cho du khách một cảm giác khác lạ và trải nghiệm hơn rất nhiều so với việc nghỉ chân tại trung tâm các huyện với phố xá có màu sắc hơi hướng của... Hà Nội.
Đặt chân đến CNĐĐV, để có thể có một hành trình như ý, đảm bảo thời gian cho việc khám phá, du khách cần phải có một số thông tin nhất định về đường xá, thời tiết, địa điểm du lịch. Nếu có thông tin đầy đủ, du khách không chỉ tiếp cận được với các điểm đến du lịch cơ bản của CNĐĐV như: Cổng trời Quản Bạ, Nhà Vương, Cột cờ Lũng Cú, Mã Pì Lèng... Mà trong hành trình du lịch của mình, nghiễm nhiên du khách sẽ có cơ hội được thâm nhập vào một trong những chợ phiên đậm sắc màu của CNĐĐV như chợ Sà Phìn, Lũng Phìn, chợ thị trấn Đồng Văn, thị trấn Mèo Vạc, chợ Cán Tỷ...
Để có thể tiếp cận được thông tin về hành trình du lịch ở CNĐĐV, ngoài việc tra cứu các thông tin rất nhiều trên mạng internet, du khách có thể trực tiếp đến các trung tâm thông tin thuộc Ban Quản lý CVĐCTC – CNĐĐV ở tại 4 huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh và Quản Bạ. Đây không chỉ là các điểm dừng chân nghỉ ngơi trong hành trình mà thông tin do các cán bộ, nhân viên nơi đây cung cấp có thể giúp bạn có một cái nhìn nhận khá đầy đủ, khoa học về CNĐĐV. Những sản phẩm đặc sản trưng bày hoặc có bán tại các Trung tâm Thông tin cũng là những sản phẩm không sợ bị... làm giả.
Đến CNĐĐV, thời tiết nơi đây cũng là một “đặc sản” khi nhiệt độ luôn thấp hơn so với ở thành phố Hà Giang, có thời điểm thấp hơn đến vài độ, đặc biệt là buổi đêm và sáng sớm. Ở CNĐĐV có những điểm được coi là “tiểu Đà Lạt” như ở vùng Quyết Tiến (Quản Bạ); Phó Bảng, Lũng Phìn (Đồng Văn) hay vùng Xín Cái, Thượng Phùng (Mèo Vạc)... Ở những điểm trên, đôi khi vào mùa Hè, khí hậu còn se lạnh, ngủ phải đắp chăn mỏng. Chính vì vậy, đi du lịch mùa Thu ở đây, tốt nhất nên chuẩn bị cho mình một tấm áo khoắc mỏng.
Có một điều mà nhiều người hay hỏi tôi, đến CNĐĐV thì đi bằng ô tô hay xe máy tốt hơn!?. Qua nhiều lần “phượt” hoặc đi ô - tô đến vùng đất luôn mới lạ này, chúng tôi đúc rút ra một điều, đi bằng ô tô hoặc xe máy đều có cái hay. Nếu đi bằng ô-tô thì đương nhiên là sướng hơn rồi. Nhưng hãy cẩn thận với các tay lái lạ và non. Các cung đường của CNĐĐV cũng là các cung đường thuộc diện khó lái, đôi khi tôi vẫn đùa với bè bạn các tỉnh, nếu đi được đường CNĐĐV thì cơ bản đi được đường trên toàn thế giới. Đường khó, lạ, nhưng chính sự nhọc nhằn của những cung đường vắt qua núi như ở CNĐĐV lại trở thành một “đặc sản” của vùng đất này đấy. Còn đi bằng xe máy, theo như chúng tôi mới là đi du lịch ở CNĐĐV. Thường những năm qua, chúng ta hay bắt gặp nhiều du khách lựa chọn cách tiếp cận CNĐĐV bằng xe máy mà ta vẫn thường gọi là “phượt”. Xe máy có thể giúp ta đi đến gần như tận cùng ngõ ngách CNĐĐV và cho ta cái cảm giác gần gũi hơn nhiều với Miền đá. Nếu đi xe máy được từ thành phố Hà Giang lên CNĐĐV, bạn có thể đủ dẻo tay để leo vào các thôn, bản ở những nơi mà chúng ta thường tò mò nhất. Xe máy sẽ giúp chúng ta giải đáp tương đối cơ bản những điều chúng ta tò mò ở phía sau các bờ rào đá trên CNĐĐV.
Bài, ảnh: Huy Toán
Ý kiến bạn đọc