Giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
BHG- Trong năm qua, ngành Du lịch của tỉnh đã đón một lượng khách tương đối lớn: 650.000 lượt người, tăng 25% so với năm 2013; doanh thu ước đạt 600 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2015, lượng khách ước đạt 375.896 lượt người, trong đó khách quốc tế là 95.470 lượt người, doanh thu từ du lịch ước đạt 362,5 triệu đồng.
Hội thi gói bánh tại Ngày hội văn hóa dân tộc Pà Thẻn ở Quang Bình. |
Số người lao động tham gia ngành Du lịch đến nay là 1.227 người; trong đó, lao động trực tiếp là 1.047 người, lao động gián tiếp là 180 người. Du lịch ngày càng khẳng định vị trí, vai trò trong nền kinh tế, song kết quả đạt được còn thấp, chưa xứng với tiềm năng; loại hình và sản phẩm du lịch chưa phong phú, chất lượng không đồng đều; lực lượng làm việc trong ngành du lịch thiếu về số lượng, tính chuyên nghiệp, chưa qua đào tạo, trình độ ngoại ngữ hạn chế dẫn đến khả năng cạnh tranh thấp là những hạn chế hiện nay. Nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch theo Nghị quyết 92 và Chỉ thị số 14 của Thủ tướng Chính phủ về đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn góp phần xóa đói, giảm nghèo giai đoạn 2015 – 2020, định hướng đến 2030. Quan điểm là phát triển với tốc độ nhanh, tập trung có chiều sâu, trong mối liên hệ vùng, cả nước và quốc tế, Sở VH,TT&DL tỉnh đề ra giải pháp cần sự đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng du lịch như: Tập trung đầu tư các khu, điểm du lịch quốc gia, điểm du lịch địa phương quan trọng mang ý nghĩa vùng; ưu tiên CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn; thực hiện xã hội hóa để huy động tối đa các nguồn vốn từ các thành phần kinh tế; phát triển nguồn nhân lực phù hợp với lợi ích cộng đồng và nhu cầu của ngành. Đồng thời, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với đặc trưng tự nhiên và văn hóa các dân tộc; khai thác dựa trên quy hoạch các khu vực chuyên canh về cây, hoa như: hoa Hồng, Đào, Bạc hà, Tam giác mạch... Quan tâm đầu tư cho phát triển du lịch cộng đồng. Tăng cường xúc tiến quảng bá, mở rộng hợp tác quốc tế, liên kết với các địa phương trong vùng và cả nước. Gắn kết hoạt động bảo tồn, phát triển du lịch với đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ tài nguyên môi trường. Trong đó, cần có sự phối hợp của các ngành chức năng, chính quyền địa phương, đơn vị kinh doanh du lịch và người dân nâng cao nhận thức về phát triển du lịch. Vận động nhân dân tự giác tham gia giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, thực hiện nếp sống văn minh, lịch sự, tôn trọng pháp luật. Xây dựng phong trào ứng xử văn minh, có thái độ cởi mở, chân thành đối với khách du lịch. UBND các cấp có trách nhiệm đảm bảo môi trường thuận lợi, chủ động bố trí ngân sách, quỹ đất và triển khai các giải pháp phát triển du lịch, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Các địa phương cũng cần tăng cường quản lý chất lượng hoạt động du lịch tại các điểm đến, đảm bảo vệ sinh môi trường, chất lượng phục vụ trên cơ sở đánh giá, công nhận dịch vụ đạt tiêu chuẩn phục vụ khách. Tăng cường quản lý về giá cả, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Khẩn trương hình thành và nâng cao chất lượng các Trung tâm hỗ trợ khách hàng.
Đề cập đến vấn đề này, đồng chí Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL kiến nghị bổ sung đưa Cao nguyên đá Đồng Văn vào danh mục các công trình, dự án trọng điểm để đầu tư xây dựng và phát triển. Ưu tiên vốn ngân sách hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng khu du lịch quốc gia và địa phương quan trọng; nâng cấp hệ thống giao thông đến các khu, điểm du lịch. Cần đầu tư bảo vệ, nâng cấp các di tích; khôi phục, phục dựng các lễ hội truyền thống, làn điệu dân ca, dân vũ, làng nghề. Hỗ trợ đào tạo nhân lực, quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch. Khuyến kích doanh nghiệp xây dựng các chương trình du lịch đến Hà Giang.
Lê Hải
Ý kiến bạn đọc