Chập chững vào nghề
BHG- Tôi vừa ra trường, mới vào làm việc ở Báo Hà Giang được vài tháng. Những gì tôi cảm nhận được sau khi rời giảng đường đại học và ra thực tiễn đi làm, không như tôi nghĩ. Kiến thức sách vở trên ghế nhà trường chỉ mang tính lý thuyết, còn khi đi tác nghiệp, đó lại là chuyện khác. Với một tỉnh miền núi cực Bắc Tổ quốc như Hà Giang, để viết bài tuyên truyền cho Báo Đảng bộ tỉnh, lại càng khó. Một người chập chững mới bước vào nghề như tôi, quá trình tác nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, khó khăn ấy càng nhân lên gấp bội khi tôi là nữ giới. Không ít lần, tôi chụp hình bị rung, thao tác thiếu chuyên nghiệp, phối cảnh không hợp lý, hình xấu, về không dùng được, có tác phẩm tôi viết chưa đạt yêu cầu và không được đăng. Mỗi lần gửi xong một tác phẩm cho lãnh đạo phòng, trái tim tôi loạn nhịp, lo sợ điều gì đó chưa ổn. Nhưng sau tất cả, tôi hiểu rằng, làm nghề báo phải thật sự yêu nghề, đam mê và cố gắng. Đó là công việc phải chấp nhận sự hy sinh, vất vả và nguy hiểm, nhưng cũng tràn đầy hạnh phúc. Tuy nhiên, niềm an ủi lớn nhất đối với tôi là những tác phẩm đã được đăng, có sự phản hồi của độc giả. Đó là niềm khuyến khích, động viên tôi cố gắng phấn đấu hơn nữa để trau dồi kinh nghiệm trong nghề làm báo. Mỗi chuyến đi tác nghiệp, lại có thêm một bài học mới, một niềm vui nho nhỏ giúp tôi vững tin hơn khi chập chững bước chân vào nghề làm báo.
Với tôi, phương pháp cơ bản của nhà báo là phải quan sát, nghiên cứu tài liệu và phỏng vấn... Tôi nhớ lời thầy dạy: “Trong nghề báo, một người quan sát giỏi chưa chắc đã là người làm báo giỏi, nhưng một người làm báo giỏi dứt khoát phải là một người quan sát giỏi”. Điều đó cho thấy người làm báo phải liên tục quan sát về toàn bộ những điều xảy ra trong cuộc sống xung quanh, nghĩa là “mắt phải nhìn, tai phải nghe, đầu óc phải suy nghĩ”. Luôn luôn quan sát kết hợp với suy nghĩ để phân tích, đánh giá về những biểu hiện dù nhỏ nhất, để qua đó rút ra những kết luận cần thiết. Làm báo, phải tôn trọng sự thật và chịu trách nhiệm về tính xác thực của thông tin đã viết. Sáng tạo tác phẩm, cũng là một yếu tố quan trọng của mỗi người làm báo. Tác phẩm văn học, báo chí giống như con đường mòn có bao người qua lại. Mỗi nhà văn, mỗi ngòi bút cũng như những người qua đường ấy, cùng in dấu chân lên con đường chung. Những dấu chân chồng xéo lên nhau và không bao giờ trùng khít lên nhau cả. Bởi vậy, mỗi nhà văn, nhà báo lại có một phong cách riêng không ai giống nhau. Vì bản chất của báo chí là sự sáng tạo. Những sáng tạo ấy, xét một cách tổng thể sẽ tạo nên những gương mặt riêng. Ngay với những người cầm bút một thời, cái giọng điệu riêng cần phải có ấy đã khẳng định sự hiện diện của mỗi tác giả. Nếu một tờ báo, thiếu những cá tính riêng, được dập khuôn máy móc theo sự kiện hàng tháng, hàng năm thì sẽ gây cảm giác nhàm chán, “mất hình ảnh” trong mắt bạn đọc.
Con người luôn khát khao thành công trong bước đường sự nghiệp, nhưng mù quáng theo đuổi thành công thì thật là vô nghĩa. Còn đối với tôi, sau quá trình vài tháng thử việc, chắc chắn những người chập chững mới vào nghề như chúng tôi, không thể ngay lập tức trở thành những phóng viên, biên tập viên chuyên nghiệp được. Nhưng cái mà chúng tôi có được là một tâm thế vững chắc trước tương lai, trước lựa chọn của bản thân mình. Cũng có thể, sau quá trình thử thách nghề nghiệp, tôi cũng không được lựa chọn, nhưng với tôi, đó là một thành công.
MỸ HẰNG
Ý kiến bạn đọc