Đậm đà bản sắc chợ "Phong lưu" Sơn Vĩ
BHG- Mèo Vạc lâu nay nổi tiếng với “Chợ tình Khau Vai”- phiên chợ của những mối tình trắc trở tìm về bên nhau vào duy nhất một ngày 27.3 âm lịch. Thế nhưng, ít ai biết đến mảnh đất biên cương xa xôi còn có một phiên chợ “độc nhất vô nhị”, mang đậm nét văn hóa truyền thống của người dân trên miền Cao nguyên đá. Nơi đây, vẫn còn nét nguyên sơ của một phiên chợ đậm chất “tình” - chợ “Phong lưu” Sơn Vĩ.
Những “cặp đôi” vui mừng gặp lại nhau tại phiên chợ “Phong lưu”. |
Đường vào Sơn Vĩ mùa này không còn vất vả như trước. Từ thị trấn Mèo Vạc, trên con đường độc đạo dài hơn 40km như một sợi dây uốn mình bên lưng núi, du khách có thể thưởng ngoạn nhiều cảnh đẹp khi những dãy núi đá giăng lũy, giăng thành được phủ màn sương mỏng, mây trắng luồn qua khe núi. Mùa này, màu xám của đá núi được thay bằng màu xanh của nương ngô ngút tầm mắt, hòa quyện cùng mây trời như vẽ lên bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ. Đến với Sơn Vĩ – vùng đất từ buổi sơ khai đến nay mang một nền văn hóa, lịch sử lâu đời, đậm bản sắc độc đáo, du khách có thể cảm nhận rõ nét về đất và người nơi biên cương. Dù sinh ra trên đá, cả cuộc đời gắn với đá nhưng với sức người, lòng kiên cường, đức cần cù chăm chỉ và lòng tự hào dân tộc, bà con nhân dân các dân tộc nơi đây đã khiến đá núi phải khuất phục. Giờ đây, cuộc sống đã có nhiều thay đổi, ấm no về trên các xóm làng. Đặc biệt, những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp và phiên chợ “phong lưu” vẫn còn vẹn nguyên. Chắc hẳn nhiều người biết đến “Chợ tình Khau Vai” nổi tiếng về huyền thoại tình yêu. Chợ “Phong lưu” Sơn Vĩ cũng mang nhiều nét tương đồng. Chợ “Phong lưu” được tổ chức sau “Chợ tình Khau Vai” đúng một ngày (28.3 âm lịch). Theo lý giải của người dân, khi nhà nhà đã trồng xong ngô, lúa cũng là lúc họ đi chơi chợ.
Chợ “Phong lưu” họp tại trung tâm xã Sơn Vĩ với các gian hàng bày bán trang phục dân tộc cùng một số sản phẩm địa phương. Bên những ngôi nhà đã ngả màu rêu phong, chắc hẳn ai cũng có cảm giác khác lạ khi ngồi bên nồi thắng cố nhấm nháp chút rượu ngô men lá, món ăn truyền thống của người dân nơi đây. Năm nay, địa phương lần đầu tiên quảng bá, giới thiệu đến du khách thập phương phiên chợ độc đáo này. Có lẽ sự cuốn hút và hấp dẫn của phiên chợ đến từ sự khác lạ, không giống với bất cứ phiên chợ thường nhật khác. Ở đây, du khách có dịp chứng kiến những nét văn hóa độc đáo của người Mông, Xuồng, Nùng, Tày, Giấy. Đặc biệt, có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, tiếp xúc với người dân Trung Quốc đến tham gia phiên chợ. Nếu “Chợ tình Khau Vai” hình thành từ câu chuyện tình huyền thoại, đầy nhân văn lay động lòng người thì chợ “Phong lưu” Sơn Vĩ cũng vậy. Phải chăng do địa hình ngăn sông cách núi nên các dân tộc Xuồng, Nùng, Tày, Giấy cùng sống trên một dải đất cũng có một phiên chợ như vậy?! Bởi phiên chợ này được tổ chức để người dân mua bán, trao đổi hàng hóa và để cho những người đã có vợ hoặc có chồng đi chợ tìm gặp lại người yêu cũ, người bạn mình thích, mình yêu ngày trước mà không lấy được nhau. Chỉ trong một ngày, họ dẫn nhau đi chơi chợ, mời nhau ăn uống, kể cho nhau nghe về cuộc sống gia đình. Đến khi tan chợ, họ lại chia tay nhau để về với gia đình và cầu mong cho người mình yêu hạnh phúc. Đối với các chàng trai, cô gái còn trẻ, chưa lập gia đình, phiên chợ trở thành nơi hò hẹn, tìm hiểu nhau. Có những đôi đã nên vợ nên chồng từ phiên chợ “Phong lưu” Sơn Vĩ.
Chiều về, mảnh đất biên cương Sơn Vĩ khiến lòng người thêm da diết. Khi bóng người dần thưa thớt, những người nông dân lại rảo bước vượt núi về nhà và đâu đó những cặp đôi tay nắm tay như không muốn chia xa. Bởi có thể phải một năm hoặc lâu hơn nữa mới được tái ngộ. Sơn Vĩ – xin hẹn ngày gặp lại!...
Bài, ảnh: KIM TIẾN
Ý kiến bạn đọc