Phát triển dịch vụ du lịch theo hướng đồng bộ, đậm nét văn hóa đặc trưng

07:11, 21/04/2015

BHG- Phát triển dịch vụ - du lịch là một hướng mũi nhọn của tỉnh trong phát triển kinh tế, xây dựng Hà Giang trở thành điểm du lịch tầm cỡ trong và ngoài nước là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh ta, nhất là khi tỉnh ta sở hữu một trong hai Công viên địa chất Toàn cầu của khu vực Đông Nam Á. Việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, những di tích địa mạo, địa chất để phát triển ngành Du lịch đang cần sự quan tâm sát sao của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp.

Phong cảnh hùng vĩ nhìn từ đỉnh Cột cờ Quốc gia Lũng Cú (Đồng Văn) luôn thu hút khách du lịch.
Phong cảnh hùng vĩ nhìn từ đỉnh Cột cờ Quốc gia Lũng Cú (Đồng Văn) luôn thu hút khách du lịch.

Năm 2014, được đánh giá là năm ngành Du lịch tỉnh nhà gặt hái được “mùa vàng” khi lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến với tỉnh tăng mạnh, đạt 650.000 lượt người, tăng 25% so với năm 2013; trong đó du khách nước ngoài đạt 120.000 lượt người, khách nội địa đạt 530.000 lượt người. Doanh thu từ du lịch và các dịch vụ đạt gần 600 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2013. Điểm mạnh của du lịch tỉnh ta đó là hệ thống cảnh quan thiên nhiên chưa bị đô thị hóa, vẫn giữ được nét hoang sơ với nhiều điểm du lịch thu hút khách đến tham quan như Cột cờ Quốc gia Lũng Cú, Khu phố cổ Đồng Văn, Dinh thự Nhà Vương, đỉnh Mã Pì Lèng hay Cổng trời Quản Bạ, Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì; Đèo gió, thác Tiên, Bãi đá cổ Nấm Dẩn (Xín Mần); và các điểm du lịch tâm linh, như Đền Mẫu, Linh từ Hai Cô, Đền Thác Con, Chùa Sùng Khánh, Chùa Bình Lâm, Nậm Dầu; các Làng Văn hóa du lịch cộng đồng người Dao, Tày, Mông, Lô Lô...

Việc đầu tư, phát triển ngành dịch vụ, du lịch tỉnh ta cần gắn liền với sự hợp tác bài bản với các tổ chức, tập đoàn du lịch trong và ngoài nước, liên kết giữa các tỉnh trong khu vực vùng Đông – Tây Bắc bằng các sản phẩm dịch vụ, du lịch đặc trưng, truyền thống, điều này cũng đã được các chuyên gia của Tổng cục Du lịch Việt Nam, đại diện các doanh nghiệp, công ty lữ hành hoạt động trong lĩnh vực du lịch bàn thảo tại Hội thảo phát triển KT-XH tỉnh Hà Giang trong mối liên kết vùng Đông – Tây Bắc được tỉnh tổ chức trong tháng 3 vừa qua. Qua chương trình hội thảo hợp tác phát triển, nhiều tổ chức, tập đoàn, các công ty lữ hành đã tìm đến và có chương trình đầu tư hợp tác lâu dài trong phát triển tiềm năng của tỉnh. Bên cạnh đó, việc phát huy những bản sắc văn hóa dân tộc là một trong những lợi thế để ngành Du lịch khai thác, các lễ hội truyền thống, những trang phục sặc sỡ, cầu kỳ của đồng bào các dân tộc luôn tạo nên sự mới lạ, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Đồng chí Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động – TBXH lần đầu tiên khi lên thăm và làm việc tại tỉnh ta, chứng kiến vẻ đẹp hùng vĩ của Cao nguyên đá Đồng Văn đã thốt lên tự hào “Đất nước chúng ta thật đẹp, thật hùng vĩ, Cao nguyên đá Đồng Văn là một di sản thiên nhiên có một không hai trên thế giới. Chúng ta phải có chính sách bảo tồn, gìn giữ bản sắc nguyên sơ của nó...”. Quả thật, ai đã một lần đặt chân lên mảnh đất địa đầu của Tổ quốc, không thể không choáng ngợp trước vẻ đẹp sừng sững, đồ sộ của Cao nguyên đá Đồng Văn, những con đường ẩn hiện trong sương mù dầy đặc nối liền với các triền núi cao ngoằn nghèo, vực sâu thăm thẳm, cùng những phiên chợ huyên náo, rộn rã, những hội chợ sản vật địa phương ngày càng được mở rộng là cơ hội để Hà Giang quảng bá các sản phẩm du lịch như chè Shan tuyết, mật ong Bạc Hà, rượu ngô men lá và các trang phục lễ hội dân tộc Lô Lô, Mông, Pà Thẻn... Cùng đó là những hang động kỳ bí, những thắng cảnh mang sắc thái nguyên sơ tạo thành một bức tranh tổng thể để du lịch Hà Giang trở thành điểm đến đầy hứa hẹn nơi cực Bắc Tổ quốc. Tuy nhiên, chúng ta không thể phủ nhận một thực tế đó là, việc đầu tư cho ngành du lịch, dịch vụ ở tỉnh ta còn rất hạn chế, các công ty, doanh nghiệp du lịch đóng chân trên địa bàn còn quá ít dẫn đến khó hình thành các tua du lịch; tại các điểm du lịch số lượng hướng dẫn viên du lịch ít, hệ thống nhà nghỉ lưu trú chưa đảm bảo... Từ thực tế trên, một vấn đề đặt ra cho tỉnh, để phát triển du lịch chúng ta cần phát huy và tôn tạo những giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc, xây dựng các Làng Văn hóa du lịch cộng đồng, mở rộng các tuyến tua, điểm du lịch trọng điểm; thực thi nhiều cơ chế, chính sách mở để thu hút và khuyến khích các công ty du lịch trong và ngoài nước đến đầu tư. Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh cần phát huy tốt vai trò trở thành cầu nối du lịch giữa các tỉnh Đông – Tây Bắc, nối với các tua tuyến nội địa và xuyên Việt; quảng bá mạnh mẽ tiềm năng du lịch của tỉnh thông qua các phương tiện thông tin đại chúng thu hút khách du lịch, tạo điền đề cho việc hình thành các tua, tuyến du lịch cộng đồng mang nét đặc trưng riêng của Hà Giang.

Những kết quả, thành công của ngành Du lịch tỉnh ta trong năm qua sẽ là đòn bẩy, cơ sở thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp “không khói” trong giai đoạn mới, qua đó góp phần đưa Hà Giang ngày càng hội nhập và phát triển.

Hoàng Ngọc


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Triển khai Đề án giáo dục kỹ năng sống cho học sinh phổ thông

BHG- Ngày 30.3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý chủ trì buổi làm việc với một số sở, ngành, các huyện, thành phố và trường học trên địa bàn về triển khai thực hiện đề án "Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2020". Dự buổi làm việc có đồng chí Triệu Tài Vinh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ngành và các huyện, thành phố.

31/03/2015
Thu hút du khách từ các lễ hội

BHG- Toàn tỉnh hiện có khoảng 26 lễ hội được tổ chức mỗi năm, chủ yếu là các lễ hội dân gian truyền thống, phản ánh sự đa dạng trong đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Hiện nay, khi du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, các lễ hội này mang thêm "sứ mệnh": Thu hút khách du lịch.

31/03/2015
Nghiệm thu Đề tài khoa học "Đánh giá thực trạng – đề xuất giải pháp phát triển du lịch bền vững ở Hà Giang"

BHG- Ngày 17.4, Hội đồng Khoa học tỉnh tổ chức nghiệm thu Đề tài khoa học cấp tỉnh "Đánh giá thực trạng – đề xuất giải pháp phát triển du lịch bền vững ở Hà Giang" của nhóm tác giả Viện Khoa học phát triển nhân lực kinh tế và văn hóa (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) do Thạc sĩ Nguyễn Văn Tông làm Chủ nhiệm đề tài.

21/04/2015
Xín Mần chuẩn bị tốt cho kỳ thi kết thúc năm học

BHG- Năm học 2014 – 2015, toàn ngành Giáo dục huyện Xín Mần có 59 đơn vị trường học. Trong đó, ngành học Mầm non 20 trường; Tiểu học 11; Phổ thông cơ sở 1; Trung học cơ sở 9; PTDT bán trú 16 và PTDT Nội trú 2. Thời gian này, tất cả các trường học, ngành học trong huyện đang tập trung bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho học sinh để chuẩn bị thi và đánh giá kết quả việc: Dạy và học của cả thầy và trò trong một năm học.

21/04/2015