Bắc Quang tiến tới xây dựng xã hội học tập trên địa bàn toàn huyện
BHG- Từ sự phát triển của những hạt nhân học tập (HT) ban đầu như: Gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư; trong tương lai gần, phấn đấu đưa huyện Bắc Quang trở thành xã hội học tập (XHHT). Điều này được ví như cuộc “cách mạng” về giáo dục để từng bước xây dựng huyện Bắc Quang phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Đổi mới phương pháp giảng dạy trong nhà trường, góp phần giáo dục học sinh tinh thần tự học, tự nghiên cứu để HTSĐ một cách hiệu quả Trong ảnh: Học nhóm theo Mô hình Trường học mới tại Việt Nam (Dự án GPE-VNEN) của lớp 5C, Trường Tiểu học Nguyễn Huệ, thị trấn Việt Quang. |
Từ thực tiễn...
Nhiều năm trở lại đây, chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện Bắc Quang không ngừng được nâng cao. Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT được các cấp, ngành của huyện đặc biệt quan tâm. Cùng với đội ngũ cán bộ, giáo viên đều đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ đào tạo; 92 trường học từ bậc học Mầm non đến Trung cấp nghề (thường xuyên được tăng cường về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học), cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học trên địa bàn huyện. Không những vậy, 23 Trung tâm Học tập cộng đồng (HTCĐ) được thành lập tại các xã, thị trấn (với 23 giáo viên biệt phái bán chuyên trách) đã tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân có cơ hội học tập suốt đời (HTSĐ), thông qua các lớp tập huấn kỹ thuật về: Khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, y tế, dân số, kế hoạch hóa gia đình hay dạy nghề, bổ túc văn hóa,... Song hành với Trung tâm HTCĐ, 23 Hội Khuyến học/23 xã, thị trấn của huyện đã góp phần xây dựng được 3.026 gia đình, 52 dòng họ HT cùng 259 cộng đồng khuyến học xuất sắc, trở thành những hạt nhân tiêu biểu của mục tiêu xây dựng huyện Bắc Quang trở thành XHHT...
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau như: Nhận thức về công tác xây dựng XHHT của một bộ phận cán bộ và nhân dân chưa đúng với yêu cầu và thực tiễn đặt ra nên tỷ lệ gia đình, dòng họ HT; cộng đồng khuyến học chưa cao. Mặt khác, một số Ban chỉ đạo Xây dựng XHHT cấp xã hoạt động chưa thường xuyên, còn phó mặc trách nhiệm của mình cho nhà trường hoặc cán bộ bán chuyên trách tại các Trung tâm HTCĐ. Và phần lớn chưa phát huy được năng lực, khả năng hoạt động của giáo viên biệt phái bán chuyên trách, bỏ ngỏ Quy chế phối hợp hoạt động giữa Trung tâm HTCĐ với các cơ quan, đơn vị nên hiệu quả hoạt động tại Trung tâm HTCĐ chưa cao. Bên cạnh đó, tại nhiều xã vùng sâu, vùng xa, việc huy động trẻ em bỏ học, thất học và người mù chữ đến trường chưa được cấp xã giải quyết vấn đề một cách hiệu quả. Đặc biệt, những người mới biết chữ chưa được huy động đi học các lớp giáo dục sau khi biết chữ, dẫn đến hệ lụy tái mù chữ. Và nhiều học sinh còn bỏ học, chỉ vì hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn...
Những nguyên nhân trên trở thành vật cản làm chậm bước tiến xây dựng XHHT ở Bắc Quang.
... đến bước đi chiến lược
Thực tế đã chứng minh giá trị to lớn của việc HT: Học để biết, để làm việc, chung sống và học để tự khẳng định mình. Nếu như, cả xã hội cùng HT, nghĩa là trong đó, mọi người dân đều có nhu cầu và nghĩa vụ HT, được tạo cơ hội và điều kiện HT một cách thường xuyên, HTSĐ sẽ mang đến nhiều thay đổi tích cực để làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Chung mục đích ấy: “Huyện Bắc Quang đã tập trung sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để đẩy mạnh phong trào HTSĐ trong gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư, tiến tới xây dựng XHHT trên địa bàn toàn huyện, theo lộ trình từ nay đến năm 2020”, Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang, Hoàng Quang Phùng cho biết.
Theo đó, trong năm 2015, huyện Bắc Quang tập trung vào các mục tiêu: Xoá mù chữ, phổ cập giáo dục ở các bậc học. Trong đó, 100% các xã, thị trấn đạt chuẩn chống mù chữ. Phấn đấu đưa tỷ lệ số người trong độ tuổi từ 15-60, 15-35 và độ tuổi từ 15-25 biết chữ đạt từ 96,8% - 99,9% và 90% người mới biết chữ tiếp tục HT để không tái mù chữ. Mặt khác, 80% cán bộ, CCVC trên địa bàn huyện được tham gia các chương trình HT nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin, để đáp ứng yêu cầu công việc trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Còn 45% lao động nông thôn được tham gia HT kiến thức, kỹ năng, chuyển giao KHKT trong lao động sản xuất, tại các Trung tâm HTCĐ, Giáo dục thường xuyên và Trường Trung cấp nghề. Bên cạnh đó, toàn huyện phấn đấu có từ 30% đến trên 80% số gia đình, dòng học, đơn vị được công nhận danh hiệu HT...
Và mục tiêu đến năm 2020, những con số trên sẽ đạt tỷ lệ cao hơn để từng bước đưa Bắc Quang trở thành XHHT. Điều đó được thể hiện bằng những việc làm cụ thể của cả hệ thống chính trị, thông qua công tác tuyên truyền (trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhà văn hoá, câu lạc bộ)... về mục đích, ý nghĩa, vai trò, lợi ích của HTSĐ hoặc thực hiện các biện pháp: Phát huy hiệu quả của cơ sở giáo dục, đáp ứng yêu cầu HTSĐ của người dân hoặc hỗ trợ người học thông qua chính sách ưu đãi của Nhà nước, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả HTSĐ. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến công tác nâng cao chất lượng hoạt động của các Trung tâm HTCĐ, để đáp ứng yêu cầu HT đa dạng của nhân dân...
Với những mục tiêu, giải pháp cụ thể để xây dựng XHHT không chỉ từng bước đưa huyện Bắc Quang phát triển toàn diện mà qua đó, còn đặt thêm những “viên gạch” nền cho sự thành công của Kế hoạch số 199/KH-UBND ngày 25.11.2013 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng XHHT, giai đoạn 2013-2020” trên địa bàn tỉnh.
THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc