Sáng mãi đường Hạnh phúc: Kỳ II - Tình yêu trên công trường đá

18:06, 17/03/2015

BHG - Trong số những công trường từ năm 1959 đến giờ, có lẽ công trường mở đường Hạnh phúc (ĐHP) là một trong những nơi gian khổ nhất, thử thách nhất của cả nước. Ở một nơi như Cao nguyên đá, thanh niên xung phong (TNXP), dân công phải lao động trong điều kiện mà nhiều người ví như “đánh nhau” với đá. Ở một nơi mà kể lại ít ai tin, bắt đầu mỗi ngày làm việc là phải đối mặt với nguy cơ xảy chân miệng vực, đá lăn và cái chết. Nhưng trên công trường đá, tình yêu vẫn kết hoa, nảy nở, góp phần tạo nên sức mạnh trên tuyến đường mà nhiều người gọi là con đường “máu và hoa” này.

[links()]

Làm sao mà không lãng mạn, không yêu được khi nhiều cựu TNXP sau hơn 50 năm vẫn còn hừng hực kể lại với chúng tôi bằng câu thơ về một nữ TNXP xinh đẹp: Viên Chí Anh mới mười bảy tuổi/ đẹp như tiên – cây văn nghệ xung phong/ lên công trường lao động hết lòng/ ngày làm việc tối say sưa ca hát (Khúc tráng ca từ đá – Phạm Hữu Do). Trên công trường đá ngày ấy, còn có cả một đội văn nghệ nghiệp dư, tiếp thêm tinh thần, ý chí và tình yêu cho công trường. Chính bởi sự anh hùng của công trường nơi Cao nguyên mấy gió, đã thu hút sự quan tâm của nhiều văn nghệ sỹ nổi tiếng mà theo lời một số TNXP, các ông như Xuân Diệu, Nguyễn Tuân... đã có lần tìm đến tận công trường để được thấm mình vào cuộc sống nơi đây.

 “Hai trái tim vàng” Tô Văn Đóng (Lạng Sơn) và Bùi Thị Liên (Cao Bằng) hạnh phúc qua 50 năm kể từ ngày rời công trường đá. Hiện họ đang sống tại T.P Hà Giang.
“Hai trái tim vàng” Tô Văn Đóng (Lạng Sơn) và Bùi Thị Liên (Cao Bằng) hạnh phúc qua 50 năm kể từ ngày rời công trường đá. Hiện họ đang sống tại T.P Hà Giang.

Để có thể hiểu hơn về cuộc sống trên công trường ĐHP năm xưa, đặc biệt là những câu chuyện tình yêu thì không gì bằng hỏi chuyện các cựu TNXP ở Đội văn nghệ, C Nghiệp dư của công trường. Chúng tôi nhiều lần tìm đến nhà bác Nguyễn Mạnh Thùy, cựu TNXP thuộc C Nghiệp dư, hiện là Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP Hà Giang. Trong nhiều lần tiếp xúc, có một đề tài mà chúng tôi rất hay hỏi bác Thùy và nhiều cựu TNXP, đó là về tình yêu của tuổi trẻ nơi công trường đá và ngay lập tức, chúng tôi được nghe kể về nhiều chuyện tình đầy lãng mạn, trong đó có cả câu chuyện tình của chính bác Thùy với một nữ TNXP xinh đẹp. Trong căn nhà ắp đầy kỷ niệm ở thành phố Hà Giang, dù có cả người vợ là bác Nguyễn Thị Huệ ở bên, nhưng bác Thùy vẫn không “bí mật” khi kể về chuyện xưa của mình với một nữ TNXP với thời gian 3 năm trái tim, ánh mắt hướng về nhau.

Bác Thùy kể lại, ngày ấy trên công trường các TNXP mải lao động hơn là yêu. Kỷ luật của công trường hết sức nghiêm. Mỗi tối các Đội Cờ đỏ thường đi kiểm tra, 9h tối mà không có mặt ở trại là không được, bởi có rất nhiều nguy hiểm ở bên ngoài như việc gặp phỉ hay những kẻ xấu. Nhưng không phải vậy mà công trường thiếu đi những tình yêu đẹp. Tình yêu thời ấy “hiền” và “giữ” hơn bây giờ, bác Thùy cho biết. Ở C nào cũng có nam, nữ, đặc biệt là Viên Chí Anh, nữ TNXP người Lạng Sơn được rất nhiều anh em... thổn thức. Điều này cũng được chính “người đẹp” Viên Chí Anh “kín đáo” thừa nhận với tôi sau 50 năm rời công trường.

Bác Thùy nói, tình yêu của các bác thời ấy trên công trường chỉ có như thế. Vì nhiều lí do khác nhau, bác Thùy và người con gái ấy không đến được với nhau. Để rồi 8 năm sau khi công trường hoàn thành, năm 1973 bác Thùy vô tình gặp lại người xưa nơi cầu Yên Biên (TX.Hà Giang). Những ký ức ùa về, bác ghi lại cảm xúc qua bài thơ “Người xưa” với lời nhắn: “Thương thì thương biết nói chi/ dù sao anh vẫn là Thùy ngày xưa!”. Trong câu chuyện về một thời, vợ chồng bác Thùy đều vui vẻ nói, đó là chuyện của ngày xưa, chúng tôi đều coi chuyện ấy bình thường. Bản thân vợ chồng bác Thùy thật tình cảm khi từng có lần mời cả người xưa ấy về nhà mình ăn cơm. Hoặc bác tự mình đi thăm người ấy khi bà đơn lẻ nằm viện vì ốm.

Trong gian khổ nơi công trường đá, còn nảy nở nhiều tình yêu đẹp và nhiều cặp vợ chồng TNXP đã xuất phát từ đây. Bác Nguyễn Đức Thiện, Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Hà Giang cho biết, từ công trường sau này có hàng chục đôi nên vợ, thành chồng. Nhiều đôi sau khi ĐHP hoàn thành, tỏa đi lập nghiệp ở nhiều nơi, nhiều đôi là người các tỉnh hiện vẫn đang sinh sống hạnh phúc ở ngay bên con ĐHP. Qua lời kể của bác Thùy, bác Thiện, chúng tôi biết được có nhiều đôi vợ chồng TNXP như: Đôi Tô Văn Đóng (Lạng Sơn) và Bùi Thị Liên (Cao Bằng); đôi Hoàng Trùng Dương và Lương Thị Hử (Cao Bằng); đôi La Văn Chiếu với Nguyễn Thị  u (Bắc Kạn), đôi này hiện có nhiều hiện vật lịch sử được trưng bày tại Bảo tàng Hà Giang; đôi Nguyễn Xuân Lượng và Ngô Thị Trà (Thái Nguyên)... Thậm chí có cả một đôi vợ chồng đã cưới nhau ở quê rồi đưa nhau lên công trường như đôi Lê Đình Thụy và Nguyễn Thị Lan.

Đám cưới trên công trường là một ký ức thật đặc biệt đối với mỗi cựu TNXP. Được biết suốt dọc công trường ngày ấy, có đến 5 đám cưới của TNXP. Đám cưới được mọi người nhớ đến nhiều nhất là của vợ chồng Nguyễn Văn Đình (Thái Bình) và Nguyễn Thị Lan (Lạng Sơn). Đám cưới được tổ chức chính tại Dinh thự Sà Phìn (Đồng Văn), nơi mà hiện nay trở thành điểm du lịch nổi tiếng với tên gọi Nhà Vương. Bác Nguyễn Mạnh Thùy kể, khi ấy công trường xin ông Vương Chí Chư là em ruột ông Vương Chí Sình cho được tổ chức cưới ở sân trong Dinh thự, đồng thời công trường tạo “điều kiện” cho đám cưới... 2kg bánh quy và 1 tút thuốc lá. Một chi tiết đặc biệt được bác Thùy tiết lộ, đó là để đám cưới thêm phần vui, anh em công trường xin ông Vương Chí Chư 2kg hạt... thuốc phiện (lúc đó thuốc phiện còn được người dân trồng ở Cao nguyên đá, sau này Nhà nước mới cấm trồng) và dùng đường phên để nấu với hạt thuốc phiện làm... kẹo “vừng”. Đám cưới có cả sự phục vụ của Đội văn nghệ nghiệp dư của công trường. Người dân còn mang cả rượu ngô đến chúc mừng rất vui.

Xót thương thay trên công trường đá ngày ấy, có 14 nam, nữ TNXP đã mãi mãi ra đi. Trong số họ có người có vợ, con ở nhà, có người chắc còn dang dở tình yêu với một người con gái, con trai nào đó.

Qua câu chuyện của các cựu TNXP, có thể khẳng định tình yêu trên công trường đá ngày ấy thật đẹp và là một trong những yếu tố tinh thần, góp thêm sức mạnh làm nên ĐHP huyền thoại. Đá đã nở hoa, ĐHP ngày hôm nay không chỉ mang đến no ấm cho đồng bào các dân tộc mà còn trở thành một trong những con đường hàng năm đón nhiều đôi trai gái nhất cả nước. Các bạn trẻ tìm đến đây, họ khoắc tay đi bộ và ôm ghì lấy nhau bên những tấc dốc Mã Pì Lèng rờn rợn, để rồi âu yếm, hạnh phúc bên những nương cải vàng óng, những nương tam giác mạch tím hồng trong gió vi vu của Cao nguyên đá kỳ vĩ. 

HUY TOÁN

KỲ III: Trang sử đá và ngọn đuốc sáng trên miền cực Bắc


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nhớ một bài hát về con đường Hạnh phúc

BHG - Vào những năm 1968 – 1969, tôi đang học tại Trường cấp I-II xã Phú Linh (Vị Xuyên), hồi đó có cô giáo Đinh Thị Kim Cúc mới được chuyển từ Đồng Văn về làm giáo viên Chủ nhiệm lớp 4. Cô Cúc đã dạy lớp tôi một bài hát về con đường ô-tô lên Đồng Văn, tôi nhớ lời hát đoạn một như sau: 

17/03/2015
Kỳ thi THPT quốc gia: Tổ chức 38 cụm thi

Ông Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) - cho biết: Kỳ thi THPT quốc gia 2015 sẽ được tổ chức tại 38 cụm thi.

17/03/2015
Những người mang "ý Đảng" đến với dân

BHG- Luôn tiên phong trong công tác tuyên truyền, những cán bộ ở Trung tâm VHTT&DL huyện Bắc Mê đảm nhận trọng trách mang "ý Đảng" vượt núi, băng rừng... đến với lòng dân ở cả những nơi xa xôi nhất. Họ, những "Chiến sỹ trên mặt trận văn hóa tư tưởng" không quản ngại khó khăn, góp sức mình vào sự phát triển chung của đất nước.

17/03/2015
Thí sinh của Hà Giang sẽ tham gia kỳ thi THPT Quốc gia tại Cụm thi Số 21 Tuyên Quang.

BHG - Sáng 16.3, Bộ GD-ĐT đã chính thức công bố 38 cụm thi liên tỉnh kỳ thi THPT Quốc gia. Theo đó các thí sinh của Hà Giang sẽ được bố trí tại Cụm thi Số 21 tại tỉnh Tuyên Quang.

16/03/2015