Lưu giữ Làng nghề Giấy bản thôn Thanh Sơn
BHG- Trong những ngày lễ, tết hay các lễ cúng tâm linh của người Dao có một đồ vật thường được người dân sử dụng đó là Giấy bản. Một loại giấy được làm bằng cây măng vầu và đặc biệt duy chỉ có người Dao tại thôn Thanh Sơn và 1 số hộ dân ở thôn Tân Sơn (TT Việt Quang, Bắc Quang) đang còn lưu giữ và khôi phục nghề truyền thống này cho đến hôm nay.
Anh Lý Văn Chiêu, thôn Thanh Sơn (TT Việt Quang, Bắc Quang) đang sử dụng máy ép thủ công để ép nguyên liệu - một công đoạn trong làm Giấy bản. |
Nghề làm Giấy bản được hình thành và phát triển lâu đời ở đây, sau một thời gian biến đổi thăng trầm; đến năm 2012, Làng nghề làm Giấy bản được bà con thôn Thanh Sơn khôi phục để phục vụ cho những hoạt động lễ hội gắn với phát triển du lịch cộng đồng mang nét đẹp văn hóa đặc sắc của người Dao.
Hàng năm cứ vào tháng 3, khi cây măng vầu có nhiều trên núi, thì người dân lên núi chặt măng về làm nguyên liệu cho quá trình làm Giấy bản. Sau khi lấy được măng vầu về, người dân sử dụng nước vôi để ngâm ủ nguyên liệu. Nước vôi có tác dụng tẩy màu nguyên liệu đồng thời sẽ làm cho cây măng vầu mềm hơn, rút ngắn thời gian ngâm ủ. Tiếp đó, người dân sử dụng một loại cây dây leo được lấy trong rừng trộn lẫn vào nguyên liệu để làm tăng độ kết dính. Thường, người dân bắt đầu ngâm ủ nguyên vật liệu từ tháng 5. Sau 2-3 tháng và đến khoảng tháng 8 người dân bắt đầu vào công đoạn tráng giấy. Theo anh Lý Văn Chiêu, một người làm nghề Giấy bản lâu năm ở thôn Thanh Sơn cho biết: Để thực hiện làm Giấy bản, người làm phải tiến hành qua nhiều công đoạn đòi hỏi cần có sức khỏe và tính cẩn thận cao. Bởi vì, các công đoạn làm giấy đều rất khó như vớt, dẫm nguyên liệu, bóc giấy...
Trong nét đẹp văn hóa của người Dao, hầu hết trong mỗi gia đình đều phải có sẵn ít nhất một tập Giấy bản dùng cho các hoạt động lễ, tết. Hiện, thôn Thanh Sơn có 128 hộ thì có đến 104 hộ dân là người Dao làm Giấy bản. Một gia đình có thể làm được trung bình ít nhất 5 bục giấy/1 ngày, trong đó mỗi bục có đến 80 thếp, mỗi thếp có 5 tờ (loại giấy khổ rộng 22 x 70 cm). Tính trung bình một hộ làm nghề có thể làm được khoảng tầm 150 bục/1 năm. Sản phẩm khi được làm ra sẽ được đem ra chợ tiêu thụ, với mức giá bán từ 180 nghìn đồng - 250 nghìn đồng/1bục, tùy vào những thời điểm khác nhau. Qua đó, người dân ở đây không chỉ kiếm được thêm một khoản thu nhập đáng kể trong thời gian nhàn rỗi với nguồn nguyên liệu sẵn có mà quan trọng hơn là đã lưu giữ được làng nghề mang đậm bản sắc truyền thống của dân tộc.
Để khôi phục được Làng nghề làm Giấy bản của người Dao, năm vừa qua, 4 gia đình tại thôn Thanh Sơn được Hội Nông dân huyện Bắc Quang hỗ trợ 4 chiếc máy xay nguyên liệu có tổng trị giá là 50 triệu đồng nhằm giảm tải sức lao động cho người dân và tăng số lượng sản phẩm. Đó cũng là một trong nhiều điều mà những hộ dân làm nghề Giấy bản truyền thống tại thôn Thanh Sơn và thôn Tân Sơn đang rất cần và mong muốn có được sự quan tâm từ các cấp chính quyền để làng nghề có điều kiện được khôi phục nhằm phục vụ nét văn hóa đặc sắc trong đời sống của người Dao.
Văn Long
Ý kiến bạn đọc