50 năm con đường của niềm tin

07:38, 19/03/2015

BHG- Đã 50 năm qua, tỉnh Hà Giang đã tiến được một chặng đường dài trong phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện đời sống cho nhân dân. Trong công cuộc ấy, dấu ấn của một con đường huyền thoại hiện lên vô cùng rõ nét. Danh tiếng của con đường ấy đã lan toả khắp đất nước, trở thành biểu tượng của lòng dũng cảm và tinh thần quyết tâm vượt khó của đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc.

Khát vọng ấy thể hiện rất rõ ràng ở cái tên của con đường. Độc lập, tự do, hạnh phúc từ lâu đã là khát vọng của đồng bào nước ta. Đó là ước mơ cháy bỏng của đồng bào các tỉnh miền núi, vì cuộc sống của họ vẫn còn rất nhiều khó khăn. Khi đã được hưởng tự do, họ sẽ cụ thể hoá khát vọng thành vật chất và tạo ra vật chất vươn tới đích. Với ý nghĩa ấy, con đường Hạnh phúc trở nên đáng quý hơn bao giờ hết.

Con đường mang tên Hạnh phúc ấy chứa đựng tấm lòng cao cả của biết bao con người, mang theo bao mồ hôi, nước mắt và cả những giọt máu hồng của thế hệ thanh niên tràn đầy nhiệt huyết. Được đi trên con đường ấy, hai chân của tôi đã không thể đứng yên mà chỉ muốn bước tiếp, muốn được cất những bước chân tự hào trên con đường tuyệt vời ấy.

Nghe những câu chuyện do bà con kể, trong tôi bỗng bừng lên cảm xúc lớn lao. Đến bây giờ, cuộc sống của nhân dân ở Đồng Văn, Mèo Vạc vẫn còn nghèo, nhưng căn bản đã có nhiều thay đổi so với khi chưa có con đường này. Những năm gần đây, bà con các dân tộc vùng cao đã rất cố gắng để thoát nghèo, vươn lên làm chủ cuộc sống, nhiều gia đình đã làm giàu thành công, đưa tinh thần người Hà Giang bay cao, bay xa.

Đến Hà Giang, hỏi những điều người dân nơi đây tự hào nhất thì trong phần lớn các câu trả lời đều có con đường Hạnh phúc. Con đường ấy hùng vĩ, nên thơ lắm. Hùng vĩ không phải vì nó quá to, quá rộng mà vì nó có thể đi qua địa thế vô cùng hiểm trở. Có con đường nào bằng sức lao động của con người mà có thể chạy từ Hà Giang qua Cao nguyên đá Đồng Văn và đỉnh Mã Pì Lèng rồi đến Mèo Vạc? Có con đường nào có thể được làm trên khu vực Cao nguyên với bao núi đèo hiểm trở dường ấy? Đó chỉ có thể hiện thực hoá bởi bàn tay của con người cần cù và không ngừng nghỉ.

6 năm làm đường là 6 năm khó khăn vất vả không kể xiết của bao cán bộ, thanh niên và người dân nơi núi rừng này. Họ đã có một con đường để đi lại, để giao thương, để hoà nhập với cuộc sống với đồng bào mình. Đó là chuyện tưởng chừng đơn giản đối với người dân ở đồng bằng nhưng lại là việc không tưởng đối với bà con các dân tộc vùng cao. Cuộc sống của họ chỉ ở rừng, ở núi, muốn xuống dưới xuôi, đi chợ, hay mua bán gì thì lại phải tốn mất mấy ngày đường, còn có vấn đề với sức khỏe cũng rất khó khăn để đến bệnh viện. Vậy mà giờ đây bà con vùng cao ở Hà Giang đã có thể làm được những việc thiết yếu đó.

50 năm rồi, trên con đường ấy vẫn vẹn nguyên ý chí quyết tâm và khát vọng đem lại cuộc sống tốt hơn cho nhân dân. Thanh niên các dân tộc miền núi phía Bắc đã tập hợp lại theo lời hiệu triệu của đất nước, đem sức mình giúp đỡ đồng bào có đường đi thuận lợi để thoát khỏi đói nghèo. Họ đã hy sinh sức trẻ để dồn sức vào con đường tâm huyết. Trong tay họ chỉ có búa và xà beng, còn lại chỉ là những bàn tay của tuổi trẻ. Tưởng tượng lại không khí làm việc của những công nhân trẻ đó, trong một người trẻ sinh ra ở thời bình như tôi không khỏi ngưỡng mộ các bậc cha anh ấy. Từng nhát đục, từng viên đá được cậy ra rất vất vả. Ăn uống thì chỉ có 1 cân gạo một ngày công, thức ăn cũng thiếu, lại phải ngủ trên núi gió lồng lộng, vậy mà họ vẫn giữ được sự đoàn kết, giữ được niềm tin.

Ngày nay, đời sống của đồng bào các dân tộc miền núi ở Hà Giang đã khá hơn trước rất nhiều. Mới mấy hôm trước thôi, khi đến thăm nhà sàn của một đồng chí người Tày, anh đã cho tôi biết về hạnh phúc thực sự của người dân vùng cao khi được bước chân trên con đường Hạnh phúc. Vùng Cao nguyên đá đã trở thành Công viên địa chất tầm cỡ quốc tế cũng chính một phần vì giao thông lên đó thuận lợi, nên Cao nguyên đá Đồng Văn đã được quảng bá, lan toả, được cả nước và thế giới biết đến.

Đến bây giờ, chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định rằng: Con đường Hạnh phúc là một công trình thế kỷ của tỉnh Hà Giang. Nó như một chiến tích oai hùng của lịch sử, một cầu nối giữa quá khứ và tương lai, giữa miền núi non hùng vĩ nhưng khó khăn hiểm trở và miền xuôi với các nguồn lực mạnh mẽ. Nhờ con đường ấy, tiềm năng của Hà Giang được đánh thức, được đầu tư khai , để giờ đây, du dịch trở thành ngành thế mạnh và mũi nhọn của tỉnh.

Đinh Thành Trung (B4/261 Thụy Khuê – Tây Hồ - Hà Nội)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hội VHNT Hà Giang triển khai nhiệm vụ năm 2015

BHG- Ngày 18.3, Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Hội năm 2014, triển khai kế hoạch năm 2015 và kết nạp hội viên mới. Dự hội nghị có đồng chí Vương Mí Vàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện các Ban Xây dựng Đảng Tỉnh ủy; lãnh đạo một số sở, ban, ngành trong tỉnh và hội viên đại diện cho các chuyên ngành Hội VHNT tỉnh.

18/03/2015
Sáng mãi đường Hạnh phúc: Kỳ II - Tình yêu trên công trường đá

BHG - Trong số những công trường từ năm 1959 đến giờ, có lẽ công trường mở đường Hạnh phúc (ĐHP) là một trong những nơi gian khổ nhất, thử thách nhất của cả nước. Ở một nơi như Cao nguyên đá, thanh niên xung phong (TNXP), dân công phải lao động trong điều kiện mà nhiều người ví như "đánh nhau" với đá. ..

17/03/2015
Nhớ một bài hát về con đường Hạnh phúc

BHG - Vào những năm 1968 – 1969, tôi đang học tại Trường cấp I-II xã Phú Linh (Vị Xuyên), hồi đó có cô giáo Đinh Thị Kim Cúc mới được chuyển từ Đồng Văn về làm giáo viên Chủ nhiệm lớp 4. Cô Cúc đã dạy lớp tôi một bài hát về con đường ô-tô lên Đồng Văn, tôi nhớ lời hát đoạn một như sau: 

17/03/2015
Kỳ thi THPT quốc gia: Tổ chức 38 cụm thi

Ông Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) - cho biết: Kỳ thi THPT quốc gia 2015 sẽ được tổ chức tại 38 cụm thi.

17/03/2015