Sức Xuân đầu nguồn sông Chảy
Xuân 2015- Trong hàng ngàn con sông chảy trên đất Việt thì chỉ duy nhất con Sông Chảy lại chảy “ngược dòng”. Sự chảy ngược thú vị từ đất Việt dọc theo huyện Xín Mần chảy sang đất nước Trung Hoa rồi lại chảy về đất Việt. Sự chảy ngược đã để lại cho dòng sông đầy chất tráng ca. Đất Xín Mần nơi Sông Chảy chảy qua ấy, mùa xuân đang về ngập tràn.
Một góc Xín Mần hôm nay. |
Xín Mần được nhắc đến trong nhiều năm liên tục gần đây bởi các phong trào Đại đoàn kết. Mở đường Đại đoàn kết, làm nhà Đại đoàn kết, quy tụ dân cư Đại đoàn kết...! Gần như tất cả mọi công việc của Đảng, của dân, đều quy tụ lại bằng sức mạnh tập hợp quần chúng nhân dân quanh Đảng, làm nên những kỳ tích mang tên Đại đoàn kết. Chương trình làm bằng sức mạnh Đại đoàn kết đã tạo cho Xín Mần hàng ngàn km đường giao thông được mở mới, hàng vạn bể nước, hàng trăm km kênh mương, đập đầu mối được xây dựng với sự đóng góp sức dân trên 40 tỷ đồng. Sức mạnh Đại đoàn kết đã làm cho Xín Mần “Xuân này hơn hẳn những xuân qua”. Thật vậy! Ngay đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI, năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của Xín Mần trên 63,4%.
Rộn rã chợ phiên Xín Mần |
Có ai đó cũng đã từng đặt câu hỏi: Con sông Chảy kia bắt nguồn từ dải Tây Côn Lĩnh trên “nóc nhà” cao thứ hai đất Việt sao lại... chảy ngược!? Có đến Xín Mần mới hiểu Xín Mần sao khó khăn vất vả, người Xín Mần gian khó mà sao ấm áp tình người. Cũng đúng thôi, người ta bảo: Chỉ có người nghèo mới thương yêu người nghèo, đó là lẽ đương nhiên. Khó vì đất đai nơi này dốc. Dốc đến nỗi người ta bảo “không thể tìm đâu” ra một mặt bằng trăm mét vuông để làm nhà, để trồng cấy, chăn nuôi. Người ta biết, khí hậu Xín Mần hà khắc vô cùng bởi Tiểu vùng khí hậu “Sanavan” hay còn gọi là Tiểu vùng bán sa mạc nên không khí khô, nóng, biến động thất thường. Các nhà khoa học xác định có 3 huyện ở Hà Giang dễ bị tổn thương nhất là: Xín Mần, Hoàng Su Phì và Yên Minh. Trong đó, Xín Mần được xếp đứng đầu trong những rủi ro không thể lường trước được do thiên nhiên “đỏng đảnh”. Theo thống kê, từ năm 2012 đến hết năm 2014, tức 3 năm liên tục Xín Mần đều rơi vào thảm cảnh: Đầu xuân khô rét kéo dài rồi nắng nóng trên 45 độ c đúng vào kỳ cây trồng trổ bông, đơm hoa đã làm mất 3,5 đến 4.000 tấn lương thực/vụ xuân/năm. Còn mùa trồng cấy chính trong các năm lại hạn thiếu nước, gió Lào gào thét, rồi đến mưa rừng, lũ ống... y vậy mà đất Xín Mần vẫn cho con người khắp nơi trên dải đất hình chữ S này đầy sản vật ngon lành. Mật ong Chí Cà – trà thơm Cốc Rế... đã đi vào thi họa! Gạo Già Dui có ở xã Bản Díu, gạo Nấm Xít (nước lạnh) có ở xã Thu Tà, Nếp cái hoa vàng ở xã Quảng Nguyên.v.v...
Các đồng chí lãnh đạo bấm nút khởi công xây cầu Cốc Pài. |
Theo ghi nhận: Kết thúc sản xuất năm 2014, Xín Mần đạt gần 38.000 tấn lương thực. Mức ăn bình quân đầu người đạt 615 kg/năm. Gạo Già Dui, Nấm Xít được đánh giá là loại gạo ngon nhất của Hà Giang, được ca tụng trong các bữa cơm đầm ấm ngày xuân bên bạn hiền, người thân trong mỗi nhà. Mỗi năm, đồng bào Xín Mần làm ra trên 300 tấn gạo đặc sản, giá bán trên 22.000đ/kg. Có người nhận xét, gạo đặc sản Xín Mần vốn trải qua cơn “vật vã” của thiên nhiên rồi được “cô đọng” lại bởi bàn tay trai sần của các mẹ, các chị nên nó đậm ngọt đến kỳ lạ. Cây ngô nơi đây cũng được đồng bào trồng “rải vụ” mỗi năm trên 5.500 ha. Cây đậu tương trồng trên 3.700 ha, chưa kể rau đậu. Còn sản phẩm chè Chế Là, Cốc Rế bạn tôi bảo, hễ không nhắc đến thì thôi, còn nhắc đến đã thấy cái hương cốm đầu mùa thoảng trong phòng khách. Và cái vị chát, ngọt, thêm chút bùi bùi cứ đọng lại trọng miệng đến nửa ngày sau uống. Phải chăng, đó chỉ là cảm xúc của những cánh thi sĩ mộng mơ. Nhưng không, đấy là điều có thật. Anh Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Sở NN & PTNT Hà Giang có nhận xét: Hết chè Chế Là, Cốc Rế, xem ra ngồi với bạn hiền uống chén nước cũng đâu có ngon. Sản lượng chè Xín Mần hết năm 2014, đạt trên 7.500 tấn chè búp tươi. Giá bán trong năm từ 12- 15.000đ/kg, nông dân Xín Mần vẫn thu về nhiều tỷ bạc. Nhận thấy giá trị bền vững cây chè, nông dân Xín Mần đã thành lập những làng nghề chuyên làm chè đặc sản, làm chè Đinh ở thôn Bản Vẽ và trồng chè tập trung quy mô hàng trăm ha liền lô, liền khoảnh mỗi năm trên 150 ha. Năm 2014 khép lại, một bài học “mở ra” đầy tính sáng tạo đó là, tổ chức, sắp xếp lại sản xuất. Đã có 118 nhóm hộ cùng 367 nhóm sở thích cùng làm ăn, cùng chăn nuôi lợn, nuôi trâu, bò tập trung, quy mô mỗi lứa từ 50 đến vài trăm con và nuôi 3 lứa/năm. Đã có trên 16.500 con trâu, gần 9.000 con bò, trên 14.600 con dê và gần 65.000 con lợn được chăn nuôi, chăm bẵm ở 11.500 hộ đồng bào trong huyện. Mức độ tăng đàn trên 4,5%/năm. Cách làm này đã đẩy lui khỏi địa bàn huyện các loại thịt gia súc, gia cầm mang từ nơi khác đến. Gạo Xín Mần, Thịt cũng ở Xín Mần, rau quả đồng bào Xín Mần cày sâu, cuốc bẫm làm ra đã “ngấm” vào lòng du khách như một thứ sơn hào – hải vị, không thể nào quên.
Hình ảnh khởi công xây cầu Cốc Pài, cầu lớn nhất các tỉnh miền núi phía Bắc . |
Mùa xuân này, Xín Mần sẽ đánh giá kết quả năm cũ, dự định sẽ nhân rộng các mô hình kinh tế bằng cách: Cân đối lại diện tích trồng cấy cây lương thực, dồn đất, dồn vốn, chuyển chăn nuôi khoảng trên dưới 2.000 hộ. Hướng đi được xác định lại là: Trồng rừng, trồng cỏ, chăn nuôi gia súc, gia cầm, ong mật. Khai thác thế mạnh cửa khẩu Xín Mần (Việt Nam) – Đô Long (Trung Quốc) để phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch cộng đồng và du lịch làng nghề khám phá. Rộn rã cửa khẩu Xín Mần là hình ảnh mời gọi các nhà đầu tư, kinh doanh tìm đến. Theo con số xác nhận, lượng lưu chuyển hàng hóa qua đây năm 2014 đạt trên 4 triệu USD. Trao đổi tại nội địa 970 tỷ đồng ở 21 chợ, cụm chợ trong các khu dân cư. Đến Xín Mần nhận thấy, nhà hàng, khách sạn, siêu thị nhộn vui. Sắc mầu rực rỡ của Xuân về làm cho phố sá tươi mới, rừng núi khoác lên chiếc áo xanh đầy sức sống. Cầu Cốc Pài vừa được Bộ GTVT khởi công có 11 nhịp, dài gần 400 m, vốn đầu tư 158 tỷ đồng, cây cầu lớn nhất miền Bắc đất Việt đang được xây trên miền nắng gió. Hãy mường tượng, cầu Cốc Pài xây xong cuối năm 2015 để chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc sẽ là điểm du khách khắp nơi tìm về, đứng trên cầu ngắm dòng sông Chảy chảy ngược dòng rồi lại đổ vào đất Mẹ Việt Nam...
Nhà làm việc của Thường trực HĐND và UBND huyện Xín Mần. |
Mùa xuân, hãy lên Đèo Gió, ngắm thác Tiên, khám phá Bãi đá tuổi trên 2.000 năm, nơi người Việt cổ sinh sống. Xuống hang Phố Mỷ ngẫm suy về sự hình thành trái đất, hay chinh phục đỉnh Gia Long huyền thoại, rồi hãy đến lễ hội Gầu Tào của đồng bào Mông, dự Lễ cúng rừng Cấm... Xín Mần, quê hương của 16 đồng bào dân tộc anh em sinh sống đang hướng về Đại hội Đảng các cấp với nhiều lao động sáng tạo. Hiện nay, Đảng bộ Xín Mần có 4.170 đảng viên sinh hoạt trong 74 Chi Đảng bộ trực thuộc. Chính các đảng viên đang là các hạt nhân trong các phong trào sản xuất, xây dựng đời sống, văn hóa mới. Coi trọng công tác xây dựng Đảng, lao động sáng tạo để phát triển kinh tế, phát triển giáo dục đào tạo đã được Đảng bộ huyện xác định là: “Động lực” để Xín Mần xây dựng quê hương ngày càng to đẹp.
Một công trình mới được xây dựng. |
Mùa xuân, sức sống mới ngập tràn mọi miền đất nước. Ở đây, trên mảnh đất đầu nguồn sông Chảy, sức sống mùa Xuân về Xín Mần tràn đầy./.
NGUYỄN MẠNH HÙNG
Ý kiến bạn đọc