Làm báoTết, "mùa" khai bút
Xuân 2015- Ngót 7 năm làm nghề, năm nay là lần đầu tiên tôi được cùng các đồng nghiệp đứng ở “tâm” các công đoạn làm báo Tết. Đây là một cơ hội tốt để mỗi người làm báo chúng tôi không chỉ làm nghề mà còn học nghề, hoàn thiện mình hơn qua từng trang báo.
Đại biểu xem các ấn phẩm báo chí trưng bày tại Hội báo Xuân Giáp Ngọ 2014. Ảnh: VIỆT THẮNG |
Có thể nói, báo Tết là một phần không thể thiếu của mỗi tòa soạn báo. Với Báo Hà Giang hàng năm, song hành với Báo Hà Giang số xuân là Báo Hà Giang Cực Bắc số Xuân và Báo Hà Giang điện tử Xuân rình ràng khí thế. Qua báo Tết hàng năm, bạn đọc phần nào thấy được sự nỗ lực của các phóng viên trong việc bám nắm, theo dõi các mảng, các ngành, các địa phương, trong việc chọn lựa các đề tài. Từ các trang viết, thể hiện cái nhìn đa chiều của những người làm báo. Để từ đó, báo Tết trở thành bức tranh muôn mầu và tổng thể về sự phát triển của tỉnh qua một năm...
Tập trung cho “nhiệm vụ đặc biệt”, hàng năm những người làm Báo Hà Giang chúng tôi đều phải “lấy đà” từ tháng 9, tháng 10 dương lịch. Để mỗi tờ báo Tết thành công, có sự phối hợp, ủng hộ rất quan trọng và đầy trách nhiệm của các ngành, các địa phương, các đơn vị, doanh nghiệp. Đặc biệt là vai trò của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, khi dành thời gian tham gia các bài viết mang tính định hướng, chỉ đạo sâu sắc trên các lĩnh vực phát triển của tỉnh. Cùng với đó, vai trò của đội ngũ cộng tác viên trong và ngoài tỉnh là một phần không thể thiếu. Với sự kết nối của Tòa soạn, trên báo Xuân Hà Giang những năm qua, bạn đọc có thể bắt gặp những tên tuổi như: Nhà văn Đỗ Bích Thúy (tác giả Chuyện của Pao), Đỗ Doãn Hoàng, cây viết xuất sắc của Báo Lao Động, nhà văn Cao Xuân Thái Đỗ Hàn và rất nhiều bài viết cảm xúc của các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, cộng tác viên trong cả nước...
Làm báo Tết, có thể coi như công việc “đổ mồi hôi” giữa... mùa đông. Thời gian làm báo Tết, nhiều cửa phòng làm việc ở Tòa soạn, đặc biệt là Phòng Thư ký - xuất bản thường trong trạng thái “khép cửa tiễn khách” để tập trung hơn. Việc sáng đèn đến tận khuya ở nhiều phòng là thường xuyên. Chúng tôi vẫn đùa rằng, làm xong báo Tết, nhiều người tóc quăn hơn, mắt to hơn, trán nhăn và tóc bạc hơn. Làm báo Tết với mỗi người, những niềm vui riêng tư đều được gác lại. Tất cả tập trung, trách nhiệm cho mỗi trang báo qua các khâu từ định hướng nội dung, đôn đốc sát sao của Ban biên tập đến việc nhặt sạn - sửa câu, tỉa chữ, chọn tít của đội ngũ biên tập viên. Những trang báo sau khi lên bản bông (bản trước khi in) được Ban biên tập, các biên tập viên thay nhau đọc đi, sửa lại nhiều lần, để làm sao cho mỗi bài viết ngoài chất nghề còn thể hiện khí thế xuân.
Phóng viên Báo Hà Giang cùng các báo bạn tác nghiệp tại Hội thảo báo Đảng các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc lần thứ XVI tại Hà Giang. ẢNH: PHƯƠNG HOA |
Để ra được báo xuân sáng láng về hình thức, có cả đội ngũ những cán bộ, nhân viên âm thầm như các chị Ngọc Bích, Phan Thoa, Hải Quỳnh ở Phòng Thư ký xuất bản; Lê Lâm, Phan Mạnh, Thanh Thủy ở Phòng Báo Điện tử. Họ là những “đầu bếp” chuẩn bị “bữa ăn” thịnh soạn nhất năm. Riêng họa sỹ Ngọc Bích, người trình bày tờ báo Hà Giang, vào mùa làm báo Tết thường rất kiệm lời để dồn sự tỉ mẩn vào từng nét mầu, dáng chữ. Qua các sản phẩm báo Tết hàng năm, khẳng định vai trò “phát ngôn viên” tờ báo của chị...
Mùa xuân, mùa khai bút làm nghề của chúng tôi, giống như các ngành, các địa phương triển khai nhiệm vụ năm mới. Tờ báo Tết là điểm kết thúc năm cũ và ra quân năm mới của Tòa soạn. Sự khởi đầu nào cũng rất quan trọng. Trong xu thế hội nhập của báo chí hiện đại, nó luôn đòi hỏi mỗi người làm báo chúng tôi một tinh thần tự đổi mới và cầu tiến. Vì thế làm báo Tết với tôi, với mỗi đồng nghiệp, không chỉ đơn giản là làm nghề, mà còn là dịp để học nghề, để hoàn thiện và chuyên nghiệp hơn trong nghề báo.
Qua mỗi tờ báo Tết, là cả sự cặm cụi, tỉ mỉ, những đêm trằn trọc, những nếp nhăn trên trán của những nhà báo tâm huyết với nghề. Nhưng cuối cùng, là mùa xuân, niềm hạnh phúc bên những trang viết thơm dậy mùi giấy cút - xê./.
HUY TOÁN
Ý kiến bạn đọc