Khôi hài biển hiệu song ngữ
HGĐT - Biển hiệu là một cách giới thiệu, quảng cáo ngắn gọn, rõ nghĩa cho cho một tổ chức, cá nhân, hay một sản phẩm, mặt hàng nào đó... mang đặc điểm, công dụng, chức năng riêng biệt. Thế nhưng, trên địa bàn thành phố Hà Giang có nhiều biển hiệu song ngữ được dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh một cách máy móc, chắp vá, theo kiểu: “Tiếng Việt nói sao, tiếng Anh viết vậy”, với nhiều lỗi sai cơ bản.
Theo cách hiểu của chúng tôi, tiếng Việt dành cho việc đọc, hiểu của người dân trong nước. Tiếng Anh nhằm phục vụ những người biết và hiểu tiếng Anh, đặc biệt là du khách Quốc tế. Để du khách không phải “bật cười” trước những tấm biển hiệu song ngữ (Việt - Anh) tại một số nhà hàng trên địa bàn thành phố Hà Giang, các cơ quan chức năng cần vào cuộc đểđịa bàn có những tấm biển (dịch chuẩn) theo đúng nghĩa của nó.
Cụ thể, tấm biển hiệu nhà hàng 768 khu vực đường Nguyễn Thái Học, tổ 22, phường Minh Khai đã ghép các từ có ý nghĩa độc lập thành những món ăn theo cách hiểu của tiếng Việt. Chẳng hạn, danh từ chỉ “sông” trong tiếng Anh “river” ghép với danh từ chỉ cá “fish” thành món “Cá sông”. Nhưng trên thực tế, món “Cá sông” có tên gọi “Freshwater fish”... Khôi hài nhất là việc ghép 2 số đếm chỉ con số 3 trong tiếng Anh “three” để có món ăn “baba”. Mà nghĩa của nó là “softshell turtle”. Ngoài việc dịch chắp vá, trên tấm biển còn có những từ dịch chưa sát nghĩa hoặc thừa chữ, như: “Nhím” nên dịch là “Porcupin”. “Restaurants” chỉ “Nhà hàng” cần bỏ “s” ở cuối từ Restaurant. “Carrental”, nên sửa lại là “Car rental”, được hiểu “Thuê ô-tô”.
Thiết nghĩ, biển song ngữ là cần thiết. Nhưng phải dịch chuẩn để khách quốc tế khi đọc ngôn ngữ của họ không phải giật mình vì “lạ”, vì “độc” trước tấm biển “sáng tạo”... vượt chuẩn.
Ý kiến bạn đọc