Người dân Tắc Tằng mong mỏi được di dời khỏi vùng nguy cơ sạt, lở
HGĐT- Cùng với những biến đổi phức tạp của thời tiết, khí hậu thì tiềm ẩn những nguy cơ thiên tai ngày càng cao, nhất là trong mùa mưa bão. Trong 6 tháng đầu năm, tại tỉnh ta đã xảy ra những trận lũ quét, sạt, lở điển hình như ở một số xã của huyện Quản Bạ, Bắc Mê, gây ra những thiệt hại rất lớn về người và tài sản.
Những vết nứt xuất hiện ở hầu hết 20 hộ trong dân.
Thôn Tắc tằng, xã Ma Lé (Đồng Văn) cũng đang nằm trong nguy cơ thiên tai xảy ra cao như vậy, hiện nay 20 hộ dân của thôn đang sống bấp bênh trên một vết nứt địa chất có nguy cơ sạt, lở bất cứ lúc nào.
Thôn Tắc Tằng nằm cách trụ sở xã Ma Lé khoảng 4 km, đây là thôn núi đất của xã, nằm trải rộng trên một sườn núi. Toàn thôn có 35 hộ, 195 khẩu, chủ yếu là dân tộc Giấy và dân tộc Mông sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp. Từ năm 1995, nhân dân trong thôn đã phát hiện những vết nứt, sụt, lún cục bộ. Qua từng năm, hiện tượng này ngày càng có chiều hướng gia tăng. Đến nay, vết nứt và hiện tượng sụt, lún đã tạo thành một vòng cung (chiều dài khoảng 600m) ôm gọn phía trên thôn Tắc Tằng, trong đó có 20 hộ với 122 khẩu bị ảnh hưởng trực tiếp. Hầu hết trong nền nhà của 20 hộ này đều xuất hiện những vết nứt có chiều rộng từ 15cm – 20 cm. Có hộ vết nứt rộng từ 1m – 1,5 m; nhiều hộ trong nhà xuất hiện những ụ bùn, đất từ dưới đùn lên do bị dồn ép. Hiện tượng rạn nứt, sụt lún không những xuất hiện trong nhà mà có cả ở ngoài sân, vườn. Đặc biệt, đường kênh dẫn nước của thôn được xây dựng theo Chương trình Kiên cố hóa kênh mương nội đồng từ năm 2002 có một đoạn (khoảng 50m) được thiết kế và xây dựng thẳng, đến nay đã bị biến đổi thành một đường cong; có đoạn kênh bị nứt, gãy, sập, gây ảnh hưởng lớn đến việc dâng nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của bà con. Từ những hiện tượng trên, năm 2011, UBND xã Ma Lé đã có văn bản đề nghị UBND huyện và các ngành chức năng có giải pháp di dời nhân dân ra khỏi vùng rạn nứt, sụt, lún đến nơi an toàn. Theo văn bản đề nghị trên, Phòng Nông nghiệp – PTNT của huyện phối hợp với Công ty TNHH Miền Tây tiến hành khảo sát việc di chuyển nhân dân thôn Tắc Tằng ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở; khảo sát, lựa chọn được địa điểm tái định cư cho nhân dân (khu tái định cư chỉ cách nơi chỗ cũ khoảng 200m và chưa được khảo sát địa chất). Tuy nhiên, vì một lý do nào đó, dự án này chưa được phê duyệt và triển khai thực hiện. Hiện nay, biện pháp khắc phục duy nhất của người dân đối với hiện tượng trên là đối với các vết nứt trong nhà thì dùng đất đổ vào rồi trát xi măng trên miệng vết nứt. Nứt đến đâu, đổ đất vào đến đó. Những ụ đất đùn lên đến đâu thì đào đi đến đó và phải sống trong nỗi lo sợ thường trực sạt, lở sẽ xảy ra bất cứ lúc nào. Ông Dù Văn Toàn thay lời người dân ở đây cho biết: “Gia đình tôi rất mong muốn di chuyển đi nơi khác. Trước đây vết nứt nhỏ thì không sợ lắm nhưng bây giờ nó to quá chắc là sắp sập đến nơi. Ở đây chúng tôi lo lắm, nhất là những ngày mưa to, mưa lâu muốn đi ở tránh chỗ khác nhưng không có chỗ nào, đành vẫn phải ở trong nhà thôi”.
Theo nhận định của đồng chí Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện (là cơ quan thường trực của BCĐ Phòng, chống lụt bão huyện Đồng Văn) thì hiện tượng rạn nứt, sụt, lún tại thôn Tắc Tằng sẽ dẫn tới sạt, lở và đề nghị huyện cùng các ngành chức năng có kế hoạch, dự án di dời dân càng sớm càng tốt, tránh để sự cố xảy ra khi chưa di dời sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Xã phải kiện toàn lại BCĐ Phòng, chống lụtbão; nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương; có thông tin kịp thời cho phòng tác chiến của Ban Chỉ huy Quân sự huyện theo số điện thoại: 0219.856.144 trực 24/24 giờ. Cấp ủy, chính quyền xã Ma Lé đã xác định, đây là vấn đề bức xúc, tiềm ẩn nguy cơ thiên tai cao, diễn biến phức tạp, khó lường (tại khu vực này đã từng xảy ra lũ quét vào những năm 1996, 2002 gây thiệt hại về nhà cửa, vật nuôi, cây trồng của nhân dân). Qua khảo sát, ngoài 20 hộ xuất hiện vết nứt trong nhà thì 15 hộ còn lại của thôn cũng mong muốn được di dời đến nơi ở khác. Điểm tái định cư phải được khảo sát địa chất một cách kỹ lưỡng, đảm bảo khi đến nơi ở mới, người dân yên tâm sinh sống và lao động sản xuất. Trên địa bàn xã, ngoài 20 hộ ở thôn Tắc Tằng có 1 hộ ở thôn Bản Thùy, 1 hộ ở thôn Ngài Trồ cũng nằm trong khu vực có nguy cơ sạt, lở cao, cần phải di dời khẩn cấp. Bên cạnh đó, tuyến đường Mã Lủng Kha là tuyến đường huyết mạch giao thương tiểu ngạch quan trọng trên địa bàn xã bị sạt, lở trong tháng 6 vừa qua, khối lượng đất đá sạt, lở khoảng trên 1.000 m3, gây ách tắc giao thông. Xã đã huy động mọi lực lượng trên địa bàn khơi thông được một đường xe máy qua khu vực sạt, lở để nhân dân đi lại tạm thời. Đây là những vấn đề cấp bách, cấp ủy, chính quyền, nhân dân xã Ma Lé rất mong nhận được sự hỗ trợ của huyện, của tỉnh và các cơ quan chức năng giải quyết trong thời gian sớm nhất. Trước tình hình trên, đồng chí Nguyễn Đức Tính, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Đồng Văn cho biết, huyện sẽ chỉ đạo các ngành chức năng của huyện sớm triển khai dự án di dời các hộ dân thôn Tắc Tằng ra khỏi vùng có nguy cơ sạt, lở.
Để tìm ra nguyên nhân gây nên hiện tượng rạn nứt, sụt, lún ở thôn Tắc Tằng là trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn. Việc di dời dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân là trách nhiệm cấp ủy, chính quyền các cấp. Dự án di dời rồi sẽ được xây dựng, được phê duyệt, được thực hiện. Nhưng, trước khi có dự án, có nơi ở mới, người dân nơi đây vẫn phải sống một cách thấp thỏm, lo âu bên những vết nứt ngày một rộng, một nguy hiểm, không biết sẽ sạt, lở vào lúc nào?
Ý kiến bạn đọc