Cần có một dự án nghiên cứu về vấn đề sạt lở đất trên địa bàn thị xã, thị trấn
(HGĐT)- Sau vụ sạt lở đất nghiêm trọng xảy ra tại khu vực Tổ 5, phường Nguyễn Trãi (thị xã Hà Giang), hồi đầu tháng 8 vừa qua, làm thiệt hại nặng một số nhà cửa của các hộ dân, thậm chí vùi lấp cả một ngôi nhà hai tầng kiên cố! May mà hôm đó đất sạt lở vào ban ngày nên không có thiệt hại về người, nhưng hậu quả của nó sẽ không dễ khắc phục trong thời gian ngắn, bởi có những gia đình bị đất vùi lấp hầu như không còn thứ tài sản gì! Trong quá trình xử lý hậu quả vụ lở đất này đã phát sinh nhiều vấn đề hết sức phức tạp về môi trường trên địa bàn thị xã.
Khi vụ việc xảy ra, nhiều người dân trong khu vực Tổ 5 và những vùng có đặc điểm tương tự trên địa bàn thị xã tỏ ra hoang mang, lo lắng về nạn sạt lở đất đang diễn ra ngày càng phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Điều đáng chú ý là, những năm về trước ở những nơi này cũng đã từng xảy ra sạt lở, gây nguy hiểm cho cuộc sống của dân cư gần đó. Một số hộ dân biết trước mối nguy hiểm nhưng không thể tự mình khắc phục được, đành phó mặc cho sự may rủi!
Trước thực trạng trên, chúng tôi xin đề xuất một số ý kiến về vấn đề khắc phục tình trạng sạt lở đất trên địa bàn thị xã, thị trấn và các vùng lân cận như sau:
Một là, bên cạnh việc khắc phục hậu quả của vụ sạt lở đất, chính quyền các cấp và các ngành của thị xã và của tỉnh cần có biện pháp vận động giúp đỡ những gia đình bị nạn sớm ổn định cuộc sống; đồng thời thực hiện ngay việc điều tra, khảo sát các vùng có nguy cơ sạt lở đất cao trên địa bàn thị xã, thị trấn... để tiến hành việc di dời dân khỏi các vùng nguy hiểm.
Hai là, ngành khoa học và công nghệ tỉnh cần có một dự án khoa học điều tra, nghiên cứu về vấn đề sạt lở đất trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ở khu vực thị xã và các thị trấn, để làm cơ sở cho việc phòng, chống những sự cố về sạt lở đất có thể xảy ra, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những hậu quả do chúng gây ra, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, giữ gìn môi trường đô thị sạch, đẹp, an toàn.
Ba là, hàng năm, vào các dịp Tết trồng cây cần tập trung ưu tiên trồng cây gây rừng ở những vùng có nguy cơ sạt lở đất cao để hạn chế sự xói mòn đất do mưa kéo dài với lượng mưa lớn thường xảy ra trong các mùa mưa lũ...
Ý kiến bạn đọc