Thực trạng giáo dục ở vùng sâu, vùng xa

08:20, 23/05/2007

Nếu tính riêng ở khu vực dân tộc thiểu số thì tỷ lệ trẻ em đến trường bậc tiểu học chỉ đạt khoảng 80% và bậc trung học cơ sở là 77%. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến trẻ em dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa không thích đến trường hoặc bỏ học giữa chừng?


Vì sao học sinh dân tộc bỏ học giữa chừng?

 

Nghiên cứu của Tổ chức cứu trợ trẻ em Anh vừa mới thực hiện tại Việt Nam cho thấy, tỷ lệ trẻ em đến trường ở bậc tiểu học gần như là phổ cập (đạt gần 95%). Tuy nhiên, nếu tính riêng ở khu vực dân tộc thiểu số thì tỷ lệ trẻ em đến trường bậc tiểu học chỉ đạt khoảng 80% và bậc trung học cơ sở là 77%. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến trẻ em dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa không thích đến trường hoặc bỏ học giữa chừng?


Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Đặng Huỳnh Mai, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em dân tộc không thích đi học hoặc đi học giữa chừng rồi bỏ là do nhiều gia đình quá nghèo, đông con và không có ý thức đưa con em mình đến trường. Tại các vùng dân tộc thiểu số, tỷ lệ trẻ em nữ đến trường ngày càng giảm. Nguyên nhân là do nhiều gia đình dân tộc còn quan điểm cổ hủ “trọng nam khinh nữ”, chỉ có con trai mới cần phải đi học còn con gái đến 13-14 tuổi nên đi lấy chồng. Do đó, nhiều em gái chỉ học hết cấp tiểu học là ở nhà và chuẩn bị xây dựng gia đình.


Về phía học sinh, nhiều em vì không có thời gian để làm bài tập về nhà cũng như không có ai giúp đỡ hiểu thêm bài khi cô giáo giao nên dẫn đến học lực của những em này thường rất kém và cuối cùng chán nản bỏ học luôn khi mới chỉ học hết đến lớp 6. Có những học sinh chỉ thích theo bố mẹ đi làm nương rẫy, không thích đến trường.


Bà Kiều Thị Bích Thuỷ, cán bộ nghiên cứu giáo dục dân tộc (Bộ Giáo dục-Đào tạo) cho biết: Hiện nay, các môn học trong trường đều được dạy bằng tiếng Việt, trong khi đó kỹ năng sử dụng tiếng Việt của học sinh dân tộc thiểu số còn rất kém. Việc chưa thông thạo tiếng Việt thể hiện qua cách các em không nghe kịp được các thày cô giảng hoặc nhiều em nghe nhưng không hiểu nghĩa của từ nên không nhớ được kiến thức cô giáo dạy mình. Bộ Giáo dục-Đào tạo phối hợp với Tổ chức cứu trợ trẻ em Anh vừa có cuộc điều tra về trình độ hiểu tiếng Việt ở các vùng sâu, vùng xa và nhận thấy: Nhiều học sinh dân tộc thiểu số học đến lớp 6 vẫn chưa đọc, viết được tiếng Việt. Tỷ lệ học sinh lớp 6 đọc chưa thông, viết chưa thạo tiếng Việt chiếm tới 30%. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới việc học sinh dân tộc thiểu số thường xuyên bỏ học.


Môi trường học tập tại trường chưa đủ hấp dẫn, thiếu các hoạt động ngoại khoá cộng thêm điều kiện vật chất khó khăn khiến học sinh dân tộc thiểu số phải sống trong điều kiện nội trú không đủ đảm bảo vệ sinh và độ an toàn. Điều này làm mất thời lượng học, giảm sự hứng thú khi đến trường ở trẻ em, khiến các em dễ dàng bỏ học ngay cả vì những lý do rất đơn giản như trường học cách xa nhà. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều trẻ em không đến trường hoặc không muốn đi học nữa.

 

Để đưa các em đến trường

 

Chất lượng và phương pháp giảng dạy của giáo viên vùng dân tộc thiểu số chưa đảm bảo cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều học sinhcó kết quả học tập kém. Nhiều giáo viên chưa có phương pháp dạy học để thu hút học sinh, sử dụng tiếng dân tộc chưa thành thạo. Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Bành Tiến Long, để giúp các em dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa đến trường nhiều hơn và không bỏ học giữa chừng thì giải pháp nâng cao chất lượng và phương pháp giảng dạy phải được đặt lên hàng đầu. Theo đó, Bộ Giáo dục-Đào tạo nên thường xuyên mở lớp bồi dưỡng phương pháp sư phạm cho giáo viên, gắn giảng giải và đàm thoại, sử dụng, khai thác đồ dùng dạy học trong giảng dạy, tổ chức các trò chơi gắn với từng tiết học và môn học, đưa ra các câu hỏi mở trong khi giảng bài. Việc đào tạo nhằm nâng cao trình độ học tiếng dân tộc cho giáo viên cũng cần được chú trọng.


Đối với chương trình dạy học song ngữ (tiếng Việt và tiếng dân tộc thiểu số) thì việc thiết lập chương trình, tài liệu giáo dục phù hợp cho từng cấp học và từng thứ tiếng dân tộc cũng cần được quan tâm. Xây dựng môi trường học tập thân thiện, an toàn với chỗ học, chỗ vui chơi khang trang, sạch đẹp, thoáng mát sẽ khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động học tập.


Bà Kiều Thị Bích Thuỷ, cán bộ nghiên cứu giáo dục dân tộc (Bộ Giáo dục-Đào tạo) cho rằng: Việc tuyên truyền viên để kêu gọi và hỗ trợ các gia đình dân tộc thiểu số đưa con em mình đến trường cũng là một giải pháp nhằm giúp cho trẻ em vùng sâu, vùng xa đến trường nhiều hơn và không bỏ học giữa chừng.

Việc huy động trẻ đến trường cũng như nâng cao chất lượng dạy và học cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn là một vấn đề mà ngành Giáo dục đang quan tâm. Thiết nghĩ, ngoài sự kết hợp chặt chẽ giữa địa phương-gia đình- nhà trường và học sinh đòi hỏi cần có sự đầu tư và hỗ trợ kinh phí từ Nhà nước cho những vùng đặc biệt này.


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Việc học tập đạo đức của Bác phải nghiêm túc ngay từ đầu
(HGĐT)- Tôi đã phải băn khoăn, cân nhắc rất kỹ trước khi đặt bút viết bài này, bởi chỉ sợ có người lại cho rằng, việc mà tôi đề cập dưới đây chỉ xảy ra trong một ngày chứ đâu phải thường xuyên mà viết lên báo! Nhưng cuối cùng tôi vẫn phải viết, dẫu biết rằng có thể sự việc dưới đây chỉ là trường hợp cá biệt (tôi rất mong như vậy). Trách nhiệm của một đảng viên, một công chức
14/05/2007
lộ trình học ielts 5.0