Tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành PHCN tại Việt Nam
Các số liệu thống kê tại Việt Nam phản ánh tình trạng thiếu hụt nhân lực trong ngành phục hồi chức năng, trong khi nhu cầu của bệnh nhân đối với lĩnh vực này đang tăng cao. Trước tình hình này, Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng MYREHAB MATSUOKA đã nỗ lực phối hợp với các đơn vị vì mục tiêu nâng cao chất lượng nhân lực của ngành phục hồi chức năng tại Việt Nam.
1. Nhu cầu phục hồi chức năng ngày càng cao
Theo đánh giá của Phó giáo sư Nguyễn Mạnh Khánh - Phó giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế và Thiết bị Việt Đức, phục hồi chức năng hiện nay được áp dụng rộng rãi, không chỉ đối với trường hợp sau phẫu thuật, mà còn có những nhóm đối tượng không phẫu thuật, đặc biệt là người bị tai biến mạch máu não do những di chứng như viêm dính khớp, chấn thương do chơi thể thao, lao động, sinh hoạt hàng ngày,...
Trước tình trạng số lượng bệnh nhân cần phục hồi chức năng ngày càng nhiều, nhu cầu về cán bộ chuyên môn trong lĩnh vực phục hồi chức năng như bác sĩ và kỹ thuật viên cũng tăng cao. Tuy nhiên, hiện nay nguồn nhân lực trong lĩnh vực này tại Việt Nam vẫn cần có sự bổ sung mới có thể đáp ứng nhu cầu trị liệu lớn.
Nhu cầu thực hiện phục hồi chức năng tại Việt Nam hiện đang tăng cao |
2. Thiếu hụt nguồn nhân lực ngành phục hồi chức năng
Hiện nay, Việt Nam đang ở trong tình trạng thiếu hụt nhân sự cho ngành phục hồi chức năng, khi số liệu vào năm 2023 cho thấy tỷ lệ chỉ có 0,25 nhân lực phục hồi chức năng/10.000 dân. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là 0,5 - 1 nhân lực phục hồi chức năng/10.000 dân.
Để đáp ứng được tỷ lệ nhân lực phục hồi chức năng trung bình theo khuyến cáo của WHO là 0,75/10.000 dân, Việt Nam hiện cần bổ sung khoảng 4.850 nhân lực có chuyên môn đối với lĩnh vực này.
Số lượng nhân lực cần bổ sung này nhiều gấp 2 lần so với lượng nhân lực hiện đã được cấp Chứng chỉ hành nghề, cho thấy nhu cầu lớn về lao động có chuyên môn trong lĩnh vực phục hồi chức năng. Thực tế cho thấy, nhiều cơ sở phục hồi chức năng trên cả nước hiện đang có nhu cầu bổ sung nhân sự, cụ thể là: bác sĩ phục hồi chức năng (85% số bệnh viện báo cáo có nhu cầu tuyển dụng), cử nhân kỹ thuật phục hồi chức năng (75%), kỹ thuật hoạt động trị liệu (65%),...
3. Tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành PHCN
Trước tình hình tăng cao về nhu cầu phục hồi chức năng và sự cấp bách đối với số lượng nhân lực của ngành, Bộ Y tế đã tiến hành ký Quyết định số 4039/QĐ về Kế hoạch Quốc gia về phát triển phục hồi chức năng Việt Nam.
Kế hoạch được ban hành đưa ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy công tác đào tạo nhân lực trong lĩnh vực phục hồi chức năng, với mục tiêu dự kiến: 100% các trường các trường đại học chuyên ngành Y có ngành phục hồi chức năng; 50% các trường cao đẳng, trung cấp y tế công lập có khoa, bộ môn hoặc có đào tạo về phục hồi chức năng; 100% các khoa hoặc bộ môn phục hồi chức năng có đào tạo các chức danh chuyên môn như Bác sĩ chuyên khoa phục hồi chức năng, cử nhân vật lý trị liệu, ngôn ngữ (âm ngữ) trị liệu, hoạt động trị liệu...
Đến những năm gần đây, cả nước hiện đang có 3 cơ sở là Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Dược Huế, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh chuyên đào tạo chức danh Bác sĩ chuyên khoa phục hồi chức năng, với số lượng khoảng 100 người/năm. Ngoài ra, trên cả nước hiện cũng có nhiều cơ sở đào tạo cử nhân kỹ thuật phục hồi chức năng với số lượng tuyển sinh khoảng 430 người/năm.
Để hỗ trợ công tác đào tạo, tăng cường số lượng và chất lượng nhân lực trong lĩnh vực phục hồi chức năng, Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng MYREHAB MATSUOKA đã phối hợp với Trường Cao đẳng Y tế & Thiết bị Việt Đức, tiến hành ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác vào ngày 02/12, phối hợp phát huy tiềm lực về cơ sở vật chất, con người và chuyên môn của các bên vì sự phát triển của nguồn nhân lực phục hồi chức năng tại Việt Nam.
Vừa qua vào ngày 24/04/2024, Trung tâm MYREHAB và Trường Cao đẳng Việt Đức cũng đã tổ chức sự kiện tham quan và kiến tập tại phòng khám dành cho sinh viên năm nhất. Các bạn sinh viên đã được tham quan mô hình trung tâm phục hồi chức năng toàn diện và phòng chụp với thiết bị đánh giá hình thái cột sống DIERS từ Đức, cùng các khu vực vật lý trị liệu, vận động trị liệu tại Trung tâm.
Sinh viên cũng được tham gia hướng dẫn kỹ thuật chuyên môn cùng kỹ thuật viên Nakazono Kenichi - Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng thuộc Tập đoàn Y tế EMS Nhật Bản, với các chủ đề co cơ đẳng trương, co cơ đẳng trường, co cơ tĩnh của chi trên; tham gia hướng dẫn kỹ thuật chuyên môn cùng kỹ thuật viên người Đức Apitzsch Simon về chủ đề co cơ đẳng trương, ly tâm, hướng tâm của chi dưới với các bệnh nhân bị chấn thương, huyết áp cao/thấp. Trung tâm MYREHAB MATSUOKA hy vọng có thể hỗ trợ các bạn sinh viên nâng cao kiến thức chuyên môn và giúp các bạn có định hướng về ngành học, tạo điều kiện cho con đường phát triển trong sự nghiệp trong tương lai.
Kỹ thuật viên Nakazono Kinichi đang hướng dẫn kỹ thuật chuyên môn cho các sinh viên tại Trường Cao đẳng Y tế & Thiết bị Việt Đức |
Trước tình trạng tăng cao nhu cầu thực hiện vật lý trị liệu và phục hồi chức năng, sự thiếu hụt nhân lực trong ngành đang là vấn đề được quan tâm. Vì mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành phục hồi chức năng Việt Nam, Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng MYREHAB MATSUOKA đã nỗ lực hợp tác cùng Trường Cao đẳng Y tế và Thiết bị Việt Đức, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động nâng cao kiến thức chuyên ngành bổ ích cho sinh viên.
Ý kiến bạn đọc