Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh
BHG - Sáng 10.10, Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang do đồng chí Lý Thị Lan, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang làm Trưởng đoàn cùng thành viên gồm các đồng chí: Phạm Thúy Chinh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội; Cháng A Dương, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Quốc hội; Vương Thị Hương, Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện Xín Mần đã có buổi giám sát với các sở, ngành về việc thực hiện chính sách, pháp luật giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2024. Tham dự có đồng chí Hoàng Văn Vịnh, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.
Đồng chí Lý Thị Lan, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang phát biểu tại buổi giám sát. |
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1 trường cao đẳng, 2 trường trung cấp, 1 trung tâm giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tư thục, 3 trung tâm GDNN – giáo dục thường xuyên có đăng ký hoạt động GDNN và 6 trung tâm GDNN – giáo dục thường xuyên tham gia đào tạo dưới 3 tháng với quy mô đào tạo GDNN bình quân trên 10.000 người/năm, tập trung chủ yếu trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng; các ngành nghề có nhiều học sinh, sinh viên theo học là ngành công nghệ ô tô, điện, may thời trang, lái xe ô tô các hạng B1, B2, C… Từ năm 2021 đến 6.2024, tỉnh triển khai công tác đào tạo theo các chương trình, đề án của T.Ư, của tỉnh được gần 45.700 người, đạt 118% kế hoạch; giải quyết việc làm cho 95.575 người lao động; cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì, mở rộng việc làm với số tiền trên 1.000 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt gần 400 tỷ đồng; dư nợ cho vay giải quyết việc làm đạt trên 854 tỷ đồng.
Đồng chí Hoàng Văn Vịnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh thảo luận tại buổi giám sát về nâng cao chất lượng nguồn lao động. |
Tại buổi giám sát, các đại biểu tập trung thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật GDNN và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh, như: Nâng cao chất lượng nguồn lao động; công tác thông tin, phổ biến, tuyên truyền, tư vấn GDNN, giải quyết việc làm; thực trạng cơ sở đào tạo nghề, GDNN; công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động đào tạo nghề, GDNN; thực hiện các chính sách của T.Ư, của tỉnh về hỗ trợ giải quyết việc làm; công tác phối hợp với các địa phương, đơn vị theo dõi, thống kê, thông tin về tình hình giải quyết việc làm và thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, tổ chức…
Phát biểu kết luận tại buổi giám sát, đồng chí Lý Thị Lan mong muốn các sở, ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về GDNN, việc làm; kết nối cung, cầu giúp người lao động thuận lợi trong tìm kiếm việc làm, học nghề; triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách của T.Ư, của tỉnh về hỗ trợ giải quyết việc làm và học nghề để người lao động tiếp cận, thụ hưởng; nâng cao chất lượng dự báo ngắn hạn, trung hạn, dài hạn về nhu cầu nhân lực, nhu cầu việc làm, nhu cầu đào tạo theo lĩnh vực, ngành nghề; xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa đào tạo nghề với doanh nghiệp, thị trường lao động; thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án, kế hoạch, các nguồn lực đầu tư phát triển KT – XH gắn với giải quyết việc làm cho người lao động; phát huy lợi thế vùng, miền đào tạo việc làm tại chỗ cho người lao động…
Tin, ảnh: Hoàng Tuyến
Ý kiến bạn đọc