Đại biểu Hoàng Ngọc Định thảo luận tại tổ về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam
BHG - Chiều 28.10, Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận tổ về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
Thảo luận tại tổ 6, gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Hà Giang, Bình Định, Sóc Trăng, Bạc Liêu. Đại biểu Hoàng Ngọc Định, Đoàn ĐBQH khoá XV đơn vị tỉnh Hà Giang có một số ý kiến tham gia, góp ý vào dự án Luật.
Đại biểu Hoàng Ngọc Định phát biểu thảo luận. Ảnh: CTV |
Liên quan đến quy định về tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan tại Điều 13 Luật Sĩ quan, đại biểu cho biết, Điều 13 Luật Sĩ quan quy định hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của sĩ quan (cấp úy 46; Thiếu tá 48; Trung tá 51; Thượng tá 54; Đại tá nam 57, nữ 55 và cấp tướng nam 60, nữ 55) là chưa tận dụng được nguồn nhân lực có bản lĩnh, năng lực, kinh nghiệm, sức khỏe; chưa bảo đảm chế độ, chính sách cho một bộ phận sĩ quan khi nghỉ hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.
Do vậy, việc dự thảo Luật lần này sửa đổi nâng hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm (cấp úy từ 46 lên 50 tuổi, Thiếu tá từ 48 lên 52 tuổi, Trung tá từ 51 lên 54 tuổi, Thượng tá từ 54 lên 56 tuổi, Đại tá nam từ 57 lên 58 tuổi, nữ từ 55 lên 58 tuổi; cấp tướng nam 60 giữ nguyên, nữ từ 55 lên 60 tuổi) là hoàn toàn phù hợp vừa để đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội, vừa là thể hiện chính sách ưu việt, làm cơ sở để thu hút, gìn giữ nguồn nhân lực phục vụ Quân đội.
Về quy định tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan Quân đội thấp hơn tuổi của người lao động theo quy định của Bộ luật Lao động và tuổi của sĩ quan Công an nhân dân theo Luật Công an nhân dân. Đại biểu Hoàng Ngọc Định cho rằng, quy định như dự thảo Luật là hoàn toàn phù hợp. Bởi tại Khoản 1 Điều 31 Luật Sĩ quan hiện hành quy định “tính chất, nhiệm vụ của Quân đội là ngành lao động đặc biệt”, sĩ quan quân đội phải thường xuyên trực tiếp chỉ huy, quản lý, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu trong điều kiện khó khăn, gian khó, các đơn vị đóng quân làm nhiệm vụ ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo... nếu tăng tuổi bằng tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường của Bộ luật Lao động hoặc bằng tuổi nghỉ hưu của sĩ quan Công an nhân dân sẽ không bảo đảm cho sĩ quan, nhất là sĩ quan ở các đơn vị đủ quân, sẵn sàng chiến đấu có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ; do cơ cấu tổ chức biên chế Quân đội hằng năm vẫn phải tuyển sinh quân sự để sắp xếp và trẻ hóa đội ngũ cán bộ cấp phân đội nên nếu tăng nhiều sẽ gây ùn tắc, dôi dư trong đội ngũ sĩ quan
Về chính sách nhà ở đối với sĩ quan tại ngũ, đại biểu cho biết Dự thảo Luật bổ sung cụm từ “chính sách về đất ở” vào trước cụm từ “phụ cấp nhà ở” tại khoản 7 Điều 31 đã bảo đảm chặt chẽ, đầy đủ nhằm thể hiện rõ hơn về chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho Quân đội và thống nhất với quy định tại điểm a khoản 3 Điều 124 Luật Đất đai năm 2024: “Giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trong các trường hợp sau đây: Giao đất ở cho cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan tại ngũ, quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng, công nhân và viên chức quốc phòng, sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an, người làm công tác cơ yếu và người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu hưởng lương từ ngân sách nhà nước mà chưa được giao đất ở, nhà ở”.
Duy Tuấn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc