Sửa đổi Luật Di sản Văn hóa, tạo hành lang pháp lý thuận lợi bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa
BHG - Đó là đánh giá của các ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang tại phiên thảo luận tổ về dự án Luật Di sản Văn hoá (sửa đổi) chiều 18.6 trong chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Phiên thảo luận tập trung cho ý kiến vào dự án Luật Di sản Văn hoá (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Tại tổ 6, Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang có 2 đại biểu tham gia thảo luận về dự thảo Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi).
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang, Lý Thị Lan thảo luận về dự án Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi). Ảnh: CTV |
Theo các đại biểu, sau hơn 20 năm Luật Di sản văn hóa năm 2001 được ban hành và hơn 10 năm được sửa đổi, bổ sung năm 2009, sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã và đang được Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm, ngày càng được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân ở khắp mọi miền đất nước. Nhờ đó, hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ngày càng hiệu quả, với những thành tựu đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tế đang diễn ra, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa cũng dần bộc lộ một số hạn chế, bất cập cả về nội dung và hình thức trong từng lĩnh vực cụ thể. Do đó, việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa là hết sức cần thiết để bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội, điều chỉnh, cụ thể hóa được những vấn đề còn vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Đại biểu Phạm Thúy Chinh, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang thảo luận về dự án Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi). Ảnh: CTV |
Đại biểu Đoàn Hà Giang cơ bản nhất trí với dự thảo Luật đang trình Quốc hội. Đồng thời góp ý: Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định 1 khoản riêng trong Điều 8 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động di sản văn hóa, cụ thể là: “Các hành vi khác gây thiệt hại, ảnh hưởng đến hoạt động di sản văn hóa”. Khoản này nhằm tránh các hành vi khác có thể xảy ra mà dự án Luật chưa quy định.
Theo các đại biểu, quy định Dự án đầu tư, xây dựng công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích có khả năng tác động tiêu cực đến di tích, cảnh quan văn hóa của di tích tại Khoản 2, Điều 28 dự thảo Luật đưa ra 4 trường hợp được xác định có khả năng tác động tiêu cực đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan văn hóa của di tích là chưa đầy đủ và khó thực hiện trong thực tiễn. Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm 1 điểm vào khoản 2, là: “e) Có nguy cơ che khuất tầm nhìn đối với di tích; nguy cơ sạt lở, sụt lún đất, công trình xây dựng trong di tích, danh lam thắng cảnh”.
Các đại biểu cũng góp ý vào một số nội dung quy định trong Điều 8 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động di sản văn hóa; về Quy định quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích tại Khoản 1 Điều 33; quy định người đại diện, tổ chức được giao quản lý, sử dụng di tích tại Khoản 3 Điều 31 và một số quy định tại Điều 19, Điều 39, Điều 47 của dự thảo.
Các đại biểu cũng cho rằng, hiện nay dự thảo Luật chưa có quy định hướng dẫn về sử dụng nguồn kinh phí công đức để thực hiện hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể). Đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, xem xét bổ sung quy định.
Duy Tuấn (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc