Hội nghị trực tuyến về công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024
BHG - Sáng 20.6, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc giữa Ban chỉ đạo (BCĐ) cấp Quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (Kỳ thi) với BCĐ thi các tỉnh, thành phố nhằm thống nhất chỉ đạo, phối hợp triển khai tổ chức Kỳ thi đảm an toàn, nghiêm túc, khách quan, chất lượng, hiệu quả. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Trưởng BCĐ cấp Quốc gia Phạm Ngọc Thưởng chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu của tỉnh có đồng chí Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ thi cấp tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành thành viên BCĐ, UBND các huyện, thành phố.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu của tỉnh. |
Kỳ thi năm nay diễn ra từ ngày 26 - 29.6; cả nước có 1.071.393 thí sinh đăng ký dự thi, tăng 47.330 thí sinh so với năm 2023; có 2.323 điểm thi với 45.149 phòng thi. Kỳ thi cơ bản giữ ổn định như giai đoạn 2020 - 2023; Bộ GD&ĐT chỉ đạo chung, các tỉnh, thành phố chủ trì toàn bộ công tác tổ chức thi tại địa phương. Đến nay, Bộ GD&ĐT đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức Kỳ thi; xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề thi; xây dựng các hệ thống phần mềm chấm thi trắc nghiệm, quản lý thi, hỗ trợ Hội đồng ra đề thi; tổ chức tập huấn về quy chế, nghiệp vụ tổ chức kỳ thi; tổ chức các đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại các địa phương. Qua kiểm tra cho thấy các địa phương đã chủ động chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng các điều kiện đảm bảo cho kỳ thì; có phương án chuẩn bị dự phòng cho các tình huống đột xuất có thể xảy ra và dành sự quan tâm cao nhất cho thí sinh.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đề xuất giải pháp liên quan đến công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho kỳ thi, xử lý các thông tin sai sự thật trên mạng xã hội; rà soát, phát hiện, xử lý các thiết bị công nghệ gian lận; có phương án hỗ trợ thí sinh đặc biệt, thí sinh vùng sâu, vùng xa, khó khăn, yếu thế; chủ động ứng phó với thiên tai bất thường xảy ra trong kỳ thi.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh: Đây là kỳ thi rất quan trọng, tác động xã hội lớn, quy mô toàn quốc, các ngành, địa phương cần chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực, phương án, chủ động tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, hiệu quả. Trong đó, BCĐ các địa phương quán triệt, thực hiện nghiêm túc, sâu sát các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong Chỉ thị về công tác tổ chức kỳ thi; tăng cường công tác truyền thông đúng, đủ, kịp thời; đảm bảo tuyệt đối an toàn về an ninh, an toàn thực phẩm, điện lưới, cháy nổ và tất cả các khâu trong kỳ thi; xử lý kịp thời vấn đề phát sinh, tình huống bất thường, có phương án dự phòng ứng phó với bất thường của thời tiết; tuyệt đối không để thí sinh mang điện thoại, thiết bị công nghệ vào phòng thi; tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thí sinh tham dự kỳ thi, không để thí sinh bỏ thi vì điều kiện khó khăn về kinh tế và đi lại; phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng, trách nhiệm cho từng cán bộ, giáo viên, nhân viên làm nhiệm vụ trong kỳ thi; kiểm tra toàn diện tất cả các khâu của kỳ thi; tổ chức thi nghiêm túc, đúng quy chế, đảm bảo thi thật, kết quả thật, chất lượng thật; thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo, trực thi.
Tin, ảnh: BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc