Dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang giai đoạn 1 được Chính phủ đề xuất bố trí thêm 3.500 tỷ đồng nâng cấp lên 4 làn xe hoàn chỉnh
BHG - Sáng 27.6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc sử dụng dự phòng chung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách T.Ư giai đoạn 2021-2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách T.Ư năm 2023 cho các dự án đầu tư công.
Trong phiên họp, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trình bày tờ trình của Chính phủ về việc sử dụng dự phòng chung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách T.Ư giai đoạn 2021-2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách T.Ư năm 2023 cho các dự án đầu tư công.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: CTV |
Bộ trưởng cho biết, nguyên tắc, tiêu chí phân bổ nguồn tăng thu ngân sách T.Ư năm 2023 tập trung chủ yếu cho các nhiệm vụ sau: Các dự án thuộc ngành quốc phòng, an ninh; các dự án giao thông quan trọng quốc gia, dự án xây dựng đường cao tốc trọng điểm, dự án giao thông giúp liên kết vùng, có tác động lan tỏa, giúp phát triển KT – XH của các địa phương; các dự án để thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp theo Nghị quyết của Bộ Chính trị.
Theo đó, tổng số 26.900 tỷ đồng sử dụng nguồn tăng thu ngân sách T.Ư năm 2023 dự kiến bố trí cho 20 dự án thuộc 4 ngành, lĩnh vực: Quốc phòng: 2.000 tỷ đồng; an ninh: 4.000 tỷ đồng; giao thông: 19.380 tỷ đồng; cải cách tư pháp: 1.520 tỷ đồng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình của Chính phủ. Ảnh: CTV |
Trong tổng số kinh phí bố trí trên, 8.680 tỷ đồng thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự kiến bố trí cho 6 dự án của Bộ Giao thông Vận tải đã được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, đảm bảo đầy đủ thủ tục đầu tư. Nội dung này đã được Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo thẩm quyền.
Còn lại 18.220 tỷ đồng thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, dự kiến bố trí cho 14 dự án (nếu tính 2 đoạn tuyến của Dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang giai đoạn 1 qua địa bàn tỉnh Hà Giang và địa bàn tỉnh Tuyên Quang là 2 dự án riêng lẻ thì tổng số là 15 dự án) cần phê duyệt chủ trương hoặc điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng quy mô; bổ sung hạn mức để đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả các dự án khởi công mới, dự án chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; dự án chưa cân đối đủ nguồn để phê duyệt chủ trương đầu tư. Các dự án này cần báo cáo Quốc hội để bổ sung hạn mức Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách T.Ư năm 2023. Trong đó, Dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang giai đoạn 1 được đề xuất bố trí thêm 3.500 tỷ đồng (đoạn tuyến qua tỉnh Hà Giang 1.500 tỷ đồng, đoạn tuyến qua tỉnh Tuyên Quang 2.000 tỷ đồng). Dự án cần điều chỉnh chủ trương đầu tư để mở rộng quy mô từ 2 làn xe lên 4 làn xe hoàn chỉnh.
Duy Tuấn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc