Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang tham gia thảo luận tổ về Dự án Luật PCCC và CNCH; dự án Luật Phòng không nhân dân
BHG - Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 19.6, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) và dự án Luật Phòng không nhân dân. Các đại biểu Đoàn ĐBQH khoá XV đơn vị tỉnh Hà Giang đã tham gia thảo luận vào các dự án Luật trên.
Tham gia thảo luận vào dự án Luật PCCC và CNCH, đại biểu Tráng A Dương bày tỏ sự đồng tình với dự thảo Luật trình tại kỳ họp. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo chỉnh sửa, bổ sung một số từ, cụm từ trong Điều 8 cho đảm bảo đúng tên gọi theo Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phù hợp với tên Điều 30 dự thảo Luật.
Đại biểu Tráng A Dương thảo luận. Ảnh: CTV |
Về quy định các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 11, đại biểu Tráng A Dương đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định thành 1 khoản trong điều cho đầy đủ và dễ thực hiện. Đối với quy định về nguồn nước, chất chữa cháy Khoản 1 Điều 26, Ban soạn thảo xem xét bổ sung cụm từ “vật liệu” vào trước cụm từ “chữa cháy” cho đầy đủ.
Về quy định ngân sách đầu tư cho hoạt động PCCC và CNCH tại Điều 55, theo đại biểu Tráng A Dương, Ban soạn thảo cần quy định rõ ràng cho việc các đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước sử dụng nguồn ngân sách như thế nào để phục vụ hoạt động PCCC và CNCH.
Cũng tham gia vào dự án Luật PCCC và CNCH, đại biểu Hoàng Ngọc Định đề nghị tại Điều 9 dự thảo Luật cần có quy định các bộ, ngành theo chức năng xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC và CNCH để tổ chức, cá nhân biết và dễ thực hiện.
Liên quan đến quy định chỉ có phương tiện của cơ quan Công an tham gia chữa cháy, CNCH được sử dụng còi, đèn, cờ ưu tiên, tín hiệu đặc biệt khác và được ưu tiên đi trên đường giao thông (quy định tại Điều 39 dự thảo Luật). Đại biểu cho biết các lực lượng, phương tiện khác của tổ chức, cá nhân khi cùng tham gia thực hiện chữa cháy, CNCH thì sao? Trong khi đó yêu cầu chữa cháy, CNCH phải nhanh chóng, kịp thời. Do vậy đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần nghiên cứu, bảo đảm quy định của Luật phải bao quát hết các lực lượng, phương tiện của các bộ, ngành, tổ chức, cá nhân và phù hợp với thực tiễn, thống nhất với pháp luật có liên quan.
Đại biểu Hoàng Ngọc Định thảo luận. Ảnh: CTV |
Tại điểm a khoản 1 Điều 38 về trách nhiệm CNCH: đại biểu Hoàng Ngọc Định đề nghị bổ bổ sung cụm từ “cơ quan chức năng và” vào trước cụm từ “lực lượng PCCC và CNCH”. Đại biểu cho biết, hiện nay hệ thống tổ chức phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã được thành lập từ trung ương đến cơ sở, là cơ quan trực tiếp chỉ đạo, điều hành cao nhất ở các cấp về phòng ngừa, ứng phó các loại hình sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trong đó có PCCC và CNCH (lực lượng PCCC và CNCH phải chịu sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự địa phương); do đó, người phát hiện sự cố, tai nạn chỉ thông báo riêng cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH là không đúng với quy định của Luật Phòng thủ dân sự, mà đồng thời phải thông báo ngay cho Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tại cơ sở, địa phương và lực lượng PCCC và CNCH.
Xuất phát từ lý do trên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung nội dung người phát hiện sự cố, tai nạn có thể thông báo đến số điện thoại 112 để đảm bảo thống nhất với quy định tại Luật Phòng thủ dân sự, Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật này ...
Tham gia vào dự án Luật Phòng không nhân dân, đại biểu Hoàng Ngọc Định cho biết việc xây dựng, ban hành Luật Phòng không nhân dân là rất cần thiết, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quân sự, quốc phòng, có ý nghĩa thiết thực bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Góp ý vào dự thảo Luật này, trong quy định trọng điểm phòng không nhân dân tại Điểm b khoản 2 Điều 6, đại biểu đề nghị chỉnh sửa nội dung thành “Các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện) có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh của quốc gia...” cho khoa học và dễ thực hiện.
Về hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 7, Dự thảo Luật quy định 7 hành vi bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, nhằm tránh các hành vi khác (ngoài các hành vi trong dự thảo Luật quy định hiện nay) có thể xảy ra mà dự thảo Luật chưa quy định được cụ thể, đại biểu đề nghị bổ sung quy định thành 1 khoản trong điều, cụ thể: “Các hành vi khác theo quy định của pháp luật”.
Ngoài ra, đại biểu Hoàng Ngọc Định tham gia ý kiến liên quan đến quy định về trách nhiệm của Bộ Quốc phòng tại Khoản 9 Điều 45 và trách nhiệm của Bộ Công thương tại Khoản 2 Điều 48.
Duy Tuấn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc