Đại biểu Tráng A Dương, Đoàn ĐBQH Hà Giang: “Bổ sung quy định cụ thể về chính sách bảo vệ di sản của đồng bào dân tộc thiểu số”
BHG - Sáng 26.6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội họp tập trung tại Hội trường thảo luận về dự án Luật Di sản Văn hoá (sửa đổi). Tham gia thảo luận, đại biểu Tráng A Dương, Đoàn ĐBQH khóa XV, đơn vị tỉnh Hà Giang đã đề xuất một số nội dung vào dự thảo Luật này.
Đại biểu Tráng A Dương phát biểu thảo luận. Ảnh: CTV |
Góp ý về chính sách của Nhà nước đối với di sản, đại biểu Tráng A Dương cho biết tại khoản 5 Điều 6; khoản 4 Điều 7; khoản 1,2,3,4,5 Điều 18 của dự thảo luật quy định nội dung chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu mang tính định hướng chính sách. Việc quy định như vậy sẽ rất khó khi triển khai trong thực tiễn. Vì vậy đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể, rõ ràng hơn các nội dung chính sách, cũng như cách thức tổ chức thực hiện liên quan đến quản lý, bảo vệ di sản của đồng bào dân tộc thiểu số trong dự thảo luật.
Tại Điều 8 dự thảo luật quy định 13 hành vi nghiêm cấm, đại biểu cho rằng, bên cạnh các hành vi cấm được quy định tại dự thảo luật, có thể còn có các hành vi khác mà dự thảo luật chưa quy định. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm một quy định tại Điều 8: “Các hành vi khác gây thiệt hại ảnh hưởng đến hoạt động di sản văn hóa”.
Tại Điều 28 của dự thảo luật, đại biểu đề nghị xem xét bổ sung quy định khoảng cách tối thiểu của các công trình xây dựng có khả năng ảnh hưởng đến di tích để có cơ sở thẩm định, đánh giá các hoạt động công trình xây dựng.
Đại biểu cũng cho biết dự thảo Luật cũng quy định đầy đủ công việc quản lý bảo vệ khu vực 1 và 2 của di tích (tại các Điều 25, 26, 27, 28, 29), tuy nhiên thực tiễn cho thấy hiện nay có khá nhiều di tích có giáp ranh giữa các địa phương với nhau. Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần bổ sung quy định quản lý đối với các di tích nằm giáp ranh giới giữa hai địa phương…
Về Khoản 1 Điều 33 của dự thảo luật, đại biểu Tráng A Dương cho rằng việc lập quy hoạch lâm nghiệp được quy định tại Luật Lâm nghiệp, trong đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia. Việc chỉ lập một quy hoạch di tích có thể sẽ khó thể hiện được đầy đủ các yêu cầu của quy hoạch ngành. Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan thống nhất việc chỉ lập một quy hoạch di tích đối với trường hợp di tích có khu vực bảo vệ là một phần hoặc toàn bộ diện tích của khu du lịch quốc gia, rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển để đảm bảo tính thống nhất với Luật Lâm nghiệp, Luật Quy hoạch và pháp luật liên quan.
Duy Tuấn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc