Phiên họp lần thứ 9 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải
BHG - Sáng 16.2, Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải tổ chức Phiên họp lần thứ 9 trực tuyến với 46 tỉnh, thành phố trong cả nước để đánh giá tiến độ triển khai các công trình, dự án và triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm ngay từ ngày đầu, tháng đầu năm 2024. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp. Tham dự phiên họp có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; lãnh đạo các bộ, ngành thành viên Ban chỉ đạo.
Phiên họp được tổ chức trực tuyến tới 46 tỉnh, thành phố |
Chủ trì tại điểm cầu tỉnh Hà Giang có đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Tham dự có đồng chí Hà Thị Minh Hạnh, Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông; đại diện các nhà thầu thực hiện Dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang đoạn qua tỉnh Hà Giang.
Hiện nay, cả nước có 34 dự án lớn, 86 dự án thành phần quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải tại 46 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư. Trong đó có 5 dự án đường sắt, 2 dự án cảng hàng không, còn lại là các dự án đường bộ, chủ yếu là đường bộ cao tốc và các đường vành đai vùng Thủ đô Hà Nội, đường vành đai Thành phố Hồ Chí Minh. Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quyết liệt vào cuộc, xử lý nhanh, hiệu quả các công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Các địa phương đã nâng cao trách nhiệm, nỗ lực, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ được giao, từng bước nâng cao năng lực quản lý, tổ chức thực hiện. Các nhà thầu xây dựng đã quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ quyết tâm vượt nắng, thắng mưa; làm việc 3 ca, 4 kíp; quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật và tiến độ đã đề ra. Hàng nghìn công nhân, kỹ sư đã miệt mài làm việc xuyên Tết, hi sinh niềm vui riêng của cá nhân, tạm gác lại sự đoàn tụ gia đình trong những ngày Xuân để làm việc với tinh thần vì sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, một số công trình, dự án có tiến độ triển khai chậm do thủ tục đầu tư kéo dài; giải phóng mặt bằng chậm; chưa chủ động nguyên vật liệu do vướng mắc quy định…
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn chủ trì tại điểm cầu tỉnh |
Phát biểu thảo luận tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn thông tin tiến độ hiện tại Dự án Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang giai đoạn 1, đoạn qua tỉnh Hà Giang đã cơ bản hoàn thành xong công tác giải phóng mặt bằng quy mô 4 làn xe và đang tập trung vào thi công. Trong quá trình thi công dù gặp thời tiết bất lợi nhưng tỉnh đã chỉ đạo sát sao, khắc phục khó khăn. Hiện khối lượng hoàn thành trên 1.600 tỷ đồng. Trên cơ sở mặt bằng đã giải phóng xong và cơ bản đã thông tuyến, tỉnh Hà Giang đã đề nghị Thủ tướng cho chủ trương đầu tư lên thành 4 làn xe hoàn chỉnh. Tỉnh đã chủ động tính toán dự kiến tổng kinh phí đầu tư cao tốc thành 4 làn xe khoảng 5.073 tỷ. Trong đó T.Ư đã bố trí 1.154 tỷ đồng. Tỉnh đề nghị T.Ư tiếp tục hỗ trợ, bố trí thêm kinh phí. Hà Giang cam kết sẽ hoàn thành tuyến đường vượt tiến độ.
Chủ tịch UBND tỉnh đề xuất Thủ tướng chấp thuận chủ trương cho đầu tư giai đoạn 2 đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang lên tới Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy; hiện tỉnh đã chủ động bước nghiên cứu tiền khả thi, dự kiến trong tháng 6 tới sẽ hoàn thành hồ sơ trình Thủ tướng và các bộ, ngành; tỉnh cam kết thực hiện phần đền bù, giải phóng mặt bằng. Riêng nguồn lực đầu tư mong T.Ư quan tâm, hỗ trợ để tháo gỡ thế độc đạo của tuyến quốc lộ 2 hiện nay, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và hoạt động logistic, kinh tế biên mậu hoàn chỉnh. Đối với tiến độ thi công giai đoạn 1 cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, tỉnh thường xuyên chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu thi công thực hiện đúng phương châm chỉ đạo của Thủ tướng "vượt nắng, thắng mưa, ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", thực hiện "3 ca, 4 kíp" để thực hiện vượt tiến độ.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Đảng, Nhà nước xác định tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược, nhất là đột phá về hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông là lựa chọn đúng đắn, sáng suốt. Vì vậy các Bộ, ngành, địa phương và các nhà thầu tập trung tháo gỡ khó khăn, tăng cường phối hợp chặt chẽ, không được né tránh, sợ trách nhiệm, tiếp tục "vượt nắng, thắng mưa, làm việc 3 ca, 4 kíp", đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật và tiến độ đã đề ra. Làm việc phải xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó. Đặc biệt, quan tâm tạo sinh kế và hạ tầng xã hội các khu tái định cư, chăm lo đời sống của các hộ dân phải hiến đất, di chuyển với mục tiêu nơi ở mới phải bằng và tốt hơn nơi ở cũ. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát, đề cao trách nhiệm, ngăn ngừa có hiệu quả việc tiêu cực, tham nhũng, tham ô, sợ trách nhiệm. Tăng cường công tác kiểm tra các tổ chức, cá nhân khai thác mỏ vật liệu xây dựng có hành vi găm hàng, đội giá, gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Các Bộ, ngành, địa phương ban hành hướng dẫn, cơ sở pháp lý, bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm. Chủ động, tích cực, theo chức năng nhiệm vụ của mình để thúc đẩy động lực tăng trưởng, việc tập trung giải ngân đầu tư công, với các dự án giao thông được đưa vào khai thác sẽ góp phần giảm chi phí logistic cho doanh nghiệp, tạo không gian phát triển mới, nhất là phát triển công nghiệp, các khu đô thị, dịch vụ…
Đối với những đề xuất của tỉnh Hà Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhất trí nâng giai đoạn 1 lên 4 làn xe và chấp thuận chủ trương đầu tư giai đoạn 2 lên tới Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy. Thủ tướng yêu cầu tỉnh chủ động thực hiện các thủ tục, hồ sơ; nghiên cứu thiết kế giai đoạn 2 cao tốc lên tới Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy không đi theo đường cũ để tạo ra không gian phát triển mới, giảm ảnh hưởng tới người dân và giảm chi phí giải phóng mặt bằng...
Tin, ảnh: Lương Hà
Ý kiến bạn đọc