Đoàn ĐBQH khoá XV đơn vị tỉnh Hà Giang thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)
BHG - Chiều 2.11, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV chia tổ thảo luận về Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Đồng chí Lý Thị Lan, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang chủ trì buổi thảo luận tại tổ 6 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Sóc Trăng, Hà Giang, Đồng Nai. Tham gia thảo luận, các ĐBQH tỉnh Hà Giang góp ý nhiều nội dung quan trọng.
Đồng chí Lý Thị Lan, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang chủ trì buổi thảo luận. Ảnh: CTV |
Đại biểu Tráng A Dương phát biểu ý kiến tham gia Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Ảnh: CTV |
Đại biểu Tráng A Dương cho rằng, tại khoản 5, Điều 7 quy định: “Khuyến khích các địa phương tùy theo điều kiện KT – XH, khả năng cân đối ngân sách, kết hợp huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ thêm tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện và hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội”. Quy định này không chặt chẽ và chưa khả thi; bởi, một số địa phương sẽ khó và không bố trí ngân sách đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện và người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Đại biểu đề nghị, cơ quan soạn thảo xem xét và sửa đổi theo hướng: “Chính phủ giao cho các địa phương bố trí ngân sách hàng năm, kết hợp huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ thêm kinh phí đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện và hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội”.
Đại biểu Vương Thị Hương thảo luận. Ảnh: CTV |
Xoay quanh nội dung BHXH một lần, tại điểm đ khoản 1 Điều 70, đại biểu Tráng A Dương cho rằng: 2 phương án đưa ra trong Dự thảo Luật đều có ưu, nhược điểm nhất định. Song, đại biểu đồng tình với phương án 1 là giữ quy định hiện hành đối với người lao động có thời gian đóng BHXH trước ngày Luật này có hiệu lực để bảo đảm tối ưu quyền lợi của người lao động khi tham gia BHXH.
Tham gia ý kiến về quy định đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và tự nguyện, đại biểu Vương Thị Hương cho rằng, trong Điều 3 Dự thảo Luật, tại khoản h và quy định đối tượng tham gia BHXH bắt buộc bao gồm người quản lý doanh nghiệp. Đại biểu đề nghị bổ sung giải thích từ ngữ đối với thuật ngữ “Người quản lý doanh nghiệp” áp dụng trong phạm vi luật này. Đối với hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 8 Dự thảo Luật “Chiếm dụng tiền hưởng BHXH”, theo đại biểu Vương Thị Hương, thực tế có tình trạng các đơn vị sử dụng lao động dù đã trích trừ tiền đóng của người lao động hàng tháng cùng với kỳ trả lương, nhưng lại chậm đóng khoản BHXH, BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế cho người lao động. Do đó, bên cạnh việc cấm “Chiếm dụng tiền hưởng BHXH” cần quy định cấm đối với hành vi chiếm dụng tiền đóng BHXH để làm cơ sở quy định và xử lý vi phạm đối với hành vi này. Trên cơ sở đó, đề nghị sửa khoản 1, Điều 8 theo hướng giữ nguyên như khoản 3 Điều 17, Luật BHXH 2014, cụ thể: Cấm “Chiếm dụng tiền đóng, hưởng BHXH, BHXH tự nguyện”.
Về xử lý vi phạm chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc tại Điều 37 Dự thảo Luật, đại biểu Vương Thị Hương đề nghị bỏ quy định tại khoản 4 Điều 37 về quy định khởi kiện để tăng tính răn đe, bảo vệ quyền lợi của người lao động nếu đơn vị sử dụng lao động vi phạm nghĩa vụ, trách nhiệm đối với Nhà nước về đóng BHXH thì tùy theo mức độ (hành vi chậm, trốn đóng) như quy định tại Điều 36 Dự thảo Luật mà xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự. Cùng với đó, liên quan đến các công ty, doanh nghiệp trốn đóng BHXH, đại biểu đề nghị cần có quy định chế độ công khai rộng rãi thông tin, tình hình nợ, số nợ, thời gian nợ, trốn đóng BHXH bắt buộc để người lao động theo dõi, có thêm thông tin trong việc lựa chọn tham gia thị trường lao động.
Đại biểu Hoàng Ngọc Định tham gia thảo luận. Ảnh: CTV |
Tại Điều 16 về quyền hạn của cơ quan BHXH có quyền: “Từ chối yêu cầu trả BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế không đúng quy định của pháp luật”, quy định tại khoản 1 Điều 16, đại biểu Vương Thị Hương đề nghị Dự thảo Luật cần quy định rõ ràng, cụ thể những trường hợp nào không đúng quy định của pháp luật và có quyền từ chối để tránh tùy tiện, lạm quyền, vi phạm quyền trong quá trình giải quyết chế độ hưởng BHXH.
Tham gia ý kiến về quy định rút BHXH một lần, đại biểu Hoàng Ngọc Định đề xuất lựa chọn phương án 1 và đề nghị điều chỉnh thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm xuống chưa đủ 15 năm để phù hợp với quy định về điều kiện thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí. Về chi phí quản lý BHXH, đại biểu đề xuất lựa chọn Phương án 1 vì sẽ bảo đảm phản ánh đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan BHXH. Về chế độ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH liên quan đến cách tính bình quân tiền lương để tính hưởng các chế độ BHXH, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu quy định người sử dụng lao động đóng bổ sung thêm cho đối tượng quy định tại điểm d khoản 1 Điều 3 mà bắt đầu tham gia BHXH thuộc đối tượng quy định tại điểm d, đ, e khoản 1 Điều 72 và điểm e khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 31, khoản 2 Điều 33 cho thời gian trước đó, đến trước ngày Luật này có hiệu lực.
Đại biểu Phạm Thúy Chinh thảo luận. Ảnh: CTV |
Đối với quy định chế độ trợ cấp mai táng tại điểm a khoản 1 Điều 83, đại biểu Hoàng Ngọc Định đề nghị nghiên cứu quy định cho đối tượng đang tham gia BHXH (không bắt buộc phải tham gia BHXH đủ 12 tháng) không may bị chết thì thân nhân được hưởng chính sách này (kế thừa Luật BHXH năm 2006). Vì sẽ bảo đảm tính nhân văn của chính sách BHXH, nguyên tắc đóng - hưởng và có sự chia sẻ; tạo động lực, khuyến khích người lao động tích cực tham gia vào thị trường lao động, đóng và bảo lưu thời gian đóng BHXH.
Đại biểu Phạm Thuý Chinh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội, Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang thảo luận liên quan đến nội dung đầu tư Quỹ BHXH. Theo đó, Dự thảo Luật thiết kế có 3 điều, từ Điều 119 đến Điều 121, trong đó, 2 điều giao cho Chính phủ quy định là chưa thoả đáng. Đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến tham gia của Bộ Tư Pháp, cơ quan BHXH để hoàn thiện dự thảo Luật. Đại biểu đề nghị, Dự thảo Luật cần bổ sung thêm nội dung đánh giá chính sách hiện đại hoá quản lý BHXH, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý để thấy được nguồn lực đầu tư cho BHXH đã được sử dụng hiệu quả và đem lại kết quả khi xây dựng chính sách này trong Luật BHXH 2014 hay chưa.
Ngoài ra, đại biểu Phạm Thuý Chinh tham gia ý kiến về quyền và trách nhiệm của tổ chức công đoàn, Mặt trận Tổ quốc và đề nghị xem xét lại quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Hội đồng quản lý Bảo hiểm trong Dự thảo Luật để tránh tổ chức này chỉ mang tính hình thức mà không đem lại hiệu quả như mong muốn.
PHẠM HOAN (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc