Sơ kết 6 tháng đầu năm về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ
BHG - Chiều 12.7, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính Phủ, Chủ tịch Ủy ban Chuyển đổi số (CĐS) Quốc gia chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác CĐS quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ 6 tháng đầu năm; triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023. Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư. Dự tại điểm cầu của tỉnh có các đồng chí: Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban điều hành CĐS, Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 06 tỉnh; Hoàng Gia Long, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành.
Trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã quyết tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện thể chế số nhằm tạo lập hành lang pháp lý giúp kiến tạo sự phát triển trên không gian số, giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn CĐS, giải quyết các “điểm nghẽn” nhằm thúc đẩy CĐS nhanh tại Việt Nam. Qua đó, xuất hiện nhiều điểm sáng, mô hình hay; ước tính sơ bộ, tỷ trọng kinh tế số/GDP trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 14,96%.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn chủ trì hội nghị tại điểm cầu của tỉnh. |
Về triển khai Đề án 06 của Chính phủ, tính đến hết ngày 30.6.2023, đã có 96 bộ, ngành, địa phương hoàn thành kết nối và đồng bộ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức. Bên cạnh đó, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia có chuyển biến rõ rệt. Lũy kế đến nay, cổng có hơn 7,77 triệu tài khoản, tăng hơn 3,8 lần so với cùng kỳ năm trước; hơn 212 triệu hồ sơ đồng bộ; hơn 17,49 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích và gần hơn 11 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 6.000 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm trước…
Đối với tỉnh ta, tiếp tục triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, thúc đẩy CĐS trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; triển khai hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hình thành dữ liệu số, hướng tới kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, xây dựng một số mô hình, cách làm mới về CĐS như: Thanh toán không dùng tiền mặt, triển khai chợ 4.0, đăng ký tài khoản trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, tổ chức các cuộc thi trực tuyến...
Các đại biểu tại điểm cầu của tỉnh nghe ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. |
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: CĐS là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan và được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng, Nhà nước. Thủ tướng cho rằng, đây là công việc mới, khó, nhạy cảm; mục đích cuối cùng của CĐS là phục vụ con người, trên tinh thần lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực, nguồn lực phát triển. Thời gian qua, nhiệm vụ này được triển khai bài bản, tích cực, đúng hướng, đúng trọng tâm, trọng điểm; đặc biệt là việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đạt kết quả tương đối tốt so với nhiều nước, với quan điểm dữ liệu là quan trọng và cấp bách. Thủ tướng đề nghị, các bộ, ngành, địa phương cần có sự quyết tâm, tích cực, chủ động vượt qua “điểm nghẽn” CĐS và tư duy bảo thủ, tạo đột phá để góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thúc đẩy tăng trưởng tốt hơn. Nâng cao nhận thức của các cấp, ngành; thực hiện CĐS có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên nguồn lực thực hiện; trong đó, tập trung phát triển cơ sở dữ liệu; đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến; phát triển các nền tảng số; đảm bảo an ninh mạng và an toàn thông tin. Để thực hiện các nhiệm vụ đó cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo để có sự thống nhất; có chính sách, thể chế để phát triển.
Thủ tướng đề nghị việc xây dựng cơ sở dữ liệu phải bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”; đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Huy động nguồn lực, sự tham gia của toàn xã hội với phương châm “làm đến đâu chắc đến đó”, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Hình thành trung tâm dữ liệu quốc gia cần có tính liên kết, liên thông, chia sẻ. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu; đi đôi với kiểm tra, giám sát và phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi. Tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách CĐS sao cho gọn, rõ, dễ làm, dễ giám sát, dễ kiểm tra. Nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, chuyển từ thụ động sang chủ động để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đối với Đề án 06, Thủ tướng nhấn mạnh: Đây là nhiệm vụ quan trọng, cần huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Cần lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể. Đẩy mạnh triển khai một số cơ chế thí điểm để triển khai nhân rộng. Phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Cần bắt đầu bằng hành động, mục tiêu cụ thể; làm việc nào dứt việc đó; tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động…
Tin, ảnh: Kim Tiến
Ý kiến bạn đọc