Sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới, giai đoạn 2021 – 2025
BHG - Sáng 17.7, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến tới các tỉnh, thành phố sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 – 2025. Đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT dự và chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Hoàng Gia Long, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Gia Long cùng các đại biểu dự tại điểm cầu tỉnh |
Qua 3 năm, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Trưởng BCĐ Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ T.Ư đến địa phương, đặc biệt là sự đồng tình, hưởng ứng và tham gia tích cực của mọi tầng lớp Nhân dân, Chương trình xây dựng NTM đã đạt được những kết quả quan trọng: Huy động trên 1,7 triệu tỷ đồng thực hiện chương trình; hạ tầng KT - XH tiếp tục được đầu tư cải tạo, nâng cấp và làm mới; nhiều mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả được nhân rộng; thu nhập bình quân đầu người năm 2023 khoảng 46,3 triệu đồng/người/năm (tăng 4,6 triệu đồng so với năm 2020); tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn năm 2022 còn khoảng 5,4%, giảm 1,7% so với năm 2020; giá trị gia tăng toàn ngành nông nghiệp tăng 3,36%; môi trường nông thôn được cải thiện theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp; hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; an toàn, an ninh, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn luôn được ổn định.
Đến nay cả nước có 6.022/8.177 xã (73,65%) đạt chuẩn NTM (tăng 11,3% so với cuối năm 2020). Bình quân cả nước đạt 16,9 tiêu chí/xã. Có 263 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM, tăng 90 đơn vị so cuối năm 2020 (chiếm khoảng 40,8% tổng số đơn vị cấp huyện cả nước). Có 19 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư có 100% số xã đạt chuẩn NTM (tăng 7 địa phương so với cuối năm 2020). Cả nước đã có 63/63 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đến nay có 9.852 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 66,9% sản phẩm 3 sao; 32,2% sản phẩm 4 sao; 0,6% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 42 sản phẩm 5 sao (Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận).
Đối với tỉnh ta, tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 48/175 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 27%), trong đó có 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao,1 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, 88 thôn được công nhận thôn đạt chuẩn NTM; còn 123 xã đạt dưới 15 tiêu chí. Kết quả một số nội dung thành phần quan trọng như: Có 57/175 xã đạt tiêu chí giao thông; 148/175 xã đạt tiêu chí thủy lợi và phòng, chống thiên tai; 39/175 xã đạt tiêu chí thu nhập; 28/175 xã đạt tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo đa chiều; 108/175 xã đạt tiêu chí nhà ở dân cư…
Một số khó khăn, hạn chế trong xây dựng NTM được chỉ ra như: Hệ thống văn bản pháp lý, văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình ở cấp T.Ư chậm được ban hành; nhiều địa phương còn lúng túng, chậm ban hành các văn bản cụ thể hóa Bộ tiêu chí Quốc gia về NTM giai đoạn 2021 - 2025 theo phân cấp; chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh chưa rõ nét…
Mục tiêu xây dựng NTM đến năm 2025, cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM; trong đó, khoảng 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và không còn xã dưới 15 tiêu chí. Có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn NTM, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; có từ 17 - 19 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; phấn đấu 60% số thôn thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn NTM; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020...
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Để thực hiện xây dựng NTM hiệu quả phải kích hoạt được sự tham gia của cộng đồng, khiến xây dựng NTM trở thành niềm tự hào của cộng đồng. Muốn làm được điều này cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ và cư dân nông thôn về chương trình. Tăng cường phân cấp, trao quyền chủ động hơn nữa cho địa phương, cộng đồng và người dân quyết định; lựa chọn những nhiệm vụ cấp thiết để ưu tiên thực hiện, theo hướng đi vào thực chất, đảm bảo hiệu quả và bền vững, nâng cao hơn nữa chất lượng đời sống của người dân nông thôn. Nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức bộ máy thực hiện đồng bộ, thống nhất từ T.Ư đến địa phương. Huy động và phát huy hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ thực hiện xây dựng NTM…
Tin, ảnh; Duy Tuấn
Ý kiến bạn đọc