Cung cấp luận cứ khoa học trong hoạch định chiến lược phát triển Hà Giang - Kỳ đầu: Đột phá nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn
BHG - Năm 2017, Hội đồng Lý luận (HĐLL) tỉnh Hà Giang ra đời, trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước thành lập mô hình này. Sau hơn 5 năm đi vào hoạt động, HĐLL tỉnh đã chứng minh cách làm sáng tạo, hiệu quả trong công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn. Trên cơ sở đó, cung cấp những luận cứ khoa học, hàm lượng chất xám cao trong việc hoạch định chiến lược phát triển của tỉnh.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Cơ quan Thường trực HĐLL tỉnh xây dựng dự thảo các văn bản phục vụ công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn. |
Ngày 7.11.2017, BTV Tỉnh ủy ban hành Quyết định 1077 về việc thành lập HĐLL tỉnh, đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của đội ngũ lý luận ở địa phương. Từ chủ trương đúng, trúng của cấp ủy tỉnh đã tạo tiền đề để HĐLL tỉnh phát huy vai trò quan trọng trong công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, cung cấp các luận cứ khoa học phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị trên địa bàn tỉnh.
HĐLL tỉnh được tổ chức theo mô hình hội đồng để họp bàn và quyết định những vấn đề chung. Mô hình này vừa mềm mại, cơ động khi dễ dàng điều chỉnh giảm hoặc bổ sung thành viên vừa mang tính ổn định, lâu dài, có chọn lọc, kế thừa. Cơ cấu tổ chức của HĐLL tỉnh gồm: 5 đồng chí Thường trực HĐLL tỉnh, 3 Tiểu ban (Chính trị, Kinh tế, Văn hóa – Xã hội) với 30 thành viên và Tổ thư ký gồm 7 đồng chí. Trong đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy là Chủ tịch HĐLL tỉnh; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy là cơ quan Thường trực. HĐLL tỉnh hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, có chức năng: Tham mưu, tư vấn cho BCH, BTV, Thường trực Tỉnh ủy trong công tác lý luận phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh; nghiên cứu những đề tài, đề án do BTV, Thường trực Tỉnh ủy giao hoặc chấp thuận trên cơ sở đề xuất của HĐLL tỉnh. Thẩm tra những vấn đề mà các cấp, ngành trình BCH, BTV, Thường trực Tỉnh ủy có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của HĐLL tỉnh. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất những luận cứ về lý luận đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Đặc biệt, ngày 11.11.2019, HĐLL tỉnh Hà Giang và HĐLL T.Ư đã ký kết chương trình hợp tác nghiên cứu lý luận, trao đổi thông tin, tư vấn chủ trương trong lãnh đạo xây dựng hệ thống chính trị và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Trên cơ sở đó, hàng năm, HĐLL T.Ư tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm hoạt động, phương pháp nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn với HĐLL tỉnh; tư vấn, định hướng cho HĐLL tỉnh những vấn đề lý luận cần tập trung nghiên cứu; định hướng xây dựng, triển khai các đề tài, nhiệm vụ mang tính lý luận về quan điểm, chủ trương, cơ chế phát triển tỉnh Hà Giang; cung cấp những luận cứ đấu tranh, phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, luận điểm xuyên tạc của thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Qua đó, góp phần quan trọng giúp HĐLL tỉnh nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu, tham mưu, tư vấn cho Tỉnh ủy về tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học trong việc triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Tỉnh ủy trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; cung cấp luận chứng khoa học góp phần phục vụ công tác lãnh đạo của Tỉnh ủy.
Kết quả nổi bật từ công tác phối hợp trên có thể thấy, HĐLL tỉnh đã tham mưu, cung cấp luận cứ khoa học cho cấp ủy tỉnh, góp phần tổ chức thành công Hội thảo khoa học: Hà Giang 130 năm thành lập tỉnh (20.8.1891 – 20.8.2021), 30 năm tái lập tỉnh (1.10.1991 – 1.10.2021), 60 năm thực hiện Tám lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Hà Giang (26.3.1961 – 26.3.2021). Qua đó, đánh giá tiềm năng, thế mạnh, thành tựu trên các chặng đường bảo vệ Tổ quốc, phát triển KT-XH của tỉnh trong tiến trình 130 năm hình thành và phát triển; khẳng định giá trị lý luận, thực tiễn của Tám lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Hà Giang. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tạo khí thế cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đẩy mạnh thi đua yêu nước, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, xây dựng tỉnh Hà Giang phát triển nhanh và bền vững.
Thực tế cho thấy, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cấp ủy tỉnh đã ban hành gần 30 nghị quyết chuyên đề cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 và từ tình hình thực tiễn địa phương để ban hành các nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện; trong đó, có vai trò đóng góp quan trọng của HĐLL tỉnh đối với việc khảo sát, tổng kết thực tiễn. Theo đánh giá của cấp ủy tỉnh, nội dung khảo sát, tổng kết thực tiễn được HĐLL tỉnh nghiên cứu công phu, thực hiện bài bản, khoa học, kịp thời đưa ra các giải pháp triển khai thực hiện sát với tình hình thực tế địa phương. Điển hình như: Khảo sát thực tiễn, xây dựng báo cáo tổng kết thành lý luận về hiệu quả công tác bố trí 100% Bí thư Đảng ủy cấp xã không phải là người địa phương để đề ra giải pháp duy trì ổn định qua các nhiệm kỳ kế tiếp, góp phần thực hiện thành công mục tiêu Nghị quyết 21, ngày 16.12.2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp, giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, rà soát cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ được luân chuyển, những người chịu trách nhiệm thực hiện công tác luân chuyển cán bộ để tiếp tục luân chuyển cán bộ các cấp chủ động và hiệu quả; xây dựng kế hoạch sử dụng cán bộ sau luân chuyển, theo quy hoạch cán bộ và thực hiện chế độ khen thưởng, kỷ luật trong công tác luân chuyển cán bộ. Hay báo cáo tổng kết thành lý luận về kết quả, rút ra bài học kinh nghiệm trong thực hiện Nghị quyết 04, 05 ngày 1.12.2020 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững cây cam Sành; cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030...
Đánh giá về mô hình HĐLL tỉnh Hà Giang, PGS.TS Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch HĐLL T.Ư khẳng định: Đây là cách làm sáng tạo của lãnh đạo địa phương trong việc tổ chức mô hình hội đồng để đưa ra những tư vấn quan trọng cho sự phát triển của tỉnh; đồng thời, cũng là một trong số rất ít bộ, ngành, địa phương thực hiện mô hình này. Hiện nay, ngoài HĐLL T.Ư thì cả nước mới có HĐLL Bộ Công an, Công an Thành phố Hà Nội và HĐLL tỉnh Hà Giang. Việc thành lập 1 cơ quan nghiên cứu ở địa phương cho thấy sự trưởng thành của đội ngũ lý luận ở tỉnh. Trên cơ sở những tổng kết về mặt thực tiễn và nghiên cứu lý luận, HĐLL tỉnh sẽ trực tiếp giúp cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết những vấn đề nổi cộm, điểm nghẽn, vướng trong việc xác định chủ trương, chính sách phát triển. Từ đó, không chỉ giải quyết những việc trực tiếp tại chỗ mà còn đưa ra những quyết định đúng đắn, lâu dài để có sự phát triển khoa học, bền vững...
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG
Kỳ cuối: Dấu ấn từ quyết sách đúng
Ý kiến bạn đọc