Hội thảo tư vấn, phản biện tham gia, góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai và Luật Viễn thông
BHG-Sáng 16.5, Đoàn ĐBQH tỉnh phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổ chức Hội thảo tư vấn, phản biện tham gia góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai và Luật Viễn thông (sửa đổi). Đồng chí Lý Thị Lan, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Trưởng đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang chủ trì hội nghị. Cùng dự hội thảo có lãnh đạo các các sở, ngành của tỉnh.
Đồng chí Lý Thị Lan phát biểu tại hội thảo |
Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2014. Đây là một trong những đạo luật quan trọng, thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội; tạo thành một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật khá hoàn chỉnh, thể hiện những quan điểm đổi mới của Đảng; nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất được bảo đảm và phát huy. Chính sách, pháp luật đất đai đã tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ; tăng đáng kể nguồn thu cho ngân sách, đóng góp tích cực cho việc phát triển KT-XH, quốc phòng, an ninh của đất nước. Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Nguồn lực về đất đai vẫn chưa khai thác đầy đủ thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển KT-XH của đất nước. Vẫn còn nhiều kẽ hở để một số địa phương lợi dụng biến đất công thành đất tư, chuyển nhượng trái pháp luật…
Lãnh đạo sở Xây dựng đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Đất đai |
Luật Viễn thông (sửa đổi) được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 23.11.2009 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2010. Luật đã tác động trực tiếp, tích cực đến sự phát triển nhanh, bền vững hạ tầng và dịch vụ viễn thông; đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của phát triển KT-XH. Đến nay, hạ tầng viễn thông được mở rộng, hiện đại và phát triển mạnh, đã có hơn 1 triệu km cáp quang đã được triển khai đến tận thôn, bản của tất cả các tỉnh/thành phố trên cả nước, sóng di động 3G/4G đã phủ tới 99% dân số… Tuy nhiên, đến nay, sau 12 năm áp dụng, Luật Viễn thông đã bộc lộ một số điểm không còn phù hợp cần được điều chỉnh để giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành cũng như đáp ứng xu thế phát triển mới. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Đất đai và Luật Viễn thông là cần thiết.
Lãnh đạo Sở thông tin đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Viễn thông |
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, tham gia, góp ý đối với Luật Đất đai và Luật Viễn thông. Cụ thể, đối với Luật Đất đai, cần điều chỉnh 21 nội dung, trong đó có các nội dung về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; phân loại đất; về thẩm quyền thu hồi đất (Điều 79); về hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất (Điều 104); Quy định về cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất (Điều 134)… Đối với Luật Viễn thông, cần chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung chưa phù hợp, như: Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật (Điều 3); Về quản lý dịch vụ ứng dụng Internet trong viễn thông (Điều 25); Quy định về quỹ dịch vụ viễn thông công ích (Điều 34); Về thẩm quyền cấp giấy phép viễn thông (Điều 35)…
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Lý Thị Lan, Phó Trưởng đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang ghi nhận những ý kiến đóng góp của đại biểu các sở, ngành vào Dự thảo 2 luật. Đồng chí đề nghị nghiên cứu sâu hơn nữa về một số nội dung: Quan tâm dịch vụ viễn thông công ích, phủ sóng cho vùng sâu vùng xa, vùng lõm về viễn thông của tỉnh; các vấn đề bất cập về đất đai trong quá trình quản lý, triển khai thực hiện... Các ý kiến sẽ được đồng chí tiếp thu để đưa ra tại kỳ họp sắp tới.
Tin, ảnh: MY LY
Ý kiến bạn đọc