Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ
BHG - Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là một khâu rất quan trọng trong công tác cán bộ, giúp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Trong tác phẩm Những nhiệm vụ bức thiết của phong trào chúng ta V.I.Lênin viết: “Trong lịch sử, chưa hề có một giai cấp nào giành được quyền thống trị nếu nó không đào tạo ra được trong hàng ngũ của mình những lãnh tụ chính trị, những đại biểu tiên phong có khả năng tổ chức và lãnh đạo phong trào”. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, Người coi việc “học để làm việc, làm người, làm cán bộ, học để phục đảng, giai cấp và nhân dân, tổ quốc và nhân loại”. Những năm qua các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Hà Giang đã nhận thức đầy đủ hơn về vị trí, vai trò của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và đã có nhiều cố gắng trong công tác đào tạo để nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Những kết quả nổi bật về đào tạo, bồi dưỡng trong thời gian qua
Hội nghị trực tuyến đánh giá công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ năm 2022, do Ban Tổ chức Tỉnh ủy tổ chức |
Trên phương diện nghiên cứu, tham mưu, năm 2022, Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu cho BTV Tỉnh ủy ban hành Đề án số 07 - ĐA/TU, ngày 25.2.2022 về đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cấp ủy viên và cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Đề ra các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cấp ủy viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong tình hình mới; Đề án số 18-ĐA/TU về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế theo Nghị quyết 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 của BCH Trung ương khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ với mục tiêu: đến năm 2025 có trên 15% cán bộ lãnh đạo quản lý trẻ dưới 45 tuổi có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; đến năm 2030 có từ 30% đến 35% đội ngũ cán bộ trẻ dưới 45 tuổi có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; Ban hành Quy định số 11-QĐ/TU ngày 17/3/2023 về đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo lý luận chính trị trong hệ thống chính trị tỉnh Hà Giang, cụ thể, đồng bộ, xác định rõ đối tượng, tiêu chuẩn đào tạo lý luận chính trị ở từng cấp; tăng cường phân cấp, phân quyền trong công tác này; khắc phục những hạn chế, bất cập trong quản lý, tổ chức đào tạo và đề cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương, góp phần nâng cao chất lượng, đưa công tác đào tạo lý luận chính trị vào nền nếp, kỷ cương theo đúng quy định của Trung ương.
Với sự nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, công tác đào tạo cao cấp lý luận chính trị cơ bản đạt kết quả tốt. Tính riêng năm 2022, tỉnh đã cử đi học hệ tập trung là 58 đồng chí; hệ không tập trung là 85 học viên, duy trì 1 lớp đào tạo từ năm 2021 chuyển sang là 59 học viên, cử đi hoàn chỉnh kiến thức cao cấp lý luận là 11 học viên. Công tác đào tạo về chuyên môn trong năm và các năm chuyển tiếp cho 680 lượt cán bộ, gồm 6 tiến sĩ, 145 thạc sĩ, 447 đại học, 82 cao đẳng. Công tác đào tạo trung cấp lý luận chính trị đã đảm bảo nghiêm túc trong triển khai thực hiện các nội dung, chương trình, tổ chức giảng dạy và quản lý học viên. Kết quả đã mở và duy trì 5 lớp hệ tập trung với 255 học viên, hệ không tập trung 11 lớp với 825 học viên. Công tác tổ chức, quản lý học tập từng bước đi vào nền nếp và đúng quy định có nhiều thuận lợi và cơ bản đạt kết quả tốt.
Về bồi dưỡng cán bộ, từ năm 2022 đến nay, thực hiện kế hoạch của Trung ương tỉnh cử đi bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho các đồng chí Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng khóa XIII là 1 đồng chí; bồi dưỡng Quốc phòng – an ninh cho đối tượng 1 là 5 đồng chí, đối tượng 2 là 26 đồng chí. Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức dành cho chức danh năm 2022 đối với 27 đồng chí. Bồi dưỡng theo kế hoạch của tỉnh đã tổ chức 2 lớp nghiệp vụ công tác tổ chức xây dựng Đảng cho 83 đồng chí; Bồi dưỡng kỹ năng hội nhập Quốc tế cho 500 đồng chí; Bồi dưỡng ngoại ngữ tiếng Anh giao tiếp theo Nghị quyết số 26-NQ/TW cho 60 đồng chí; Bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tuyên giáo cấp ủy cấp huyện 3 đồng chí. Nghiên cứu, trao đổi chuyên đề theo Kế hoạch Hợp tác đào tạo cán bộ giữa 2 Đảng (Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc) 1 đồng chí tham gia. Bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho 1.265 lượt (gồm lãnh đạo cấp sở, cấp phòng, cấp huyện, xã); bồi dưỡng quản lý nhà nước cho 684 lượt (gồm chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính, chuyên viên, cán sự); bồi dưỡng đối với đại biểu HĐND tỉnh 57 lượt cán bộ; bồi dưỡng quốc phòng – an ninh cho đối tượng 3, đối tượng 4 cho 710 lượt cán bộ; bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ kỹ năng chuyên ngành, vị trí việc làm cho hơn 12 nghìn lượt cán bộ…
Hà Giang đã tham gia Hội thảo quốc gia về “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế” tại Hà Nội. Qua đó, góp phần làm sáng tỏ các khái niệm và các nội dung trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19.5.2018 của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Hội thảo về thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong điều kiện tỉnh miền núi, biên giới; phấn đấu xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Từ đó, góp phần để hiểu rõ hơn về quan điểm của Bác về chính sách dân tộc phải được bắt đầu từ công tác cán bộ, muốn phát triển đội ngũ cán bộ, đặc biệt cán bộ là người dân tộc thiểu số trong điều kiện miền núi, biên giới phải quan tâm đến đào tạo, bồi dưỡng; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong tham mưu xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Có thể khẳng định, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được quan tâm, chỉ đạo, từ đó tạo nhiều chuyển biến tích cực về nội dung và phương pháp tổ chức thực hiện. Các cấp ủy địa phương đã tập trung xây dựng và tổ chức nhiều chương trình đào tạo, bồi dưỡng gắn với bồi dưỡng chức danh, nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng. Hoạt động kiểm tra, giám sát được chú trọng. Việc quán triệt, cụ thể hóa các văn bản mới của Trung ương, của tỉnh được tiến hành khẩn trương, nghiêm túc.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm chưa tập trung thống nhất giữa khối đảng, đoàn thể chính trị xã hội và khối chính quyền và một số ban ngành còn có kế hoạch riêng do vậy việc đào tạo bồi dưỡng đôi khi còn chồng chéo thời gian, học viên, kiến thức và vẫn còn một số cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đúng, đủ về công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị đối với cán bộ. Việc khảo sát, nắm nhu cầu đào tạo có lúc, có nơi chưa sát tình hình thực tế, chưa bám sát quy định, hướng dẫn về đối tượng, tiêu chuẩn để đăng ký nhu cầu đào tạo, gây khó khăn trong việc xây dựng kế hoạch của từng năm.
Nhiệm vụ thời gian tới
Để đáp ứng tốt yêu cầu của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong tình hình mới, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, trường chính trị cần lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Cần thống nhất xây dựng quy định của tỉnh về quản lý công tác đào tạo bồi dưỡng; thực hiện nghiêm, nhất quán nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ gắn với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; quy định rõ sự phối hợp trong các cơ quan tham mưu, thực hiện trong đào tạo, bồi dưỡng, trú trọng việc xây dựng các thỏa thuận hợp tác trong đào tạo, bồi dưỡng và tập huấn ở nước ngoài.
Phải coi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trực tiếp là của các cấp uỷ, tổ chức đảng mà trước hết là người đứng đầu và nòng cốt là cơ quan tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ.
Cán bộ (nhất là diện quy hoạch, đương nhiệm lãnh đạo, quản lý) phải có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc theo quy định khi được cử đi đào tạo, bồi dưỡng và đào tạo, bồi dưỡng khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.
Rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ: nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định về chế độ, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh bảo đảm kịp thời, đầy đủ, đúng quy định và thống nhất, đồng bộ trên toàn hệ thống chính trị trong tỉnh.
Chú trọng đổi mới mạnh mẽ nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng. Làm tốt việc bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới đối với các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý; bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát tốt việc thực hiện các quy định, quy chế; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Triển khai thực hiện công tác kiểm tra, giám sát các bộ, ngành, địa phương về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo quy định.
Nguyễn Văn Tuệ (Phó trưởng ban TT Ban Tổ chức Tỉnh ủy)
Ý kiến bạn đọc