Phiên họp thứ 3 Ban Chỉ đạo T.Ư các chương trình mục tiêu quốc gia
BHG - Sáng 24.2, Ban Chỉ đạo T.Ư các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021 – 2025 tổ chức phiên họp thứ 3, trực tuyến với các tỉnh, thành phố về kết quả thực hiện các chương trình MTQG năm 2022 và 2 tháng đầu năm 2023; triển khai nhiệm vụ năm 2023. Đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư các chương trình MTQG giai đoạn 2021 – 2025 chủ trì phiên họp. Dự có lãnh đạo một số bộ, ngành T.Ư. Dự tại điểm cầu của tỉnh có đồng chí Hà Thị Minh Hạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành.
Các đại biểu tại điểm cầu của tỉnh nghe phát biểu của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang. |
Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phân bổ trên 34 nghìn tỷ đồng kế hoạch vốn ngân sách nhà nước thực hiện 3 chương trình MTQG cho các địa phương; có 55/63 địa phương đã bố trí vốn ngân sách địa phương khoảng trên 15 nghìn tỷ đồng để thực hiện các chương trình MTQG. Năm 2023, có 42/48 địa phương được phân bổ ngân sách T.Ư khoảng 18 nghìn tỷ đồng; có 25 địa phương bố trí khoảng trên 5 nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương để thực hiện các chương trình MTQG. Kết quả giải ngân vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách T.Ư đến ngày 31.1.2023 được trên 9 nghìn tỷ đồng, đạt 37,73% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Về giải ngân vốn ngân sách địa phương đến hết tháng 12.2022 đạt khoảng 92,9% kế hoạch. Ước đến 28.2.2023, có 17 địa phương giải ngân được khoảng trên 545 tỷ đồng kế hoạch vốn ngân sách nhà nước T.Ư năm 2023 thực hiện 3 chương trình MTQG. Tuy nhiên, cả 3 chương trình MTQG đều gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Thị Minh Hạnh chủ trì tại điểm cầu của tỉnh. |
Đối với tỉnh Hà Giang, sau khi Quốc hội ban hành các nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh đã tập trung xây dựng, trình HĐND tỉnh ban hành 14 nghị quyết, ban hành theo thẩm quyền 19 quyết định và nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện 3 chương trình MTQG. Tuy nhiên, nguồn ngân sách địa phương của tỉnh bổ sung thêm ngoài tỷ lệ đối ứng chung của từng chương trình còn rất khó khăn. Một số dự án, tiểu dự án của chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa có hướng dẫn của các bộ, ngành nên ảnh hưởng đến tiến độ phân bổ và giải ngân các nguồn vốn.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị các bộ, ngành T.Ư tập trung hoàn thiện các văn bản, hướng dẫn để quản lý, tổ chức triển khai thực hiện các chương trình MTQG; nghiên cứu trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định còn chưa rõ hoặc để phù hợp với thực tiễn triển khai tại các địa phương; ban hành, sửa đổi các văn bản còn thiếu, chưa cụ thể hoặc chưa đồng bộ giữa các văn bản. Các thành viên Ban chỉ đạo T.Ư tập trung chỉ đạo xây dựng, tổ chức kiểm tra, giám sát việc quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG năm 2023. Các tỉnh, thành phố tập trung ban hành các quy định quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG và thực hiện theo đúng quy định của Chính phủ. Tăng cường chỉ đạo, điều hành của Ban chỉ đạo các cấp; chủ động thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch năm 2022 chuyển nguồn sang năm 2023; chỉ đạo khẩn trương hoàn thành các thủ tục phê duyệt dự án đầu tư; dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất; nghiên cứu, rà soát các dự án thuộc chương trình MTQG để hạn chế tối đa việc đầu tư dàn trải, manh mún. Ủy ban MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội các cấp đẩy mạnh tuyên truyền; phối hợp triển khai hiệu quả các phong trào, cuộc vận động thực hiện xây dựng Nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển KT – XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; thực hiện giám sát, phản biện xã hội đối với quá trình triển khai thực hiện các chương trình MTQG ở các cấp theo quy định…
Tin, ảnh: Kim Tiến
Ý kiến bạn đọc