Bác Hồ với những mùa Xuân của Đảng và dân tộc
BHG - Một trăm năm trước (tháng 6.1923), Nguyễn Ái Quốc quyết định rời Pháp, với tư duy trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh, tổ chức, đoàn kết, huấn luyện quần chúng và lãnh đạo quần chúng nhân dân đấu tranh giành tự do, độc lập. Đó là một quyết định sáng suốt thể hiện tầm nhìn của Nguyễn Ái Quốc, một chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi đầy nhiệt huyết và khát vọng muốn đưa ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin về nước rọi chiếu con đường đi của dân tộc đến bến bờ hạnh phúc.
Cuộc hành trình của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh 46 năm tiếp theo đầy gian nan, thử thách, gian khổ, buồn vui lẫn lộn nhưng luôn in đậm những dấu ấn gắn kết với mùa Xuân – điểm khởi đầu của khát vọng vươn lên. Mùa Xuân 1924 (Giáp Tý) Người ở Mátxcơva. Mùa Xuân 1925 (Ất Sửu), 1926 (Bính Dần), 1927 (Đinh Mão) Người ở Quảng Châu, Trung Quốc. Mùa Xuân 1928 Người ở Béclin. Mùa Xuân 1929 Người được “ăn” một cái Tết ấm cúng, chan hòa tình nghĩa đồng bào với kiều bào ta trên đất Xiêm.
Những ngày đầu Xuân Canh Ngọ 1930, trên đất Cửu Long (Hồng Kông, Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc chủ trì hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành một Đảng duy nhất - Đảng Cộng sản Việt Nam. Mùa Xuân năm 1930, Nguyễn Ái Quốc trở lại Trung Quốc, với tư cách là đại diện Quốc tế Cộng sản chủ trì thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hương Cảng (Trung Quốc). Trong không khí của mùa Xuân Canh Ngọ (1930), Người đã “đãi” một bữa cơm Tết Nguyên đán vừa tiết kiệm vừa linh đình để chúc mừng Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Đây là một trong những mùa Xuân hạnh phúc nhất của Bác, đi vào lịch sử của dân tộc. Đảng ta ra đời vào mùa Xuân để rồi 15 năm sau và mãi mãi với thời gian, Đảng đem lại những mùa Xuân tươi đẹp, hạnh phúc cho dân tộc.
Tết độc lập đầu tiên của nước Việt Nam mới, Mùng Một Tết Bính Tuất (ngày 02/02/1946), báo Cứu quốc đăng Thư Chúc mừng năm mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh:“Trong năm Bính Tuất mới/ Muôn việc đều tiến tới/ Kiến quốc chóng thành công/ Kháng chiến mau thắng lợi”. Vậy là sau 23 năm rời nước Pháp, chia tay những người bạn trong Hội Liên hiệp thuộc địa và báo Người cùng khổ để về nước tổ chức nhân dân đấu tranh giành tự do độc lập, chúng ta mới có được một cái Tết thật của dân ta: Tết Tự do, Tết Dân chủ, Tết Cộng hòa. Đây lại là một trong những cái Tết vui nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1930 Đảng ra đời vào mùa Xuân, để 15 năm sau Đảng lại mang mùa Xuân về cho dân tộc. Dẫu đường còn dài và lắm chông gai, nhưng mùa Xuân mới với cây Dân chủ - Độc lập - Tự do chắc chắn sẽ đâm hoa kết trái hạnh phúc.
Bác Hồ trồng cây tại Ba Vì (Hà Tây) mùng 1 Tết Kỷ Dậu 1969. |
23 năm sau, mùa Xuân năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh cảm nhận được sự toàn thắng đi tới một mùa Xuân sum họp Bắc - Nam. Mười ngày trước sự chuyển giao giữa năm cũ Mậu Thân (1968) với năm mới Kỷ Dậu (1969), mặc dù sức khỏe giảm sút nhiều, nhưng Người vẫn đọc lời chúc mừng năm mới vào máy ghi âm để phát vào đêm giao thừa. Đêm 15 tháng 02 năm 1969 (đêm 30 Tết), đồng bào cả nước xúc động được nghe Thư chúc Tết của Bác Hồ trong đó có sáu câu thơ:
Năm qua thắng lợi vẻ vang,
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to.
Vì độc lập, vì tự do,
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào.
Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào,
Bắc - Nam sum họp, Xuân nào vui hơn!
6 năm sau, lời tiên đoán của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành hiện thực. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của toàn quân, toàn dân ta bắt đầu từ mùa Xuân Ất Mão năm 1975, chỉ mấy tháng sau giành được thắng lợi hoàn toàn, Tổ quốc thống nhất, giang sơn thu về một mối. Đúng như Bác dự báo: Bắc - Nam sum họp, Xuân nào vui hơn!
Một thế kỷ qua từ Thư gửi các bạn cùng hoạt động ở Pháp của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta lại đón Tết, vui Xuân Qúy Mão 2023 khi Đại hội XIII đã đi được nửa chặng đường với nhiều thành tựu to lớn, đáng tự hào. Bằng trí tuệ, bản lĩnh và khát vọng của cả dân tộc, chúng ta có niềm tin chắc chắn để đi tiếp chặng đường còn lại của Đại hội XIII, hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vì một nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc, sải bước cùng thời đại, sánh vai với các cường quốc năm châu, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc ta.
Đặng Công Thành (Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng)
Ý kiến bạn đọc