Hội nghị thúc đẩy phát triển chăn nuôi trong tình hình mới
BHG - Sáng 23.12, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND tỉnh tổ chức Hội nghị thúc đẩy phát triển chăn nuôi trong tình hình mới. Dự hội nghị có các đồng chí: Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT; Hoàng Gia Long, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, đại diện một số tổ chức quốc tế, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Chăn nuôi và thú y các tỉnh, thành phố trong cả nước và các doanh nghiệp…
Quang cảnh hội nghị |
Theo báo cáo, những năm qua, ngành chăn nuôi nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương. Tính đến tháng 11, ngành chăn nuôi phát triển ổn định với đàn lợn khoảng 28,8 triệu con, tăng 12,4%; đàn gia cầm 523,6 triệu con, tăng 5,4%; đàn bò 6,42 triệu con, tăng 3,5%; đàn trâu 2,25 triệu con. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2022 ước đạt 7,0 triệu tấn, sản lượng trứng ước dạt trên 18,4 tỷ quả và trên 1,1 triệu tấn sữa. Giá trị sản xuất chăn nuôi ước tính tăng 5 – 5,5%. Tỷ trọng ngành chăn chiếm 25,2% cơ cấu ngành nông nghiệp; giá trị chăn nuôi đạt trên 22 tỷ USD và chiếm khoảng 6,08% GDP Việt Nam năm 2021. Tốc độ phát triển của ngành chăn nuôi tương đối nhanh, giai đoạn 2010 – 2021, sản lượng thịt các loại tăng 1,7 lần, trứng tăng 2,7 lần, sữa tươi tăng 4 lần, thức ăn chăn nuôi công nghiệp tăng hơn 2 lần, đáp ứng nhu cầu của gần 100 triệu dân và đóng góp lớn cho xuất khẩu…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Gia Long phát biểu tại hội nghị |
Tuy nhiên ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy do lạm phát, xung đột chính trị trên thế giới. Giá nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi tăng cao. Giá sản phẩm chăn nuôi và xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi thấp. Chăn nuôi nông hộ lớn, chiếm 55% đầu con và 40% sản phẩm. Dich bệnh, giết mổ, chế biến có tỷ lệ công nghiếp hóa thấp…
Tại Hà Giang, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2022 ước đạt 5,04%, đóng góp 28,97% vào cơ cấu kinh tế GRDP của tỉnh. Đối với lĩnh vực chăn nuôi, đến nay tổng đàn gia súc đạt trên 1 triệu con, gia cầm trên 6,27 triệu con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước cả năm 2022 đạt 58.789,7 tấn. Đàn ong 63.824 tổ, sản lượng mật ong đạt 438,9 tấn. Tỷ trọng ngành chăn nuôi trong ngành nông nghiệp năm 2022 ước đạt 32%. Tổng giá trị chăn nuôi thu được năm 2022 ước đạt trên 4.000 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 49 sản phẩm từ chăn nuôi được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao trở lên.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu kết luận hội nghị |
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Gia Long khẳng định: Phát triển chăn nuôi trong tình hình mới là vấn đề rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người dân trong sản xuất nông nghiệp. Ngành chăn nuôi không chỉ đáp ứng nhu cầu thực phẩm, tạo thu nhập mà còn là nét văn hóa riêng đối với đồng bào các dân tộc. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Gia Long nhấn mạnh: Phát triển nông lâm nghiệp nói chúng, chăn nuôi nói riêng luôn là lĩnh vực rất khó khăn và có những rủi ro nhất định. Vì vậy ngoài nỗ lực của địa phương và sự đồng thuận của người dân rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Rất mong Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng các đơn vị khoa học T.Ư hỗ trợ để lĩnh vực chăn nuôi của Hà Giang nói riêng, cả nước nói chung phát triển thuận lợi, hiệu quả và bền vững.
Tại hội nghị, đại diện Cục thú y và Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản đã báo cáo khái quát tình hình, kết quả công tác phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi và chế biến, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, diễn biến thị trường; đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ và Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố đã thảo luận, phân tích thêm những khó khăn và đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị các đơn vị trực thuộc Bộ và các doanh nghiệp tập trung nghiên cứu phát triển các giống vật nuôi năng suất chất lượng cao; quan tâm bảo tồn, phát huy nguồn gen giống vật nuôi bản địa. Chủ động trong nghiên cứu, sản xuất thức ăn dinh dưỡng phục vụ chăn nuôi. Định hình lại hoạt động chế biến sản phẩm từ chăn nuôi, biết phát huy lợi thế và có tầm nhìn quốc tế. Quan tâm đầu tư trang thiết bị, chuồng trại chăn nuôi, đảm bảo môi trường. Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong chăn nuôi theo hướng bám sát thực tiễn, phục vụ thực tiễn công nghệ. Tạo ra sức lan tỏa trong triển khai các dự án khuyến nông.
Đối với các địa phương, xác định rõ quan điểm nông nghiệp là trụ đỡ nền kinh tế, giải quyết đồng bộ các khó khăn, vướng mắc. Phát huy hệ sinh thái sản xuất nông nghiệp từ doanh nghiệp, HTX, trang trại, gia trại đến từng hộ chăn nuôi; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất. Tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, thu hút, điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi, xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng dư địa phát triển lĩnh vực chăn nuôi còn rất lớn. Tin tưởng càng khó khăn, ngành chăn nuôi càng sáng tạo và phát triển mạnh mẽ.
Tin, ảnh: Duy Tuấn
Ý kiến bạn đọc