Tấm lòng của Hồ Chủ tịch đối với thương binh, gia đình liệt sỹ
BHG - Với hai mươi bốn năm trên cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm lo cho các đối tượng chính sách. Lời nói, việc làm của Người đều thấm đẫm tư tưởng nhân văn, thể hiện sâu sắc đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”, làm cho toàn xã hội có nhận thức sâu sắc, đời đời ghi nhớ công ơn của các thế hệ đã đóng góp, hy sinh mồ hôi, xương máu cho cách mạng.
Chủ trương của Người là mọi việc phải bắt đầu từ những suy nghĩ, việc làm nhỏ nhưng góp lại nó sẽ thành việc lớn, việc có ích mà từ cụ già đến em nhỏ đều có thể làm được. Người kêu gọi: “Trong lúc chống nạn đói kém, đồng bào ta đã từng mỗi tuần nhịn ăn một bữa để giúp các đồng bào bị đói. Bây giờ chống nạn ngoại xâm, tôi chắc đồng bào ta sẽ vui lòng vài ba tháng nhịn ăn một bữa để giúp đỡ chiến sỹ bị thương”. Đến nay, nhân dân cả nước vẫn luôn cảm động khi nhìn lại hình ảnh vị Chủ tịch nước hàng năm cứ đến Ngày Thương binh, liệt sỹ lại gửi thư cùng một tháng lương của mình; kèm đó, khi thì một bữa ăn, khi thì một món quà (do đồng bào gửi biếu) để tặng anh em thương binh.
Người đề ra phương châm, chỉ đạo thực hiện chính sách thương binh, liệt sỹ và người có công rất rõ ràng, cụ thể, phù hợp với truyền thống dân tộc và hoàn cảnh đất nước:“Đồng bào sẵn sàng giúp, Chính phủ ra sức nâng đỡ, anh em có quyết tâm, thì anh em nhất định dần dần tự túc được”.
Hiện nay, việc thực hiện chính sách thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng không chỉ thể hiện sự trân trọng, tri ân của Hồ Chí Minh, của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, mà còn là hình thức giáo dục về ý thức trách nhiệm, lòng biết ơn của các thế hệ đối với những người, những gia đình đã có cống hiến, hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Khắp cả nước, nhân dân ta đã xây dựng nên những tượng đài chiến thắng, tượng đài, nghĩa trang liệt sĩ là nhằm mục tiêu giáo dục tinh thần, ý thức xã hội để tôn vinh, biết ơn những người đã hy sinh xương máu cho đất nước.
Tinh thần đó được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đại hội của 35 năm đổi mới đất nước (1986 – 2021) nhấn mạnh: “Thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công; đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công; bảo đảm chế độ ưu đãi người và gia đình người có công phù hợp với xu hướng tăng trưởng kinh tế, tiến bộ và công bằng xã hội”.
Tính đến năm 2021, cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công, trong đó, số người có công đang hưởng chế độ ưu đãi hằng tháng gần 1,4 triệu người; trên 500 nghìn thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp tiền tuất hằng tháng. Phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” ngày càng được xã hội hóa sâu rộng. Nhiều cơ sở sự nghiệp, chăm sóc sức khỏe được xây dựng phục vụ các đối tượng chính sách. Nhiều nghĩa trang liệt sỹ và các công trình tưởng niệm liệt sỹ đã được xây dựng, trong đó có nhiều nghĩa trang trở thành những công trình văn hóa - lịch sử của đất nước, như: Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sỹ Điện Biên Phủ, Nghĩa trang Liệt sỹ Vị Xuyên (Hà Giang)...
Ngày nay, dưới ánh sáng tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh, các chính sách đối với thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng luôn bảo đảm công khai, công bằng, phù hợp với từng đối tượng, đều khắp, không để quên, để sót một ai. Trong thời gian tới, để chính sách đối với người có công được thực hiện ngày một tốt hơn, các cơ quan, ban ngành cần phải tích cực đổi mới, từng bước nâng cao chất lượng nghiên cứu, tham mưu, đề xuất chính sách, trước mắt cần có các công trình, đề tài nghiên cứu và triển khai các dự án vĩ mô, để bao trùm, phủ kín về diện cho các đối tượng chính sách nhằm bảo đảm công bằng, bình đẳng và từng bước nâng cao chất lượng thụ hưởng cho thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng.
Đặng Công Thành (Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng)
Ý kiến bạn đọc