Nhiều cảm xúc lắng đọng từ Chương trình "Khúc tráng ca hòa bình"
BHG - Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn - Ăn quả nhớ người trồng cây”, tháng 7 hàng năm là dịp để cả dân tộc cùng tri ân, tưởng nhớ những người hy sinh cả máu xương cho độc lập dân tộc. Chương trình cầu truyền hình đặc biệt "Khúc tráng ca hòa bình" với 6 điểm cầu: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Bình Định, Hà Giang, An Giang được tổ chức tối 27.7 đã mang đến hình ảnh ấn tượng, nhiều cảm xúc và câu chuyện xúc động về những thương binh, liệt sỹ, Mẹ Việt Nam Anh hùng, thân nhân của những người lính đã ngã xuống cho nền hòa bình của đất nước.
Theo ghi nhận ở mỗi điểm cầu có hàng nghìn người tham gia. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các tỉnh, thành phố; thân nhân gia đình liệt sỹ, các cựu chiến binh, người có công với cách mạng và đông đảo bà con nhân dân đã đến tham dự chương trình; cùng với nhân dân cả nước tri ân công lao các Anh hùng liệt sỹ đã hy sinh tuổi thanh xuân cho đất nước mãi trường tồn. Cầu truyền hình được dàn dựng gồm 3 chương: Chương 1 “Những dấu chân hòa bình” thể hiện rõ nội dung dân tộc ta từ bao đời nay, khi Tổ quốc cần đến, hay nền hòa bình bị đe dọa thì lớp lớp thế hệ lại sẵn sàng lên đường. Những dấu chân thế hệ từ thuở dựng nước đến ngày nay đều cất bước, để lại dấu ấn không thể quên về một thời ta đã "sống và hy sinh vì hòa bình". Lắng nghe câu chuyện về “Tuổi 20 giữa bão lửa” của Liệt sỹ Huỳnh Kim Trung – người đã viết đơn tình nguyện vào thực tập và chiến đấu tại Quảng Bình, vùng đất được gọi là “tọa độ lửa”, ngày đêm hứng chịu bom đạn giặc Mỹ. Liệt sỹ hy sinh khi vừa tròn 20 tuổi, để lại cuốn nhật ký với những dòng viết đầy nhiệt huyết tuổi trẻ: "Nếu lòng ta cứ sợ mưa sa - Thì nắng đẹp mùa Xuân đâu sẽ thấy". Lắng nghe câu chuyện về “Một thời hoa lửa” của Bà Trần Thị Dự (74 tuổi) - người con đất Quảng Nam về những ngày tháng thanh xuân cùng bạn bè chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Những hi sinh anh dũng của những cô gái ngày ấy mới mười chín, đôi mươi đã ngã xuống để bảo vệ mảnh đất quê hương.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai xúc động khi nghe câu chuyện về Liệt sỹ Đỗ Văn Bân, quê Thanh Hóa, hi sinh năm 1967 được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kom Tum tìm, quy tập hài cốt và trao kỷ vật (chiếc kẹp tóc được làm bằng thép không gỉ) cho thân nhân gia đình. (Ảnh chụp màn hình) |
Trong chương 2 “Bài ca không quên” đã thể hiện tinh thần cống hiến hết mình, không ngại khó, ngại khổ hay gian lao. Từ đi qua những mất mát của chiến tranh đến đường về nhà của những "dấu chân hòa bình" mỗi người khác nhau. Có những người trở về với dấu chân tròn trên cát, có người mất nhiều năm sau để đoàn tụ với người thân, có những người mải miết đi tìm những đồng đội cũ… tất cả để tri ân, tưởng nhớ những người đã ngã xuống. Những người còn sống luôn mang trong mình "Bài ca không quên" về những người đã ngã xuống vì hòa bình. Đồng thời, mọi người được lắng nghe câu chuyện về Liệt sỹ Nguyễn Viết Ninh – người lính Vị Xuyên đã bất khuất hy sinh 38 năm trước khi trong tay vẫn ôm khẩu súng khắc dòng chữ: “Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử” lan tỏa khắp mặt trận Vị Xuyên. Dòng chữ ấy được truyền tai nhau và trở thành một thứ “vũ khí tinh thần”, một khẩu hiệu sắt đá của những người lính đang ngày, đêm chiến đấu bảo vệ biên cương. Bên cạnh đó là câu chuyện về những gia đình đã được đón người thân đang nằm lại chiến trường trở về nhà nhờ vào phương pháp thực chứng do đội quy tập K53 và Sở Lao động TB&XH tỉnh Kon Tum. Câu chuyện của Đội tìm kiếm K93 đã tìm kiếm và quy tập, hồi hương được 3.293 hài cốt liệt sỹ, trong đó tại Campuchia gần 2.000 ngôi mộ và xác định được danh tính gần 400 ngôi mộ.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh cùng các đại biểu ở 6 điểm cầu truyền hình xúc động khi nghe câu chuyện về Liệt sỹ Đỗ Văn Bân, quê Thanh Hóa, hi sinh năm 1967 được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kom Tum tìm, quy tập hài cốt và trao kỷ vật (chiếc kẹp tóc được làm bằng thép không gỉ) cho thân nhân gia đình. (Ảnh chụp màn hình) |
Chương 3 “Khát vọng hòa bình” cho thấy người Việt Nam luôn hiểu về "cái giá của hòa bình" sau quá nhiều đổ máu và mất mát vì chiến tranh. Các thế hệ chung tay giữ gìn, bảo vệ hòa bình; khơi dậy động lực cống hiến, hy sinh vì một Việt Nam phát triển, phồn vinh như tinh thần đã được khẳng định tại Đại hội XIII của Đảng; mở ra những cơ hội lớn "sánh vai với các cường quốc năm châu" như lời Bác Hồ từng căn dặn. Khán giả được lắng nghe câu chuyện về những “Lời hứa hòa bình” của những người thương binh trở về sau chiến tranh, mang theo tinh thần lạc quan "tàn nhưng không phế", chung tay vào công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế, đồng hành cùng đất nước khi sang trang sử của hòa bình, phát triển và phồn vinh. Đó là lời hứa thiêng liêng của những người còn sống với đồng đội đã khuất; câu chuyện về những thế hệ trẻ, mang khát vọng hòa bình vang xa với tấm lòng tri ân, tưởng nhớ thế hệ cha anh đã ngã xuống vì dân tộc. Bên cạnh những câu chuyện đầy bi tráng về những thế hệ đã ngã xuống vì hòa bình, những tiết mục được đầu tư công phu tại các điểm cầu cũng là điểm nhấn vô cùng ấn tượng của chương trình qua giọng ca của rất nhiều các nghệ sĩ đưa khán giả trở lại mạch cảm xúc đầy bi tráng và xúc động.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cùng các đại biểu ở 6 điểm cầu truyền hình xúc động khi nghe câu chuyện của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kom Tum xác định lại tên Liệt Sỹ Đinh Văn Thảo thành Đinh Công Thảo đang yên nghỉ tại Nghĩa trang Ngọc Hồi, tỉnh Kom Tum. (Ảnh chụp màn hình) |
Trong các chương của cầu truyền hình, Hà Giang được nhắc đến với 10 năm khốc liệt, oai hùng trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Hà Giang là địa phương thoát khỏi cuộc chiến muộn nhất và cũng là địa phương chịu nhiều tổn thất nhất; máu thịt của những người lính trẻ đã tô thắm lá cờ quyết chiến, quyết thắng của quân đội ta. Hôm nay, hoa đã nở trên những mảnh đất bị cày xới vì bom đạn. Những người lính chiến đấu trở về đã và đang viết tiếp trang sử của hòa bình, phát triển và phồn vinh. Tham dự chương trình, lắng nghe những câu chuyện của đồng đội, xem lại những hình ảnh về cuộc chiến đấu năm xưa, bác Hoàng Văn Thượng, cựu chiến binh ở xã Đạo Đức (Vị Xuyên) không thể nào quên khoảng thời gian chia ngọt, sẻ bùi cùng đồng đội nơi chiến hào trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Người lính mang tinh thần thép trong chiến đấu nhưng lại yếu lòng, rơi nước mắt khi xem những hình ảnh về đồng đội, bác nghẹn ngào: “Đây là chương trình thực sự ý nghĩa và xúc động. Không thể kể hết những gian khổ trong cuộc chiến, nhưng tình đồng chí, đồng đội đã giúp chúng tôi kiên định mục tiêu đánh đuổi quân giặc. May mắn trở về lành lặn, chúng tôi không bao giờ quên sự hy sinh của đồng chí, đồng đội và tự nhắc nhở mình sống xứng đáng là Bộ đội cụ Hồ”.
Tiết mục nghệ thuật đặc sắc tại Chương trình cầu truyền hình “Khúc tráng ca hòa bình” tại điểm cầu Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên. |
Chiến tranh đã nằm ở quá khứ; hiện tại và tương lai đang là hình ảnh những người trẻ dốc sức, dốc lòng, cống hiến cho mảnh đất quê hương; bảo vệ và phát triển những giá trị thiêng liêng mà cha anh để lại. Từ vùng đất năm xưa là chiến địa ác liệt, những người trẻ từ mảnh đất Hà Giang đã khơi dậy sức sống của cả một vùng đất với tinh thần tiếp nối truyền thống sáng tạo, mưu trí của cha anh. Bác Hồ kính yêu đã từng nói: “Tuổi trẻ là tuổi của tương lai. Muốn có tương lai tốt đẹp thì phải chiếm lấy bằng ý chí và nghị lực của chính bản thân”. Thế hệ trẻ là những người chủ tương lai của đất nước, những người luôn ra sức rèn đức, luyện tài, cố gắng phấn đấu và học tập, tu dưỡng đạo đức, tiên phong trong công cuộc xây dựng đất nước.
Cháu Nguyễn Thu Hương, học sinh lớp 12C3, Trường THPT Vị Xuyên là một trong số nhiều người thường xuyên tham gia thăm viếng, chăm sóc các phần mộ Anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên. Cháu Hương chia sẻ: “Thời chiến tranh, lớp lớp thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu, tuổi xuân, vậy thì ở thời bình, tuổi trẻ chúng cháu sẽ tiếp nối truyền thống, không quản ngại cống hiến sức lực, trí tuệ, tận tâm, tận lực cho sự bình yên, phát triển của Tổ quốc. Cháu tin rằng, dù hy sinh giữa thời chiến hay thời bình thì tất cả đều chung một chí hướng, một tinh thần vì Tổ quốc, vì nhân dân”.
Những hình ảnh, giây phút xúc động trong chương trình đã khiến lòng người trào dâng niềm tự hào; bao máu xương đã đổ, lắng đọng lại thành tên người, tên đất, lấp những hố bom, xóa mọi đau buồn. Từ vùng chiến địa ác liệt trong kháng chiến, máu xương và linh hồn các anh đã hòa vào sông núi để đất nước hôm nay trong mát dưới nắng hòa bình, dân tộc Việt Nam được độc lập tự do, đất nước Việt Nam ngày càng phồn vinh thịnh vượng. Đất nước ta đã đi qua bom đạn bởi người người, lớp lớp Anh hùng đã che chở cho những thế hệ mai sau. Dù các anh đang nằm lại ở đâu, nơi quê nhà, đất mẹ, nơi biên cương, rừng sâu, linh hồn các liệt sỹ đã hóa thành những thành trì vững chãi, thành lá chắn bất tử để bảo vệ nền hòa bình cho Tổ Quốc, cho nhân dân.
Mỗi thế hệ người Việt lớn lên trong hòa bình từ những chắt chiu, hy sinh của cha anh trong chiến tranh, mang theo những hạt mầm về đoàn kết, gắn bó và sẻ chia, để cùng hóa thân cho dáng hình xứ sở, làm nên đất nước do nhân dân và của nhân dân muôn đời sau. Xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh những Anh hùng liệt sỹ đã hy sinh cho đất nước trường tồn mãi đến tận mai sau.
Link xem lại Chương trình cầu truyền hình "Khúc tráng ca hòa bình"
Ghi chép của Kim Tiến
Ý kiến bạn đọc