Đại biểu Quốc hội Vương Thị Hương thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

18:12, 14/06/2022

BHG - Chiều 14.6, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV tiếp tục phiên thảo luận tập trung tại hội trường về các dự án luật. Thay mặt Đoàn ĐBQH Hà Giang, đại biểu Vương Thị Hương đã nêu nhiều ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Theo đại biểu, qua 15 năm thực hiện Luật phòng, chống bạo lực gia đình đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức trong phòng, chống bạo lực gia đình, bảo vệ người bị bạo lực gia đình. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hành vi bạo lực gia đình vẫn diễn ra khá phổ biến, mức độ bạo hành ngày càng nghiêm trọng. Vì vậy cần phải sửa đổi luật đáp ứng yêu cầu phát sinh trong thực tiễn.

Đại biểu Vương Thị Hương cho rằng: Từ thực tiễn thi hành Luật phòng, chống bạo lực gia đình đã xác định có 4 nhóm hình thức bạo hành gia đình gồm: Bạo lực thể chất, tinh thần, kinh tế, tình dục. Việc nhận diện được những hình thức bạo hành rất quan trọng, là cơ sở để triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hành vi bạo lực gia đình, bảo vệ người bị bạo lực gia đình. Tuy nhiên thực tế cho thấy mới chủ yếu khảo sát, đo lường được bạo lực thể chất. Còn bạo lực về tinh thần rất khó phát hiện, mang yếu tố ẩn nhưng lại mang nhiều hậu quả khó lường. Bên cạnh đó, bạo lực tình dục được hiểu như thế nào? Liệu có cần bằng chứng trong điều tra bạo lực tình dục hay dựa trên báo cáo của nạn nhân, nhân chứng? Do vậy cần phải có thang đo đặc thù, cách khảo sát đặc thù của các cơ quan về giới để nhận diện đúng, rõ hơn các hình thức cũng như hành vi bạo lực gia đình trong thực tế, tránh trường hợp người bị bạo lực gia đình không biết mình bị bạo lực, dẫn tới việc không thể hoặc gây khó khăn trong việc triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hành vi và bảo vệ người bị bạo lực gia đình.

Đại biểu Vương Thị Hương góp ý vào dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)
Đại biểu Vương Thị Hương góp ý vào dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Theo đại biểu, trong khái niệm “Bạo lực gia đình” cần giải thích rõ những hành vi gây bạo lực gia đình là hành vi của ai? Đối tượng gây bạo lực gia đình là ai để dễ nhận biết, dễ phân biệt với các hành vi bạo lực khác. Do vậy đề nghị bổ sung chủ thể, đối tượng gây bạo lực gia đình vào khái niệm, cụ thể: “Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế, tình dục đối với thành viên khác trong gia đình”.

Tại khoản 2, Điều 4 dự thảo Luật quy định hành vi bạo lực gia đình được áp dụng đối với các đối tượng: Người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng, người đã từng có quan hệ chăm sóc nuôi dưỡng. Quy định như vậy là rất phù hợp với thực tiễn hiện nay, dự thảo luật đã điều chỉnh mở rộng đối tượng gây bạo lực gia đình so với Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2007, bởi trên thực tế có nhiều trường hợp không phải là vợ chồng nhưng sống chung như vợ chồng, việc bạo hành con riêng xảy ra thời gian gần đây rất thương tâm, đã có trường hợp trẻ bị bạo hành dẫn tới tử vong, gây bức xúc dư luận. Nếu không quy định hành vi bạo lực gia đình áp dụng với người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng, người đã từng có quan hệ chăm sóc nuôi dưỡng chắc chắn sẽ bỏ lọt đối tượng gây bạo lực gia đình.

Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu bổ sung giải thích từ ngữ “thành viên gia đình” để áp dụng trong phạm vi của luật này; khái niệm cần làm rõ “Các thành viên trong gia đình có bao gồm các thành viên của người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng, người có quan hệ chăm sóc nuôi dưỡng”. Hoặc bổ sung quy định cụ thể để tăng cường việc triển khai thực hiện Điều 10 dự thảo luật quy định về Quyền và trách nhiệm của các đối tượng này trong phòng, chống, bạo lực gia đình. Cũng như liên quan đến trách nhiệm trong hòa giải quy định tại khoản 2, Điều 21 dự thảo luật.

Đề nghị nghiên cứu, bổ sung tại Điều 3 giải thích từ ngữ “Người có nguy cơ bị bạo lực gia đình”, nhằm giúp các cá nhân, tổ chức và cơ quan trợ giúp có thể xác định được những người có nguy cơ bị bạo lực gia đình để từ đó có thể chủ động tiếp cận, tư vấn và hỗ trợ cho việc phòng ngừa bạo lực gia đình được tập trung, chủ động hơn.

Tại khoản 1 Điều 18 quy định “tư vấn về phòng chống bạo lực gia đình ở cộng đồng do địa chỉ tin cậy ở cộng đồng hoặc tổ tư vấn gia đình ở cộng đồng dân cư thực hiện”. Về địa chỉ tin cậy ở cộng đồng đã được quy định tại Điều 42 dự thảo luật; riêng “tổ tư vấn gia đình ở cộng đồng dân cư” chưa được quy định, và trong thực tiễn hiện nay đã có tổ tư vấn gia đình ở cộng đồng dân cư hay chưa? Nếu có thì tổ chức ra sao? Cách thức vận hành tổ tư vấn này như thế nào? Do cơ quan nào hướng dẫn? Và nếu chưa có thì có cần quy định cụ thể trong dự thảo luật hay không? Cơ quan soạn thảo cần làm rõ nội dung này.

Tại Điều 20 “Hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình”, khi xảy ra hành vi bạo lực gia đình thì gia đình, cơ quan, tổ chức, tổ hòa giải tiến hành hòa giải nhưng trường hợp người bạo hành không đến thì giải quyết thế nào? Và trong thực tế đã có không ít vụ việc hòa giải gần như không đạt được kết quả khi chỉ có duy nhất nạn nhân – người bị bạo lực gia đình một mình tới trình bày, một mình nói ra nguyện vọng, còn đối tượng chính là người có hành vi bạo lực gia đình lại không có mặt. Có cần có biện pháp nào để cưỡng chế hay không? Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung các điều kiện đảm bảo cho công tác hòa giải.

Về nguyên tắc hòa giải, theo đại biểu, có thể thấy với định kiến về giới, có không ít gia đình khi tổ chức hòa giải thường hòa giải theo hướng khuyên nhủ người bị bạo lực gia đình (thường là phụ nữ bị yếu thế) nhẫn nhịn, bỏ qua, do đó dễ dẫn tới người phụ nữ có nguy cơ bị “bạo hành kép” và với việc hòa giải nhiều lần, kéo dài thường sẽ gây ra chậm trễ trong giải quyết vụ việc và làm tăng nguy cơ, nguy hiểm cho người phụ nữ và con cái của họ. Để đảm bảo quyền tự chủ, tự quyết định của người bị bạo lực gia đình đề nghị bổ sung thêm 2 nguyên tắc trong hòa giải phải đảm bảo: Thứ nhất, “người bị bạo lực phải được thông báo đầy đủ về quy trình và chấp thuận/đồng ý hòa giải”; thứ hai, “không hòa giải quá 2 lần đối với các trường hợp: Người gây bạo lực tái phạm hành vi bạo lực; Người gây bạo lực đã vi phạm thỏa thuận hòa giải trước đây”.

Về việc góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư quy định tại điều 23 dự thảo luật. Thực tế cho thấy đa số người có hành vi bạo lực gia đình sẽ từ chối, trốn tránh cuộc họp phê bình, góp ý. Dự thảo luật chưa có quy định trong trường hợp người có hành vi bạo lực gia đình vắng mặt thì thế nào? Có thực hiện góp ý phê bình khi vắng mặt không? Nếu người có hành vi bạo lực gia đình vẫn không có mặt, không tổ chức góp ý, phê bình thì hậu quả thế nào? Đề nghị nên bổ sung quy định trong trường hợp người có hành vi bạo lực cố tình vắng mặt.

Duy Tuấn (tổng hợp), Ảnh: CTV


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đoàn ĐBQH Hà Giang góp ý vào dự án Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở
BHG - Tiếp tục phiên thảo luận tại hội trường sáng 14.6, đại biểu Hoàng Ngọc Định, Đoàn ĐBQH Hà Giang đã tham gia một số ý kiến vào dự án Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở.
14/06/2022
“Tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án ODA”
BHG - Đó là một trong những nội dung chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi làm việc giữa Thường trực UBND tỉnh với các sở, ngành, đơn vị về tình hình, tiến độ triển khai các dự án ODA 5 tháng đầu năm 2022; phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp thực hiện các tháng cuối năm. Dự buổi làm việc có các đồng chí: Hoàng Gia Long, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Hà Thị Minh Hạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành.
14/06/2022
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Giang kiểm tiến độ xây dựng nhà ở theo Quyết định 1953 tại xã Tùng Vài
BHG - Chiều 13.6, Đoàn công tác Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Giang do đồng chí Lý Hồng Quang, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Giang đã có buổi kiểm tra tiến độ xây dựng nhà ở kiên cố cho người có công, CCB nghèo, hộ nghèo có khó khăn về nhà ở theo Quyết định 1953 của BTV Tỉnh ủy tại xã Tùng Vài, huyện Quản Bạ.
14/06/2022
Khai giảng lớp Trung cấp lý luận chính trị A54

BHG - Sáng 14.6, Trường Chính trị tỉnh tiến hành khai giảng lớp Trung cấp lý luận chính trị A54, hệ tập trung.


14/06/2022