“Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”

Ý kiến, đánh giá của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học và nhân dân về bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

10:40, 26/05/2022

BHG - …Có thể khẳng định, bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa rất quan trọng đối với đất nước ta trong giai đoạn hiện nay. Trong bối cảnh Đảng ta đang đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống, bài viết của đồng chí Tổng Bí thư vừa có ý nghĩa quan trọng trong việc thống nhất nhận thức, tư tưởng về những nội dung của Nghị quyết Đại hội XIII, vừa trực diện đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đồng thời tiếp thêm niềm tin, sức mạnh, tỏa sáng những giá trị văn hóa, con người Việt Nam trong quá trình xây dựng Chủ nghĩa xã hội.

Đúng như bài viết khẳng định, con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam tuy còn rất lâu dài với nhiều khó khăn, thử thách; các nhân tố xã hội chủ nghĩa được hình thành, xác lập và phát triển đan xen, cạnh tranh với các nhân tố phi xã hội chủ nghĩa, gồm cả các nhân tố tư bản chủ nghĩa trên một số lĩnh vực. Mặt khác, các thế lực thù địch lại thường xuyên phủ nhận, chống phá con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Tuy nhiên, với lập trường kiên định, bản lĩnh vững vàng, quyết tâm cao, nỗ lực lớn và sự đồng sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam sẽ ngày càng rõ nét hơn, sự nghiệp đổi mới và phát triển ở Việt Nam sẽ ngày càng đạt được những thành tựu to lớn hơn. Chủ nghĩa xã hội sẽ vẫn luôn là tương lai của lịch sử loài người.

(Trích bài đăng tạp chí Tuyên giáo điện tử, ngày 15.9.2021)

TS. LÊ THỊ CHIÊN (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)

Hiện thực ưu việt của chế độ sẽ phủ nhận những luận điệu xuyên tạc

Sống trong chế độ xã hội chủ nghĩa, ai cũng có cơ hội, điều kiện được tiếp cận, hưởng thụ các giá trị của hạnh phúc. Và trên thực tế, hạnh phúc đã, đang đến với mỗi người, mỗi nhà trên dải đất hình chữ S. Tuy quan niệm về hạnh phúc của mỗi người dân không giống nhau, song đều có chung cảm giác là hài lòng về đời sống vật chất, tinh thần tốt đẹp mà thể chế chính trị ưu việt đã kiến tạo và mang lại cho họ. Khi đất nước bình yên, xã hội an toàn, cộng đồng hưởng niềm vui, chắc chắn không ai bị bỏ lại phía sau. Đó là cội nguồn sâu xa, là xuất phát điểm để chúng ta vững tin vào chế độ xã hội chủ nghĩa mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang chung tay xây dựng; đồng thời cũng là cơ sở thực tiễn, căn cứ khoa học để bác bỏ những luận điệu sai trái, thù địch nhằm xuyên tạc những giá trị tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa và phủ nhận con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

(Trích bài đăng báo Quân đội Nhân dân, ngày 20.5.2021)

Trung tướng, PGS.TS. PHẠM QUỐC TRUNG, (Nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Chính trị, Bộ Quốc phòng)

Chỉ rõ thách thức, quyết tâm chính trị trong phòng, chống tham nhũng

Toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta đang quyết tâm nỗ lực phấn đấu thực hiện các mục tiêu mà Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng đã đề ra. Tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới trong giai đoạn tới, bên cạnh thời cơ, thuận lợi, có không ít khó khăn, thách thức. Một trong những thách thức được Tổng Bí thư chỉ rõ là: “tình trạng tham nhũng, lãng phí, suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống vẫn diễn ra trong một bộ phận cán bộ, đảng viên”…

Những luận điểm sắc sảo, tâm huyết trong bài viết của Tổng Bí thư thêm một lần khẳng định quyết tâm của Ðảng, Nhà nước trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Ðây là cuộc chiến cam go, đòi hỏi sự vào cuộc của toàn xã hội; cần có động lực, tiếp sức từ sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của lãnh đạo Ðảng và Nhà nước, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan tham mưu và cấp ủy, nhất là sự nỗ lực, cộng tác của các cơ quan, đơn vị chức năng, sự chủ động vào cuộc tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội, sự đồng tình, ủng hộ, khích lệ của nhân dân.

Chúng tôi nhận thức rõ hơn công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Việc xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm không làm “chậm lại” sự phát triển mà ngược lại, là cơ hội để làm trong sạch đội ngũ cán bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng, góp phần ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

(Trích bài đăng báo Nhân Dân, ngày 25.5.2021)

LÊ VIẾT DOANH (xã Đoàn Đào, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên)

Dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội

…Là ước vọng hàng ngàn năm của tuyệt đại đa số nhân dân lao động, tuy nhiên, xây dựng Chủ nghĩa xã hội và Chủ nghĩa cộng sản nói chung, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa nói riêng là thực tiễn chưa có tiền lệ, khác với nền dân chủ tư sản đã có lịch sử hàng nhiều trăm năm và bản thân nó cũng đã và đang tiếp tục phải cải tiến, điều chỉnh. Do vậy, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, theo ý kiến của đồng chí Tổng Bí thư, cần phải nhận thức là quá trình lâu dài của cách mạng Việt Nam. Chỉ có như thế mới khắc phục các biểu hiện chủ quan duy ý chí, nóng vội, cũng như tâm lý chán nản, dễ chấp nhận khiến cho quá trình dân chủ hóa trì trệ, bất cập với yêu cầu đổi mới. Chúng ta vừa tăng cường thực hiện dân chủ hóa đời sống xã hội, nhưng cũng cần tránh các biểu hiện dân chủ hình thức, dân chủ cực đoan, dân chủ kiểu phương Tây, lợi dụng dân chủ - nhân quyền để gây mất ổn định, thực hiện cách mạng “sắc màu” hòng thay đổi chế độ xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, không được phiến diện trong nhận thức về mối quan hệ giữa “đa đảng”, “đa nguyên” với mức độ cao thấp của dân chủ; khắc phục sự mơ hồ về thực chất và hình thức biểu hiện của nền dân chủ tư sản như đồng chí Tổng Bí thư đã nêu: “Thực tế là các thiết chế dân chủ theo công thức “dân chủ tự do”… không hề bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân hay vì nhân dân”. Cũng như vậy, nếu ai đang đồng nhất giữa dân chủ trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội với dân chủ trong xã hội xã hội chủ nghĩa đầy đủ sẽ là một sai lầm nghiêm trọng. Song song với những bất cập trên, còn cần phải khắc phục tính biệt lập trong xây dựng, hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Tuy khác biệt về bản chất chính trị với dân chủ tư sản, nhưng điều đó không ngăn trở việc kế thừa, tiếp thu có chọn lọc các thành quả của nhân loại trong xây dựng nền dân chủ của Việt Nam.

Xây dựng chế độ dân chủ phải được coi là sự nghiệp cách mạng lâu dài như khẳng định của đồng chí Tổng Bí thư, nhưng được coi là nhiệm vụ trọng yếu, bởi dân chủ vừa thể hiện bản chất của chế độ ta vừa là mục tiêu, động lực của sự phát triển đất nước. Chúng tôi hoàn toàn nhất trí và tin tưởng rằng, dân chủ xã hội chủ nghĩa là một trong những “giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội và cũng chính là mục tiêu, con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn và đang định, kiên trì theo đuổi”, như ý kiến của đồng chí Tổng Bí thư./.

(Trích bài đăng Báo điện tử Đảng Cộng sản, ngày 20.5.2021)

PGS.TS. ĐỖ THỊ THẠCH Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)

Tầm nhìn mới về con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội

Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện rõ tư duy chính trị nhiều chiều, mức độ hoàn thiện, sắc sảo của người đứng đầu Đảng, phản ánh tầm vóc trí tuệ chung của Đảng qua hơn 9 thập kỷ lãnh đạo đất nước. Trên nền tảng chế độ chính trị ưu việt, vị thế trung tâm của cách mạng, mục tiêu, động lực thúc đẩy cách mạng là mang lại quyền sống và quyền hạnh phúc của CON NGƯỜI, đặt NHÂN DÂN vào sự hội tụ mọi quyền hành chính trị và xã hội, coi VĂN HÓA là cội nguồn sức mạnh nội sinh dân tộc.

Nếu kết nối, xâu chuỗi các bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào dịp kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (năm 2017), 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (năm 2019) và bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, thì Đảng Cộng sản Việt Nam có được những luận điểm cơ bản, như một phát kiến chủ thuyết phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên Chủ nghĩa xã hội, mang tầm nhìn thế kỷ. Bài viết cũng giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân ta được bồi đắp thêm niềm tin, động lực và tinh thần tiến công cách mạng không ngừng vượt qua mọi khó khăn, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay.

(Trích bài đăng báo Hà Nội mới, ngày 20.5.2021)

PGS.TS. TRẦN VIẾT LƯU (Ban Tuyên giáo T.Ư)

Sức mạnh nhân dân là cội nguồn sâu xa của thắng lợi

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân; trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người luôn thể hiện tình cảm quý trọng nhân dân và chăm lo xây dựng lực lượng toàn dân tham gia vào các công việc của cách mạng. Thực tiễn cũng đã chứng minh, quy tụ được lòng dân, phát huy sức mạnh của nhân dân là nguyên nhân quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn quán triệt sâu sắc quan điểm lấy dân làm gốc. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đúc rút bài học kinh nghiệm quý báu: Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.

Nghiên cứu bài viết của Tổng Bí thư, tôi càng thêm tin tưởng vào con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn khi nhận thức sâu sắc rằng, dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân là một nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài của cách mạng Việt Nam.

(Trích bài đăng báo Quân đội Nhân dân điện tử, ngày 29.5.2021)

ThS. NGUYỄN THỊ HÀ GIANG (Giảng viên Trường Cao đẳng Truyền hình, Hà Nội)

Đề cao trách nhiệm người đứng đầu

Bằng sự khái quát sâu sắc, kết hợp nhuần nhuyễn giữa tính logic, tính lịch sử và khoa học, biện chứng theo Chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, tác giả đã nêu bật sự lựa chọn đúng đắn của Ðảng ta trong suốt quá trình lãnh đạo kể từ khi ra đời. Thực tế chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa của nước ta cho thấy, mối quan hệ giữa Ðảng, Nhà nước và nhân dân là mối quan hệ thống nhất về mục tiêu và lợi ích. Ðảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên.

Tác giả cũng nêu rõ những nỗ lực, thành tựu, kết quả mà đất nước ta đã đạt được, đồng thời phân tích kỹ lưỡng những khó khăn, thách thức đang đặt ra hiện nay, nhất là tình trạng tham nhũng, lãng phí, suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Từ đó, yêu cầu đặt ra đối với Ðảng ta là phải thường xuyên tự đổi mới, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả hơn nữa Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ðảng mạnh là do chi bộ tốt. Ðể xây dựng chi bộ tốt, đội ngũ cán bộ, đảng viên tốt, xây dựng cơ quan, địa phương, đơn vị trong sạch, vững mạnh, trước hết phải đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu. Người đứng đầu phải tự giác, gương mẫu thực hiện nghiêm quy định của Ban Chấp hành T.Ư về những điều đảng viên không được làm, về quy định nêu gương, gương mẫu chấp hành Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị của Ðảng, sự phân công, điều động của tổ chức.

(Trích bài đăng báo Nhân Dân, ngày 15.6.2021)

NGUYỄN HỮU HÙNG (Đường Giáp Hải, phường Dĩnh Kế, TP. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang)

 

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Chủ tịch HĐND tỉnh Thào Hồng Sơn dự họp thẩm tra các văn bản trình kỳ họp thứ sáu HĐND tỉnh
BHG - Ngày 25.5, Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh họp thẩm tra các văn bản trình kỳ họp thứ sáu HĐND tỉnh. Dự họp có các đồng chí: Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Vũ Mạnh Hà, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Chúng Thị Chiên, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Hoàng Văn Vịnh, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.
26/05/2022
Xín Mần chú trọng đối thoại với nhân dân
BHG - “Lắng nghe dân nói, giải quyết những gì dân cần” là nội dung được lãnh đạo huyện Xín Mần quán triệt đến các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn đối với công tác tiếp công dân và đối thoại với nhân dân. Qua đó, kịp thời lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, làm cầu nối gắn kết giữa chính quyền và nhân dân trên địa bàn.
26/05/2022
Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng làm việc với BTV Huyện ủy Quang Bình
BHG - Chiều 25.5, đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy có buổi làm việc với BTV Huyện ủy Quang Bình kiểm tra việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
25/05/2022
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn kiểm tra tiến độ dự án tôn tạo Căng Bắc Mê
BHG - Ngày 25.5, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đi kiểm tra tiến độ dự án bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Căng Bắc Mê. Cùng đi có lãnh đạo một số sở, ngành và huyện Bắc Mê.
25/05/2022