Khẳng định vai trò cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương
BHG - Với tư duy năng động, đổi mới, sáng tạo, HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026 tiếp tục thực hiện chiến lược đột phá nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Qua đó, xây dựng cơ quan dân cử vững mạnh toàn diện, khẳng định vai trò và xứng tầm cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.
Cán bộ Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh chuẩn bị nội dung kỳ họp . |
Khẳng định vị thế cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, HĐND tỉnh thường xuyên kiện toàn tổ chức; nâng cao năng lực thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND gắn với đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Trong đó, việc tổ chức các kỳ họp HĐND tỉnh có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, theo hướng rút ngắn thời gian trình bày văn bản tại hội trường, tăng thời lượng thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn. Theo đánh giá của nhiều đại biểu, chủ tọa điều hành phiên họp chất vấn đã linh hoạt, chủ động tạo không khí đối thoại thẳng thắn, tranh luận trên tinh thần dân chủ, trách nhiệm, “hỏi nhanh, đáp gọn”, nêu từng vấn đề chất vấn và thứ tự trả lời chất vấn. Kết thúc từng vấn đề chất vấn có kết luận, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị hữu quan để làm cơ sở theo dõi, giám sát. Việc điều hành phiên thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn đảm bảo ngắn gọn, trọng tâm, trọng điểm đã phát huy trí tuệ của đại biểu, nâng cao hiệu quả hoạt động của đại biểu tại kỳ họp.
Đặc biệt, bắt nhịp xu thế cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Thường trực HĐND tỉnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), phát triển hạ tầng kỹ thuật công nghệ theo hướng đổi mới, hiện đại nhằm đảm bảo phục vụ tốt nhất cho hoạt động của HĐND tỉnh trên môi trường điện tử. Hiện nay, các kỳ họp của HĐND tỉnh đang hướng đến “Kỳ họp không giấy tờ” thông qua ứng dụng CNTT. Theo đó, mỗi đại biểu HĐND tỉnh được trang bị 1 máy tính xách tay, cài đặt tài khoản riêng để truy cập tài liệu phục vụ kỳ họp (thay vì in ấn như trước kia); đồng thời, thực hiện biểu quyết điện tử theo sự điều hành của chủ tọa. Ngoài ra, HĐND tỉnh còn thiết lập đường dây nóng điện thoại tại phiên họp chất vấn để tăng cường sự tương tác trực tiếp giữa cử tri với kỳ họp, tạo môi trường thuận lợi để cử tri kịp thời phản ánh, ý kiến trực tiếp với kỳ họp. Kỳ họp HĐND tỉnh còn duy trì việc tổ chức truyền hình trực tiếp phiên họp khai mạc, bế mạc và phiên chất vấn, tạo điều kiện cho cử tri và nhân dân theo dõi, giám sát kỳ họp, góp phần mở rộng dân chủ, công khai về các hoạt động của HĐND tỉnh, đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của các đại biểu HĐND tỉnh và cơ quan hữu quan.
Thực tế cho thấy, nghị quyết HĐND tỉnh chính là văn bản pháp lý quan trọng của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Để nghị quyết đảm bảo tính khả thi và đạt hiệu quả cao khi đi vào cuộc sống, Thường trực HĐND tỉnh đặc biệt quan tâm, đặt ra yêu cầu cao đối với cơ quan hữu quan trong việc nâng cao chất lượng chuẩn bị các dự thảo nghị quyết trước khi trình HĐND tỉnh xem xét. Trong đó, chú trọng đánh giá tác động chính sách, đảm bảo phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi cao sau khi ban hành. Riêng nhiệm kỳ 2016 – 2021, thông qua 18 kỳ họp, HĐND tỉnh khóa XVII đã ban hành 283 nghị quyết, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, đảm bảo theo đúng đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với thực tiễn địa phương. Sự ra đời của các nghị quyết kịp thời cụ thể hóa 3 khâu đột phá, 5 chương trình trọng tâm và các mục tiêu chủ yếu mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Đặc biệt, nhiều nghị quyết ban hành cơ chế, chính sách hướng mạnh về cơ sở, đem lại hiệu quả thiết thực, được nhân dân đánh giá cao, như: Nghị quyết hỗ trợ phát triển kinh tế biên mậu; chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa; phát triển du lịch; chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế vườn hộ và phát triển bền vững cây cam Sành...
Mới đây, tại Kỳ họp thứ Năm (chuyên đề), HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng. Trong đó, phê duyệt chủ trương đầu tư 2 dự án khởi công mới, sử dụng vốn đầu tư công thuộc cấp tỉnh quản lý, bao gồm: Dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Hà Giang và Dự án xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng để thu hút đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác thải tại thôn Bản Chang, xã Kim Thạch (Vị Xuyên). “Việc HĐND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư 2 dự án trên là hết sức cần thiết, đúng thẩm quyền, được dư luận xã hội và nhân dân đánh giá cao. Trong đó, tuyến cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang được xây dựng sẽ tạo hành lang phát triển kinh tế từ trung tâm Thủ đô Hà Nội theo cao tốc Nội Bài – Lào Cai, kết nối với cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ đến Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy (Hà Giang), phá vỡ thế độc đạo hiện tại của tuyến Quốc lộ 2. Nhờ đó, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giao thương kinh tế quốc tế, kinh tế biên mậu. Điều này góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển KT-XH giữa đồng bằng và miền núi cũng như tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân” – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Lương Văn Đoàn chia sẻ.
Nối tiếp kết quả trên, cũng tại Kỳ họp thứ Năm, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết ban hành Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026”. Với những giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng, hiệu quả các kỳ họp, hoạt động giám sát, công tác tiếp xúc cử tri, hoạt động của đại biểu và Tổ đại biểu HĐND tỉnh... Đề án được kỳ vọng tạo bước đột phá xây dựng HĐND tỉnh vững mạnh toàn diện; tạo điều kiện và môi trường cho đại biểu HĐND tỉnh phát huy tính chủ động, sáng tạo trong hoạt động. Qua đó, không chỉ khẳng định vị thế cơ quan quyền lực nhà nước mà còn góp phần xây dựng chính quyền địa phương trong sạch, vững mạnh, liêm chính, kiến tạo, phục vụ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc