Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác PCTT và TKCN
BHG - Sáng 25.4, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai (PCTT) - Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) đã tổ chức hội nghị Tổng kết công tác PCTT và TKCN năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022. Hội nghị được tổ chức trực tuyến 3 cấp từ T.Ư đến tỉnh và huyện. Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì điểm cầu Hà Giang và có bài phát biểu tại hội nghị. Dự tại điểm cầu của tỉnh có lãnh đạo các sở, ngành là thành viên của Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh. Tại điểm cầu cấp huyện có Ban chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thành phố.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu của tỉnh. |
Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19 cũng như thiếu thốn về nguồn lực, song với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự chủ động của các Bộ, ngành, địa phương và cộng đồng nên công tác PCTT năm 2021 đã đạt được những kết quả toàn diện, nổi bật là công tác tổ chức bộ máy, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai và là năm đạt kỷ lục về việc giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra, thiệt hại về người và tài sản thấp nhất từ trước đến nay. Trong năm 2021, cả nước đã xảy ra 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới; 326 trận dông, lốc, mưa lớn; 170 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; 139 trận động đất; hơn 400 điểm /572km sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Thiên tai đã làm 108 người chết và mất tích (giảm 70% so với năm 2020); thiệt hại về kinh tế trên 5.200 tỷ đồng, giảm 87% so với năm 2020…
Đối với Hà Giang, năm 2021 thiên tai làm 5 người chết, 2 người bị thương, hơn 890 nhà bị hư hỏng, sạt lở 55.000 m3 đất, đá các tuyến đường giao thông… Ước tính giá trị thiệt hại hơn 70 tỷ đồng. Đầu năm 2022 đến nay, xảy ra 2 đợt rét đậm, rét hại và 2 đợt mưa kèm dông, lốc đã gây thiệt hại về tài sản của nhân dân, không gây thiệt hại về người.
Sau khi nghe báo cáo công tác PCTT và TKCN năm 2021 và nhiệm vụ năm 2022, các đại biểu tập trung thảo luận về những khó khăn và giải pháp nâng cao công tác dự báo, cảnh báo, ứng phó, giảm thiểu thiên tai tại các địa phương.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn nêu lên một số nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh đã và đang triển khai. Trong đó, tỉnh tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai cho các cấp, các ngành và người dân, đặc biệt chú trọng phương châm “4 tại chỗ”. Huy động và sử dụng đội ngũ Nghệ nhân dân gian vào cuộc để vận động người dân di dời ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở hoặc bị thiệt hại do lũ quét. Tập trung triển khai các giải pháp kỹ thuật và vật tư, vật liệu phù hợp để chống tốc mái do dông, lốc, mưa đá. Vận dụng kết hợp với nguồn Quỹ PCTT của tỉnh và các nguồn hỗ trợ khác để nâng mức hỗ trợ, đảm bảo cho người dân xây dựng được nhà mới an toàn, ổn định lâu dài.
Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đề xuất Chính phủ quy định Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT và TKCN cấp tỉnh thuộc loại tổ chức hành chính để đảm bảo quyền lợi, chế độ cho cán bộ công chức Văn phòng; Công tác dự báo, cảnh báo thiên tai cần cụ thể và có độ chính xác cao đến từng tỉnh. Đồng thời, đề nghị Bộ NN&PTNN, Bộ TN&MT sớm giúp tỉnh nghiên cứu, đánh giá và có giải pháp xử lý sạt trượt tại thị trấn Cốc Pài, huyện Xín Mần.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đề nghị các Bộ ngành, địa phương tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực công tác theo dõi, dự báo, cảnh báo thiên tai. Với phương châm “Phòng là chính”, “chỉ đạo từ sớm, từ xa” các ngành, địa phương cần triển khai ngay công tác kiểm tra, rà soát phương tiện, phương án kế hoạch PCTT trên toàn quốc. Nâng cao chất lượng tham mưu, chỉ đạo điều hành, huy động các lực lượng để ứng phó với các diễn biến thiên tai. Khi có thiên tai xảy ra cần có sự phản ứng nhanh, chủ động, kịp thời từ T.Ư xuống địa phương. Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước, nâng cao năng lực của cơ quan chỉ đạo PCTT và TKCN các cấp, nhất là cấp xã, huyện đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ứng phó với diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp, cực đoan. Củng cố lực lượng xung kích PCTT tại cơ sở, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”. Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông đến từng người dân, tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức kỹ năng ứng phó thiên tai. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, ưu tiên, bố trí nguồn lực PCTT và TKCN. Đồng thời, triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị, chỉ đạo của Chính phủ đối với công tác PCTT năm 2022…
Tin, ảnh: Văn Long
Ý kiến bạn đọc