Hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2022
BHG - Sáng 11.2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2022. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu của tỉnh có lãnh đạo Sở NN&PTNT cùng các cơ quan, đơn vị liên quan.
Sở NN&PTNT cùng các đơn vị dự hội nghị tại điểm cầu của tỉnh |
Theo báo cáo của Cục Thú y, năm 2021 và đầu năm 2022, cả nước xảy ra các loại dịch bệnh động vật trên cạn, gồm: Cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, viêm da nổi cục, khiến trên 457.098 con gia cầm, 288.668 con lợn, 207.687 con trâu, bò mắc bệnh, chết, tiêu hủy. Mặc dù dịch bệnh trên động vật diễn ra phức tạp, song các cấp, ngành, địa phương và hộ chăn nuôi đã kịp thời triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Qua đó, cơ bản kiểm soát các loại dịch bệnh, tạo thuận lợi cho chăn nuôi phát triển, với tổng đàn gia cầm 515 triệu con, 28 triệu con lợn, đàn bò 6,5 triệu con. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị dịch bệnh là 5.608 ha, giảm 27% so với cùng kỳ năm 2020.
Đối với tỉnh Hà Giang, chăn nuôi vẫn duy trì ổn định, với đàn trâu 156.834 con, đàn bò 120.936 con, đàn lợn 582.211 con, đàn gia cầm đạt 5,4 triệu con. Tỷ trọng chăn nuôi năm 2021 đạt 31,63%, tăng 0,13% so với năm trước.
Tại hội nghị, các đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT và các địa phương tham gia thảo luận, đề xuất nhiều giải pháp, kế hoạch nhằm triển khai hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp phòng, chống dịch bệnh trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Để chủ động tổ chức kiểm soát tốt, không để các loại dịch bệnh nguy hiểm xảy ra trên diện rộng, giảm tổn thất về kinh tế, các tỉnh, thành phố cần triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật. Đồng thời, bố trí các nguồn lực thực hiện chương trình, kế hoạch Quốc gia phòng, chống dịch bệnh; khẩn trương rà soát, tiêm phòng vắc xin để mở rộng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh; tiếp tục kiểm tra, giám sát dịch bệnh tại các khu vực có nguy cơ cao; tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật. Bên cạnh đó, các địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao năng lực thú y các cấp, đặc biệt tại tuyến huyện, xã và xử lý nghiêm các trường hợp cản trở, gây khó khăn cho người chăn nuôi trong việc tiếp cận, mua vắc xin tiêm phòng cho đàn vật nuôi.
Tin, ảnh: MỘC LAN
Ý kiến bạn đọc